TƯ DUY TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Ngày đăng: [Saturday, March 13, 2010]

Sau tuyên bố đầu xuân của thủ tướng về việc báo chí cần sắc bén và nhanh nhạy hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ và chú quyền dân tộc, gần đây báo chí trong nước đổ xô vào vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Đặc biệt ba hôm nay, bắt đầu từ báo Thanh Niên phát hiện bản đồ của tổ chức giáo dục Mỹ dùng có in hình Hoàng Sa là của Trung Quốc từ hội địa lý quốc gia(National Geographic Society) của Mỹ sử dụng. Bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm thông tin về tranh chấp biển Đông trên các trang mạng thì không kể hết. Thế nhưng để thực hiện được yêu cầu của nhân dân Việt Nam nói riêng và các nước có chủ quyền về biển Đông thì tập hợp các nước Asean đã có một tư duy đúng chưa?

Từ một cái tên, tôi còn nhớ trước 30/4/1975 ngay cả ở miến Nam, là nơi nắm chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa(HS-TS) trong sách giáo khoa dạy cho học sinh vẫn gọi biển Đông còn có một cái tên khác: biển Nam Hải. Nó thể hiện qua nhiều bài thơ, văn. Đến hôm nay, vẫn còn thấy nhiều tài liệu của ta vẫn dùng từ một cách vô thức là biển Nam Trung Hoa. Vì lý do dịch từ các tài liệu nước ngoài với từ gốc: South China Sea! Qua đó ta thấy rằng, từ rất lâu mưu đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông. Bản đồ hình lưỡi bò là một ví dụ thực tế chứng minh cho mưu đồ ấy gần đây. Với chiến lược hàng giá rẻ, ngành in ấn Trung Quốc đã chiếm hầu hết các thị trường xuất bản tài liệu cung cấp cho giáo dục, địa lý, v.v... toàn cầu. Thông qua đó những thuật ngữ bằng tiếng Anh đã trở thành quen thuộc với thế giới: South China Sea, rồi hôm nay họ lại tiếp tục chiến thuật "vết dầu loang" thêm từ "Paracel Is(island) China". Một cách thầm lặng, êm ái, rất lưu manh để dần đưa ý tưởng "chân lý là hàng ngàn lần nói láo một sự thật" vào thế giới còn lại.

Một sự câu kết của các cường quốc có mưu đồ lợi thế và lợi ích ở biển Đông, thử nhớ lại, trong một bài viết có tính bạch hóa của Richard Holbrooke, hiện là đại sứ của bộ ngoại giao Mỹ tại Trung Đông của chính quyền ông Obama. Trong bài viết Opening China, Then and Now, cho ta thấy rằng sự thất thủ của hải quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày mất Hoàng Sa đã được sắp đặt trước của chính quyền Mỹ và Trung quốc khi Nixon thăm Mao. Và sau đó, sự rút quân Mỹ ở miền Nam được ký kết tại hội nghị Paris-1973, Mỹ bỏ miền Nam Việt Nam. Đến cuộc chiến tranh vệ quốc của ta ở biên giới phía Bắc 1979 cũng bắt đầu từ sự viếng thăm của họ Đặng gặp Carter để xin phép "cho Việt nam một bài học", có thể tìm thấy trong hồi ký của cụ Trần Quang Cơ. Hai thập niên cuối thế kỷ XX là sự độc chiếm khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam của chúng ta trên biển Đông của Liên Xô cũ và Việt Nam, với tập đoàn Vietsopetro. Chỉ bắt đầu từ thế kỷ XXI các nước khác mới có ý định vươn ra biển Đông. Như thế, về mặt chiến lược biển Đông chúng ta chưa hề chậm chân hơn khu vực. Nhưng qua đó cho ta thấy rằng: biển Đông là cửa ngỏ chiến lược tranh giành ý thức hệ trong thời chiến, bây giờ nó vừa là cửa ngỏ giao thương và là khối tài nguyên dưới lòng biển cả và thềm lục địa. Các cường quốc luôn toan tính lợi ích cho mình.

Tư duy biển Đông không nên là tư duy của từng hòn đảo là chính. Lâu nay chúng ta đã để cái riêng lấn hết mọi tư duy trong cái chung của tranh chấp với khu vực. Cặp phạm trù chung-riêng của triết học trong tư duy tranh chấp biển Đông chúng ta đã bỏ quên. Để cuối cùng chúng ta đã bỏ quên đối thủ chính của chúng ta là anh bạn môi hở răng lạnh, mười sáu chữ vàng rất thân thương trên giấy, nhưng rất gian manh trên thực tiễn trong các tranh giành. Ai cũng thừa rõ rằng họ sẵn sàng nướng quân để giành lấy điều họ muốn, mà bất kỳ một thành viên Asean nào cũng không thể chống lại được. Tư duy các hòn đảo phải cần nâng lên là tư duy của tranh chấp biển Đông. Lúc đó, mới nhìn thấy hết quyền lợi, nghĩa vụ của từng quốc gia có biên giới lãnh thổ trên biển Đông. Hòng đem cái chung ra nhau bàn luận, để đi đến thống nhất và làm việc.

Tư duy biển Đông không nên là tư duy nhờ cậy các cường quốc là chính. Vì bất kỳ cường quốc nào cũng có ý đồ nhăm nhe lợi nhuận và thôn tính. Nhưng một mình ta không thể đủ sức chống chọi với anh bạn 16 chữ vàng hàng xóm được. Không nhờ cậy các cường quốc, không đủ sức một mình thì ta phải có chiến lược kết đoàn gây sức mạnh. Đoàn kết với ai? Có ai tốt hơn hiệp hội các nước Đông Nam Á? Song tổ chức này dù đã xế chiều với hơn 40 tuổi, và đã có hiến chương, nhưng đến nay vẫn bị thế giới cho là nói nhiều làm ít. Người ta đang đặt câu hỏi với một tổ chức của 11 quốc gia trong vùng, dân số tổng khoảng 850 triệu. Nếu biết đoàn kết Asean sẽ là siêu cường, nhưng tới hôm nay vẫn chỉ là một cổ máy rời rạc. Các cuộc hội họp khu vực của tổ chức này chỉ có tính thăm dò nhau của các thành viên, hoặc là những chuyến đi du lịch cho các quan chức hơn là thực sự bắt tay vào làm việc.

Thế thì, còn cơ hội nào hơn khi năm nay Việt Nam đương nhiệm chức chủ tịch hiệp hội Asean? Nếu Việt Nam biết tận dụng cơ hội và biến ý tưởng đoàn kết một Asean đồng lòng chia sẻ biển Đông để cùng nhau chống lại hành động ngang ngược của anh bạn láng giềng phương Bắc thì có được không? Tôi cho là quá được. Vì hầu như bất kỳ cuộc họp nào gần đây của Asean cũng có mặt anh bạn này. Đã thế anh bạn còn tham gia vào Asean + 3. Với thị trường 850 trệu dân Asean có kém, nhưng không xa với 1.3 tỷ của anh bạn. Với Asean + 3, ta có thể làm việc với 2 mà không cần làm việc với anh bạn thứ 3 này trong khối đoàn kết. Vì hai anh bạn còn lại cũng lắm vấn đề với anh bạn 16 chữ vàng.

Các cường quốc không phải không nhờ, nhưng chỉ nhờ khi cần thiết. Mối quan hệ vẫn nên giữ tốt đẹp. Song điều cần thiết ngay bây giờ là Asean phải đoàn kết. Asean không thể để tình trạng anh này báo cáo biên giới biển thì anh nọ phản đối như lâu nay ai cũng rõ. Chuyện biển Đông là chuyện không chỉ của từng nhà có biên giới, có lãnh thổ trên biển Đông mà còn là của một cộng đồng 850 triệu con dân sống trong khu vực. Nếu làm được điều này, thì liệu với toàn bộ lực lượng quốc phòng của anh bạn 16 chữ vàng có đủ khả năng chơi lại với lực lượng quốc phòng 11 thành viên Asean hợp lại không? Lực lượng tuần tra biển của những nước có biên giới trên biển trong Asean cùng đoàn kết thì liệu hải quân của anh bạn láng giềng 16 chữ có dám giễu võ dương oai không?

Cuối tuần vui vẻ,

Asia Clinic, 17h53' ngày 13/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét