Trong 1 năm và 21 ngày tạm giam để điều tra ở PA92 tất cả các loại buồng giam và khu vực của nơi này tôi đều được đi qua và lưu lại, chính vì thế tôi thuộc nằm lòng sơ đồ, khu vực của nơi mà từ ngày Pháp xây dựng 1936 và hoàn tất vào năm 1938, trước khi bắt đầu xây dựng khám lớn Chí Hòa 5 năm - 1943.
Trước 30 tháng 4 năm 1975, Bót hàng Keo nằm trên Đại lộ Chi Lăng đối diện ngã ba Chi Lăng - Nguyễn Văn Học, nếu đứng từ ngã ba ngay trên đường Nguyễn Văn Học nhìn sang bên kia Đại lộ Chi Lăng. Sau 30/4/1975, Đại lộ Chi Lăng đổi tên thành một nhân vật cách mạng theo cộng sản dưới màu cờ đảng Tân Việt là Phan Đăng Lưu. Con đường mang tên học giả Nguyễn Văn Học cũng đổi tên thành N'Trang Long, một tù trưởng dân tộcM'Nông kêu gọi dân nổi dậy kháng chiến chống Pháp.
Bót Hàng Keo là trại giam (còn gọi là nhà tù, nhà ngục, khám…) được Pháp xây dựng năm 1938 – trước 5 năm so với Khám lớn Chí Hòa xây dựng xong, vì các nhà tù do Pháp xây dựng không còn đủ chỗ cho những tù nhân vào cuối thập niên 1930s. Bót Hàng Keo bây giờ là nhà giam nằm trong cơ quan an ninh điều tra thành phố Hồ Chí Minh – khi Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông đã mất tên. Cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hồ Chí Minh hiện đặt trụ sở ở Số 4 đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Đường Phan Đăng Lưu bây giờ là đại lộ Chi Lăng của thời Việt Nam Cộng Hòa. Thời Pháp thuộc nó có tên là Bót Hàng Keo vì hai bên đường có hai hang cây keo rợp bóng mát. Trong cuốn hồi ký này tôi sẽ dung cái tên Bót Hàng Keo.
Từ khi ra đời đến nay, Bót Hàng Keo – cơ quan điều tra an ninh công an thành phố Hồ Chí Minh hiện nay – luôn là nơi giam cầm tù nhân chính trị. Thời Pháp thuộc, nơi đây người Pháp giam cầm, tra trấn những người Việt yêu nước, và Việt cộng. Đến 2 thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, nơi đây là nơi giam cầm, điều tra, tra tấn Việt cộng nằm vùng, trong đó có cả sinh viên học sinh, dân thường theo Việt cộng.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Bót Hàng Keo trở thành nơi giam cầm, điều tra xét hỏi những tội danh vượt biển, tổ chức lật đổ chính quyền là chủ yếu. Sau 1990 khi các nước không còn nhận người vượt biển thì được thay thế bằng những ai mà nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt cho là không đồng chính kiến với họ và một số tội danh nguy hại đến an ninh quốc gia cộng sản ở Việt Nam. Nơi đây chỉ là nơi tạm giam, ép cung bằng nhiều hình thức khác nhau. Các bị can ở đây có thể chia ra làm 2 loại như sau:
Loại thứ nhất là những bị can chính trị gồm có:
1. Những người yêu nước bày tỏ chính kiến.
2. Những người vượt biển tìm tự do mà thế giới gọi là Thuyền Nhân (Boat People).
3. Những người có tổ chức ngoài đảng cộng sản cầm quyền bị chính quyền cho là có âm mưu lật đổ chính quyền vi phạm hiến pháp 1992 bắt đầu quy định chỉ có một đảng cộng sản ở Việt Nam duy nhất được quyền hoạt động và cầm quyền chính trị.
4. Những người bị chính quyền cộng sản ở Việt Nam cho rằng khủng bố như lục lượng Biệt động thành của Việt cộng trước đây thời Việt Nam Cộng Hòa.
Loại thứ hai là những bị can an ninh quốc gia gồm có:
1. Làm giả hồ sơ, bằng cấp, giấy tờ.
2. Làm tiền giả.
3. Làm và buôn bán văn hóa phẩm mà chính quyền cho là đồi trụy như: sách, tài liệu bị cấm, phim ảnh khiêu dâm.
Tuy vậy, hai loại trên đều được ghép vào một loại tội chung là tội phạm an minh quốc gia (National security crime). Gọi là bị can, chưa gọi là tù nhân vì chưa có án do tòa án kết luận cuối cùng, kể cả sau án sơ thẩm, phúc thẩm mà bị can vẫn kháng án. Loại bị can chính trị còn kháng án phải đi tù hầu hết cho án chính trị, kể cả tôi – người viết hồi ký này.
Bót Hàng Keo có nhiều khu như sau:
1. Khu làm việc của cảnh sát an ninh Việt Nam.
2. Khu nhà kho lưu trữ vật dụng điều tra của tù nhân.
3. Khu nhà ở của nhân viên an ninh chưa có gia đình chưa có nhà riêng.
4. Khu hỏi cung.
5. Khu nhà giam.
Riêng khu nhà giam chia làm 3 khu A, B và C.
Khu A dành cho trực sinh và ăn ten (antenna). Trực sinh, họ là những tội phạm ngắn ngày dưới hoặc bằng 3 năm, có thể là tội anh minh quốc gia hoặc tội hình sự như ma túy, cướp giật… nhưng bản thân là cán bộ cộng sản hoặc con ông cháu cha phạm tội) có nhiệm vụ đưa cơm nước cho các tù nhân ở 2 khu còn lại là B và C.
Khu A còn có một loại tội phạm rất đặc biệt nữa là tội phạm ăn ten (antenna) cho cán bộ điều tra. Tội phạm ăn ten là bất kỳ tội phạm nào, họ có thể là tội phạm ma túy, giết người, cướp giật, trộm cắp kể cả làm hồ sơ giả mạo, kể cả an ninh chìm giả dạng bị can … Những ăn ten này đa phần đã có án, tội từ trung bình 5 năm đến rất nặng, nhưng họ sẵn sang làm gián điệp cho cán bộ điều tra và cai ngục – quản giáo – để lân la làm quen với bị can đang bị tạm giam để điều tra ở 2 khu còn lại lấy thông tin báo cáo lại cho cán bộ điều tra hoặc cai ngục, để được giảm án trước thời hạn hoặc đặc xá. Ăn ten thường được đưa đến từ các trại giam khác như Chí Hòa, Bố Lá, Xuân Lộc, Xuyên Mộc … Một số ít ăn ten được chọn từ những bị can đang bị tạm giam để điều tra tại Bót Hàng Keo, thường những ăn ten loại này là bị can thuộc an ninh quốc gia.
Tuy vậy, ở Chí Hòa có một khu KG (viết tắt chữ Kiên Giam) là khu vực giam cầm khắc nghiệt nhất của ngục Chí Hòa, nhưng lại đầy rẫy những ăn ten khét tiếng giang hồ, chúng đánh đập, cô lập những ai được cán bộ ra lệnh theo dõi, thu thập thông tin phục vụ điều tra. Sẽ kể ra sau ở những trường hợp cụ thể. Khu A có bao nhiêu phòng giam tôi không rõ. Nhưng các tội phạm ở khu A được ưu đãi về sinh hoạt, đi lại, … thoải mái. Khi xuống trại tạm giam Bố Lá, trại giam Xuyên Mộc cũng có ăn ten. Ăn ten ở mọi lúc mọi nơi từ ngục tạm giam đến ngục thi hành án. Đây là sự khác biệt.
Nói về những phạm nhân ăn ten thì cũng cần nói thêm những tiếng lóng khác khi anh em bị can sử dụng ám chỉ họ như: điện, hang nóng, bò lạc … để tránh những ăn ten gửi vào theo dõi biết. Nhưng theo tôi quan sát thì, khi đã là trinh sát gửi vào ở chung thì họ biết hết những tiếng lóng này. Phần 2 ngày mai viết tiếp.
0 Nhận xét