GƯƠNG SÁNG NGÀNH Y: THẦY TÔI – BS PHAN TƯỜNG HƯNG

Ngày đăng: [Saturday, February 27, 2010]

Cuộc đời học tập và làm việc của một con người được trải qua không biết bao nhiêu người thầy, người cô hướng dẫn. Nhưng qui luật nhân quả của đời thường lại tạo cơ duyên cho mỗi cá nhân sẽ tìm thấy được cho mình một số người thầy, người cô có ấn tượng đậm nét theo từng giai đoạn. Có hai giai đoạn quan trọng mà ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của mình suốt một đời người. Đó là tuổi hình thành nhân cách và khi bắt đầu đi làm. Tôi cũng không thoát khỏi qui luật ấy khi bắt đầu hành nghề y.

Người ta bảo: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu(1). Điều tôi ấn tượng với Bố - chúng tôi vẫn gọi thầy như thế, và đây là từ mà tôi sử dụng trong bài viết về ông - khi ông có câu khuyên với tôi về nghề: “Sinh ra đời là để chỉ gặt quả và gieo nhân. Quả thì đã có rồi chỉ việc gặt, không thay đổi được. Nhưng nhân thì mình chủ động gieo. Nghiệp y rất nặng. Đừng nghĩ làm y là cứu người. Mà phải hiểu người bệnh là ân nhân và là thầy của thầy thuốc. Vì không có người bệnh thì thầy thuốc không thể giỏi. Và làm y là để trả nợ, mang nghiệp, phải cố gắng gieo nhân tốt, để nghiệp bớt đi”. Đó là lời dạy của ông đối với tôi mà không có người giáo sư hay bác sĩ bậc thầy nào khai mở cho tôi.

Trong toàn bộ trường phái triết học hiện sinh chỉ qui lại một câu rất khoa học: “Nó vậy, nó phải là vậy”. Ở thầy, không bao giờ dài dòng và khoe chữ. Tất cả mọi điều chỉ gói gọn trong một câu rất đơn giản. Khi ông bắt đầu dạy tôi phẫu thuật. Ông chỉ gói gọn trong một câu: “Thực hiện phẫu thuật giống như đi ăn cơm Tây. Không được làm theo kiểu ăn cơm Hồi giáo”. Ban đầu tôi chưa hiểu. Nhưng khi cùng phụ mổ với ông, mỗi động tác sai ban đầu khi dùng tay chạm vào phẫu trường, thì ông bảo: “lại ăn cơm bốc như Hồi giáo rồi. Tay muổng, tay nỉa hiểu chưa?”. Từ ấy, tôi mới hiểu thế nào là phẫu thuật thực hành, dù trong trường y đã dạy môn này.

Bố thì thấp, nhưng tôi lại cao, khi phụ mổ thấy tôi đứng lưng hơi còng là bố bảo phòng mổ cho Bố cái ghế và nâng bàn mổ cho tôi không phải khom lưng. Vì nguyên tắc mổ, phẫu thuật viên không được đứng tư thế không sinh lý. Điều ấy sẽ giúp sức chịu đựng cho phẫu thuật viên với những cuộc mổ kéo dài, có khi cả ngày lẫn đêm. Đồng thời không làm hư dáng của phẫu thuật viên.

Ngày tôi gặp Bố, Bố không còn mỗ đi (operation: mổ lần đầu trên một bệnh lý của bệnh nhân) mà chỉ còn mổ lại (re-operation)(2) (Mổ lại những cái gì đồng nghiệp đã bị biến chứng và tai biến sau mổ trên người bệnh). Đời phẫu thuật viên chỉ làm phẫu thuật lại là đỉnh cao của nghề. Chỉ thỉnh thoảng có nhân viên của bệnh viện hoặc người thân quen nhờ mổ, lúc ấy Bố mới mổ đi.. Mổ đi thì dễ, vì giải phẫu học cấu trúc như sách đã dạy. Mổ lại thì khó và rất mất thời gian. Mọi cấu trúc giải phẫu học đã bị di lệch và dính be bét. Đòi hỏi phẫu thuật viên phải có chiến lược và chiến thuật rất công phu trước, trong và sau mổ. Bố thường bảo: “Đi mổ như đi biển, không biết sóng gió lúc nào? Nhưng nếu nắm chắc bệnh và tiên lượng tốt thì sẽ đưa ra chiến lược trước khi mổ. Khi vào mổ là xử lý chiến thuật tùy theo tình huống thực tế cho từng chiến lược đã vạch ra trước mổ. Nên phẫu thuật viên phải giỏi nội khoa như hoặc hơn một bác sĩ nội khoa về cái bệnh mà mình sẽ mổ. Lúc đó phẫu thuật viên mới không là thợ mổ”.

Tôi không biết mình may hay rủi khi được gặp Bố và là một trong những người được Bố chọn làm trò và bản thân mình cũng cảm thấy hân hạnh được chọn Bố làm thầy? Vì sau tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia tại trường Y Sài Gòn năm 1968 với luận án “Bạch cầu ở bệnh nhân chấn thương sọ não”. Bố bị tổng động viên buộc bố phải lên quân trường Quang Trung với quân hàm sĩ quan biệt phái. Lên quân trường chưa kịp học xong 6 tháng thì bị đặt mìn, may mắn chưa chết nhưng bị hư một chân. Thế là về dân sự làm ở bệnh viện Nguyễn Văn Học (BV Nhân Dân Gia Định bây giờ) rồi đi tu nghiệp ở Nhật từ năm 1972 đến 1973. Chán xứ người vì văn hóa sống không phù hợp, nên về tiếp tục làm việc lại ở BV Nguyễn Văn Học. Đến ngày 30/4/1975 thì chuyển về làm việc cho BV Chợ Rẫy đến ngày về hưu.

Những ngày đầu cùng làm việc với Bố, tôi thấy kỳ lạ tại sao Bố không chịu lấy thêm bằng cấp khi bệnh viện yêu cầu? Bố không được phong tặng thầy thuốc ưu tú hay chiến sĩ thi đua? Nhưng trong khi ấy, những người đã từng được Bố cầm tay chỉ việc họ cứ lục tục hết tiến sĩ, rồi giáo sư, rồi giám đốc bệnh viện này hay hiệu trưởng trường y nọ. Khi đã thân tình tôi mới hiểu trong Bố có cái khí khái và không màng danh lợi của dòng họ một thời lừng lẫy của những ngày đầu giặc Pháp xâm lược nước ta. Hậu duệ của cụ Phan Thanh Giản(***) - bác sĩ Phan Tường Hưng.

Đời phẫu thuật viên không tránh khỏi những lần, khoảng thời gian điều trị bệnh gây tai biến cho người bệnh. Những thời kỳ ấy chúng tôi thường gọi với nhau bằng từ “serie noir” - một loạt đen đủi – Khi chúng tôi bị một tai biến trong hay sau mổ đều tự xin ngừng mổ trong tháng đen. Nhưng suốt những năm tháng làm việc với Bố, tôi chỉ chứng kiến một lần Bố bị tai biến do phẫu thuật vào cuối năm 1997. Lần ấy cũng là lần cuối cùng Bố phẫu thuật trên người bệnh, vì ông xin không phẫu thuật nữa mà chỉ làm tham vấn chuyên môn khi ai yêu cầu. Tôi hỏi ông sao không mổ nữa? Bố bảo: “hết nghiệp rồi, chỉ nên làm tham vấn và chờ về hưu thôi”. Cũng chính năm ấy Bố bị tai biến lấp mạch máu não. Hai năm sau Bố về hưu.

Sau 2 năm bố về hưu thì tôi cũng rời xa môi trường bệnh viện. Tôi có tham khảo ý kiến ông. Ông bảo: “Nghiệp ít thì nghỉ sớm. Nghiệp nặng thì làm đến tuổi về hưu hoặc cuối đời. Không có gì phải ray rứt và ân hận. Sống thực với những gì mình có và cố gieo nhân tốt. Đến và đi là qui luật cuộc đời. Ăn chay đi con, kẻo muộn”. Bố ăn chay trường từ sau ngày 30/4/1975 cho đến tận bây giờ. Có lẽ thế mà đời phẫu thuật viên của Bố chỉ một lần tai biến và cũng là lần cuối Bố phẫu thuật trên người - để rồi từ bỏ nghề y chăng?

Đã 5 cái tết chưa làm đúng bổn phận “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, vì cứ mỗi lần tết đến là tôi phải về thăm quê. Năm nay thăm Bố mồng 5 tết. Bố bảo “năm nay lạ, mấy năm trước không đứa nào thăm, tự dưng năm nay nhà đầy khách? Không biết có điềm gì đây?” Nhìn Bố tóc bạc phơ, đi lại khó khăn vì di chứng tắc mạch máu não. Ngày xưa nhà Bố còn ở đối diện cổng cấp cứu BV Chợ Rẫy còn dễ ghé thăm. Nhưng từ lúc về hưu, do phải trang trải cuộc sống, căn villa thời Pháp thuộc đành phải bán, để dời về tận ngoại ô. Học trò thưa dần vì nhiều lẽ. Có lẽ Bố buồn qua câu nói nửa đùa, nửa thật. Lòng tôi cảm thấy quặn đau. Năm nay ngày thầy thuốc Việt, con không biết viết gì, khi giữa đời thường còn lắm những tha hóa trong nghề. Chỉ có thể viết ra đây những dòng ghi lại một đời Bố làm y, ăn chay và tu tâm tại gia theo trường phái Thiền Tông. Với bao thế hệ đi qua, nhưng khi về già, Bố không đủ để xa hoa như người khác, mà phải bán nhà để lấy tiền kiếm sống những năm tháng còn lại.

Con chưa bao giờ gọi Bố là thầy. Hôm nay, nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, con xin phép Bố được gọi Bố tiếng Thầy đầu tiên từ lúc con gặp Bố. Đây là tấm lòng tri ân những gì Bố đã dạy con không chỉ nghề nghiệp mà còn dạy con biết thêm cái văn hóa làm Người thầy thuốc. Hợp rồi lại sẽ tan, đó là qui luật của đời. Nhưng trong thâm tâm con không bao giờ quên cái hình ảnh mà ngày thầy hoàn  thiện cuốn tiểu luận Thiền Tông với tựa đề  “Tu tâm” và vui mừng gửi cho con. Con sẽ  không quên người thầy thuốc thầm lặng, không danh hiệu, không chức tước, nhưng với lương tâm nghề và nghiệp y cao cả, đã đúc nên con.

Asia Clinic, 13h15 ngày 23/02/2010
Ghi chú: 
- (***)  Thành ngữ Điển tích Danh nhân - Trịnh Vân Thanh - Nhà xuất bản Văn học, 2007, trang 963-966
- Hình tư liệu cá nhân:
Hình 1: BS Phan Tường Hưng hiện nay
Hình 2: Bàn thờ bức tượng đồng đen của chí sĩ Phan Thanh Giản. Phía sau tượng cụ Phan Thanh Giản là di ảnh của thân phụ, cố BS Phan Văn Đệ, cựu giám đốc BV Chợ Rẫy trước năm 1975 và thân mẫu của BS Phan Tường Hưng.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét