LẠI CHUYỆN DẠY VÀ HỌC

Ngày đăng: [Saturday, March 20, 2010]
Vài tuần nay trên chương trình phim VTV3 lúc 21h PM mỗi đêm chiếu bộ phim: "Những thiên thần áo trắng", nói về lớp học trung học có một cô bé làm đảo lộn trật tự kiểu dạy và học theo kiểu "cơm chấm cơm", thầy chỉ việc đọc và trò cứ chép như con vẹt. Cô bé ấy mang đến làng gió mới, người học là trung tâm, thầy/cô giáo chỉ là người dẫn tư duy độc lập cho học trò. Phim do một hãng phim Sài Gòn làm.

Cùng trong đêm lúc 22h PM, một bộ phim mà tôi xem không hiểu ý của biên tập phim và đạo diễn muốn gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ tương lai đất nước. Bộ phim: "Bộ tứ 10A8". Bộ phim do đài truyền hình trung ương làm.

Hai bộ phim làm tôi suy nghĩ nhiều hơn khi xem video clip trên Vietnamnet hôm nay, khi video clip cho rằng học như thế này mà thành tài ư?

Thiết nghĩ, học đại học là tự học. Học đại học không phải là phổ thông cấp 4. Sinh viên muốn đến giảng đường hay không đó là quyền của họ. Họ học xong đại học là để họ biết làm việc độc lập và biết làm việc trong một tập thể. Họ biết tự tìm tài liệu khi cần tìm. Không có nghĩa là họ không biết làm gì khi vướng một vấn đề chưa có lời giải. Thế thì đâu có nghĩa là đến lớp ngủ có nghĩa là họ không thể thành tài? Tại sao không nghĩ rằng, có nhiều lý do họ phải ngủ trong khi giảng viên đang giảng? Có thể họ không muốn học một môn vô bổ. Có thể họ không muốn học với một giảng viên tồi. Có thể họ không còn đủ sức học sau những vất vả đời thường. Có thể v.v... Có cả nghìn lý do có thể xảy ra.

Nhớ lại ngày xưa học y, thời ấy vừa đói, vừa nghèo mà chế độ chu cấp nhà nước không bằng con vật bây giờ. Chúng tôi hầu như chỉ đủ sức để trải qua trên giảng đường những môn khoa học cơ bản đòi hỏi phải vào phòng lab. Những năm sau này, ngoài việc đi lâm sàng thực tập, các giờ lý thuyết trên giảng đường hầu như vắng mặt. Chúng tôi có mặt chỉ khi lãnh lương và mua nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn. Nhờ thế mà chúng tôi tự học, tự đọc sách phục vụ lâm sàng. Thế mà các thế hệ chúng tôi chưa ai thấy mình thấp kém về kiến thức và lương tâm nghề.

Trong một bài viết trước đây, tôi có đề nghị rằng: "Nhà nước cần xem lại qui chế 1 biên chế cho cán bộ công nhân viên nhà nước ở một số ngành. Và xem lại cách bắt học sinh phải học môn này của giảng viên này mà không cho sinh viên tự chọn cho mình giảng viên mà sinh viên muốn học. Đặc biệt trong giáo dục, y tế, luật ... Vì theo kinh tế thị trường thì phải tuân theo qui luật cung cầu. Nếu giảng viên không ra gì thì sinh viên học sinh không đăng ký lớp học của họ. Và nhà trường có thể thuê giảng viên cùng chuyên ngành ở một trường khác đến dạy. Có thể tồn tại một môn chuyên ngành có nhiều giảng viên giảng dạy trong một đại học để tạo ra môi trường cạnh tranh trong sáng. Và một giảng viên có thể hưởng sự đãi ngộ đồng lương của họ từ hai hoặc nhiều jobs ở nhiều nơi khác nhau, xứng đáng với tài năng của họ. Nếu giảng viên yếu kém thì tự sinh viên không đăng ký học môn họ dạy và tự động họ sẽ tự đào thải mình ra khỏi hệ thống. Với cách đơn giản như vậy sẽ giúp thanh lọc những giảng viên đi lên từ sự "nâng đỡ" và bằng cấp không trong sáng hơn là bằng tài năng thực sự. Và lúc đó chúng ta sẽ có đội ngũ giảng viên đại học thực sự tốt, mà không cần bằng cấp cao vòi vọi, nhưng năng lực thì ở dưới tận đâu đó dưới đất."

Như vậy, có nên chăng buộc sinh viên phải lên giảng đường nghe lại những gì mà sách đã viết rồi không? Giảng viên phải làm thế nào để sinh viên phải bậc dậy lắng nghe, say sưa, há hốc mồm để nuốt những lời vàng, ý ngọc của giảng viên? Hay là sinh viên phải chấp nhận tình hình hiện tại như vị tiến sĩ trong video clip trên đã nói? Liệu như vị tiến sĩ nói thì chất lượng sinh viên ra trường tốt hơn chăng? Hay là giáo dục đại học Việt Nam cần thay đổi tư duy dạy và học vì chất lượng giảng viên và chất lượng đầu ra đúng với yêu cầu thực tế? Sinh viên có học hay không có là vấn đề cần bàn luận hay không, nếu chất lượng đầu ra không chạy theo thành tích mà vì nhu cầu cuộc sống?

Tư gia, 0h39' ngày 20/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét