SỬA ĐỔI GIÁO DỤC

Ngày đăng: [Saturday, August 15, 2009]
Bài này có đăng trong phần góp ý của Vietnamnet online, nhưng đã bị biên tập có nhiều lỗi. Nên tôi mang nó về blog của mình để lưu trữ, nhằm nhìn lại mai sau khi giáo dục nước nhà được sáng sủa hơn.


Hôm nay đọc bài trên Việt Nam net về sửa luật giáo dục của cuộc họp thường vụ quốc hội đang diễn ra, tôi có một số suy nghĩ mà nghành giáo dục Việt Nam cần quan tâm đúng hơn là cứ loay hoay quanh quẩn về những điểm không mấu chốt cho vấn nạn giáo dục Việt Nam.

Thứ nhất: Giáo dục Việt Nam cần thay đổi tư duy về định hướng giáo dục. Tư duy giáo dục hiện đại là lấy học sinh và sinh viên làm trọng tâm cho nền giáo dục. Cũng giống như trồng lúa, trọng tâm là cây lúa, chứ không phải là mùa vụ. Cây lúa có chất lượng tốt, sức đề kháng sâu bọ cao, sản lượng lớn thì cây lúa mới chiếm lĩnh không chỉ thị trường trong nước và quốc tế và đem lại uy thế cây lúa nước nhà. Giáo dục cũng vậy, nó phải vì học sinh mà không vì bất kỳ một tư duy ngoài người học thì giáo dục mới tạo nên tầm vóc của nó. Giáo dục phải tạo ra những thế hệ có tư duy độc lập, tự học, tự nghiên cứu được và biết làm việc trong môi trường tập thể. Có những thế hệ học sinh như thế thì không cần đợi đến 50 năm, mà chỉ cần 10-20 năm tầm vóc giáo dục Việt Nam sẽ khác và sẽ có chỗ đứng ở tầm quốc tế.

Thứ hai: Với mục đích giáo dục vì học sinh thì thầy giáo phải có tư duy vì học sinh. Thầy không thể đọc cho học sinh chép, mà thầy là người hướng học sinh tự đi. Không cần giáo trình mà cần mục tiêu đào tạo rõ ràng: Ở cấp học đó học sinh phải tự đi vào vấn đề gì về các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Chứ không phải học sinh phải thuộc lòng bài thơ, bài văn, lịch sử ngày, tháng, năm có sự kiện gì. Vì nếu cần học sinh biết mở sách nào để tìm học sinh cần tìm chứ khg cần học sinh phải thuộc như cháo, rồi lại quên và không biết nó ở đâu để mà tìm. Muốn vậy, thầy phải là người được thay đổi tư duy dạy để dẫn học sinh đi. Không gia trưởng, mà phải xem học sinh là bạn đồng hành cùng bước trên con đường giáo dục nước nhà.

Thứ ba: Giáo dục cần phải có sự bình đẳng ở mọi nơi. Thành thị cũng như nông thôn về phương tiện vật chất và đẳng cấp giáo dục như nhau. Không để có sự chênh lệch quá mức như hiện nay giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi. Vì con người sinh ra là có quyền bình đẳng và quyền được sống như nhau. Muốn vậy không chỉ có giáo dục nỗ lực mà tất cả các ngành khác trong xã hội phải cùng nỗ lực để lo cho sự nghiệp giáo dục. Vì dụ như: giao thông phân phối phải tốt, điều kiện sống phải không cách biệt ...

Thứ tư: Chế độ đãi ngộ cho giáo viên phải cao. Trong một xã hội tốt là xã hội phải có chế độ đãi ngộ với những ngành chăm lo con người. Một xã hội tốt không thể nói tốt khi sự đãi ngộ của giáo dục và y tế bị bỏ rơi. Đồng lương của giáo viên phải dư sống nuôi con cái và thừa để đi du lịch mỗi khi hè về, thì thầy mới có tâm, có đủ thời gian vì học sinh. Người thầy không thể lo tốt cho học sinh khi họ phải dạy thêm, làm nghề tay trái để kiếm sống vì đồng lượng không đủ nuôi thân.

Thứ năm: Trồng cây thì phải uốn cây từ lúc còn non. Trồng người thì phải lo chăm sóc từ lúc còn trẻ thơ. Trẻ thơ là tuổi tập ghi nhận thế giới khách quan một cách trung thực và bắt chước một cách trung thực trong cuộc sống sinh động để hành xử. Nên việc giáo dục sửa đổi cần phải rất căn cơ, phải đi từ tuổi thơ là chủ yếu. Nhưng, chúng ta sẽ không thể có một thế hệ tương lai tốt khi trẻ học ở trường một chương trình tốt đẹp, trong khi ngoài xã hội lắm tha hóa. Vì vậy, sửa đổi giáo dục không chưa đủ mà người lớn cần làm gương từ trong gia đình ra ngoài xã hội đến chốn công đường cả về nếp sống và tuân thủ pháp luật nghiêm minh.

Thứ sáu: Cần phải thay đổi cái văn hóa duy tình và tam cương, ngũ thường trong giáo dục bằng cái văn hóa duy lý cho thế hệ tương lai. Để các thế hệ tiếp theo biết nhìn vấn đề và thực hiện hành vi có logic hơn là cảm tính. Văn hóa là cội rễ của dân tộc. Nhưng không nên vì là cội rễ mà không mạnh dạn bỏ đi những thói hư tật xấu của văn hóa làng xã để tạo ra những thế hệ đủ tầm cho đất nước.

Thiết nghĩ, 6 vấn đề lớn trên nếu không được sửa đổi đồng bộ, nghiêm túc thì dù có cải cách giáo dục đến trăm lần. Thay đổi luật giáo dục đến vạn lần thì giáo dục nước nhà vẫn mãi chìm đắm trong bễ bơi quá tầm.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét