VÌ SAO THÁNG 01 TÂY LỊCH HẰNG NĂM LÀ MỐC QUAN TRỌNG CỦA GIÁ VÀNG?

Ngày đăng: [Wednesday, January 15, 2014]
Bài đọc liên quan:

Như tôi đã từng viết trong một bài về vàng trên blog này. Vàng là cái lô cốt cuối cùng không chỉ một gia đình, mà còn cho cả một quốc gia, vì nó là loại hàng hóa đặt biệt đã từng được thế giới làm mốc để neo đậu giá đồng tiền. 

Người dân thường thì dùng tiền để mua bán hàng hóa. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng dùng giấy lộn biến thành chứng nhận uy tín của mình để buôn tiền. Nhưng vàng là cái chốt chặn để bảo đảm tất cả khi mà hàng hóa và tiền bạc không còn ý nghĩa cho một nền kinh tế đi vào sụp đổ.

Chỉ có một yếu tố mà vàng mất giá trị hữu dụng đó là, chiến tranh ập đến và thiếu lương thực dự trữ cho quốc gia cũng như mỗi gia đình. Lúc ấy, 1 lạng vàng cũng chỉ đủ để mua vài kg gạo. Chuyện này đã từng diễn ra trong cuộc lánh giặc của dân miền Nam hồi 30/4/1975.

Song câu chuyện hôm nay là tại sao thời điểm giữa tháng 01 Tây lịch hằng năm là cái mốc giá vàng, và tiên lượng giá vàng lên, xuống trong năm, khi mà cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các cường quốc - đại diện là Hoa Kỳ và Trung Hoa - lại đã diễn ra trong một thập niên qua?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu. Trong đó được chia làm 4 nhóm yếu tố chính là: văn hóa, kinh tế, chiến tranh, và khai thác mỏ. Trong 4 nhóm đó, còn có những yếu tố được đưa ra. Ví dụ, trong nhóm chiến tranh có việc làm ảnh hưởng giá dầu thì giá vàng sẽ tăng, nhưng trong khai mỏ thì khi khai thác vàng và dầu tăng giảm cũng ảnh hưởng tới giá vàng. Song, yếu tố bản vị dầu, mà tôi đã viết trong bài Bản chất của kinh tế chính trị toàn cầu trong nửa thế kỷ qua và tương lai, tôi có chốt, ngày nay bản vị dầu là đòn quyết định giá vàng.

Nếu ai có khả năng về toán xác suất thống kê định lượng - Linear Regression: Hồi quy tuyến tính - và có thể lập ra các biến độc lập và biến phụ thuộc làm ảnh hưởng đến giá vàng một cách chính xác, thì việc tiên lượng giá vàng đến mốc nào tăng giảm tùy theo tình hình trong 1 năm tới là rất khả dụng.

Yếu tố văn hóa không hề kém cạnh trong việc làm giá vàng nổi sóng theo chu kỳ hằng năm. Dân số châu Á chiếm đến 60% dân số toàn cầu, mặc dù diện tích chỉ chiếm 29.9% diện tích mặt đất. Với cái văn hóa cưới hỏi bằng vàng, nên cứ đến mùa này - đầu năm dương lịch, hay cuối năm âm lịch - là nhu cầu tiêu dùng trong số 4 tỷ dân châu Á cho việc cưới hỏi sẽ tăng cao, và giá vàng sẽ tăng. Nên đến giữa tháng 01 Tây lịch là gần tết âm lịch thì đỉnh giá vàng thế giới sẽ lập trong tháng đầu năm.

Sau khi lập đỉnh, nếu tất cả các yếu tố ảnh hưởng thuận cho giá vàng tăng thì, giá vàng sẽ tiếp tục tăng sau đó, dù nhu cầu vàng tiêu dùng không còn nữa. Ngược lại, nếu các yếu tố khác làm cho giá vàng giảm thì giá vàng sẽ giảm dần từ giữa tháng 01 Tây lịch trở về cuối năm.


Năm nay là mùa xuân thứ 3 mà giá vàng lập đỉnh vào giữa tháng 01 Tây lịch và sau đó phải xuống, vì nhu cầu vàng cho tiêu dùng cũng như các yếu tố thuận lợi đẩy giá vàng rớt xuống đã bắt đầu, sau khi giá vàng lập đỉnh 1252.40USD/oz hôm 13/01/2014 giờ Hoa Kỳ, tức đêm 14/01/2014 ngày Việt Nam vừa qua, như tôi đã nhận định trong một bàn luận trong bài viết: Đã đến lúc tháo chạy khỏi nơi trú ẩn vàng?.

Tình hình kinh tế xã hội Việt ngày càng bi đát sau những lời từ gan ruột của ông bộ trưởng kế hoạch và đầu tư cũng là một cái mà người Việt trong nước phải cần suy nghĩ để bảo tồn được từng đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình. Vì năm 2014, việc giải quyết nợ xấu từ tham nhũng của đầu tư công sẽ bằng cách tăng thuế phí đánh vào dân và doanh nghiệp là điều mà chính phủ ắt phải làm, khi tài nguyên đã cạn, mà sức mua của dân thì cũng đã cạn kiệt trong năm 2013.

Asia Clinic, 13h42' ngày thứ Tư, 15/01/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét