TRUNG HOA VẪN ỔN

Ngày đăng: [Sunday, September 09, 2012]

Bài dịch của Trang La
 
Các bài viết của tác giả đã được dịch trên blog này:

Bài viết gốc: China is Okay

Bài viết của ông Stephen S. Roach, ông từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Morgan Stanley Châu Á và là kinh tế trưởng của công ty này, và hiện ông là thành viên cao cấp của Jackson Institute of Global Affairs tại Yale University và là giảng viên cấp cao tại Yale’s School of Management. Cuốn sách gần đây nhất của ông mang tên Châu Á tiếp theo(The Next Asia).

NEW HAVEN – Có một sự quan ngại đang gia tăng rằng nền kinh tế Trung Hoa có thể rơi vào tình trạng hạ cánh nặng nề. Thị trường chứng khoán Trung Hoa đã giảm 20% trong năm ngoái, về mức của năm 2009. Sự yếu kém tiếp diễn trong các dữ liệu gần đây – từ nhận định của quan điểm quản lý về sức mua và sản lượng công nghiệp tới doanh số bán lẻ và xuất khẩu – đã làm tăng thêm mối lo ngại. Đã từng tạo ra động lực mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế toàn cầu kéo dài, Trung Hoa, hiện giờ có nhiều quan ngại rằng, đang rơi vào trạng thái ‘hết nhiên liệu’.

Những lo lắng này có vẻ bị thổi phồng. Đúng là, nền kinh tế Trung Hoa đang chững lại. Nhưng sự chững lại này đã được kìm lại và có lẽ sẽ chỉ còn diễn ra trong thời gian ngắn. Tình huống xảy ra khả năng hạ cánh nhẹ nhàng vẫn khá chắc chắn.

Những đặc trưng của suy thoái kinh tế Trung Hoa được biết đến từ cuộc Đại Suy thoái 2008 – 2009. Tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Hoa giảm mạnh từ đỉnh 14.8% vào quý 2/2007 xuống còn 6.6% vào quý 1/2009. Bị ảnh hưởng bởi một cú sốc khổng lồ từ phía nhu cầu bên ngoài khiến cho thương mại thế giới sụt giảm kỷ lục mất 10.5% năm 2009, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Hoa nhanh chóng đi từ bùng nổ tới phá sản. Phần còn lại của một nền kinh tế Trung Hoa không cân bằng cũng chịu hậu quả theo – đặc biệt là thị trường lao động, với sự kiện chỉ riêng tỉnh Quảng Đông mà có tới 20 triệu công nhân mất việc.

Lần này, sự sụt giảm đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Từ đỉnh 11.9% vào quý 1/2010, tăng trưởng GDP năm của Trung Hoa chậm lại ở mức 7.6% vào quý 2/2012 – chỉ bằng một nửa so với mức giảm 8.2 điểm phần trăm trong suốt cuộc Đại Suy thoái.

Nếu ngăn chặn được sự tan rã hỗn loạn của khu vực đồng tiền chung châu Âu, mà vốn dĩ không thể, thì theo dự báo cơ bản của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF về mức tăng trưởng 4%/năm của thương mại thế giới trong năm 2012 có lẽ là hợp lý. Đó sẽ là mức dưới trung bình so với xu hướng tăng trưởng 6.4% từ năm 2004 tới 2011, nhưng không ở gần với mức sụp đổ được ghi nhận trong giai đoạn 2008 – 2009. Với nền kinh tế Trung Hoa ở mức ít bị đe dọa do sự suy yếu của xuất khẩu hơn rất nhiều so với ba năm rưỡi trước đây, hạ cánh nặng nề có vẻ sẽ không diễn ra.

Thật ra, nền kinh tế này đang đối mặt với các thách thức, đặc biệt là từ chính sách nhằm làm dịu đi thị trường nhà ở đang quá nóng. Nhưng việc xây dựng cái gọi là nhà ở xã hội cho các hộ gia đình thu nhập thấp, được đẩy mạnh bởi các tuyên bố đầu tư gần đây trong các khu vực đô thị trọng yếu như là Thiên Tân(天津:Tianjin), Trùng Khánh(重庆: Chongqing), và Trường Sa(长沙: Changsha), cũng như ở Quý Châu(贵州: Guizhou) và tỉnh Quảng Đông, sẽ bù đắp nhiều hơn cả sự sụt giảm. Hơn nữa, không như các sáng kiến tài trợ bởi ngân hàng của 3 – 4 năm trước, thứ dẫn tới lo ngại lơ lửng trên đầu về nợ của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương có vẻ đóng vai trò lớn hơn trong việc tài trợ cho các dự án hiện tại.

Các báo cáo về những thành phố ma, những cây cầu không dẫn tới đâu, và những sân bay mới trống không đổ thêm dầu vào lửa cho mối lo của các nhà phân tích phương Tây rằng một nền kinh tế Trung Hoa không cân bằng không thể phục hồi như nó đã từng trong nửa cuối năm 2009. Với đầu tư cố định gần chạm tới mức chưa từng thấy tương đương với 50% GDP, lo ngại của họ về một gói kích thích tài khóa khác dẫn dắt bởi đầu tư sẽ chỉ làm đẩy nhanh viễn cảnh Trung Hoa sụp đổ không thể tránh khỏi.

Nhưng sự trầm trọng hóa vấn đề của những người bi quan đã bỏ qua những nhân tố quan trọng nhất trong quá trình hiện đại hóa của Trung Hoa: câu chuyện đô thị hóa lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Trong năm 2011, tỷ lệ dân cư đô thị Trung Hoa vượt mức 50% lần đầu tiên, đạt tới 51.3% so với mức dưới 20% năm 1980. Hơn nữa, theo dự báo của OECD, sự bùng nổ dân cư đô thị của Trung Hoa sẽ mở rộng thêm hơn 300 triệu nữa vào năm 2030 – một sự tăng gần như bằng với dân cư hiện tại của Hoa Kỳ. Với sự di dân từ nông thôn về thành thị trung bình là 15 tới 20 triệu người một năm, những thành phố được gọi là thành phố ma ngày nay sẽ nhanh chóng trở thành những khu vực đô thị phát triển mạnh trong tương lai.

Phố Đông Thượng Hải là một ví dụ điển hình về một dự án xây dựng đô thị “rỗng không” vào cuối năm 1990 đã nhanh chóng trở thành một trung tâm đô thị được lấp đầy như thế nào, với dân số hiện nay vào khoảng 5.5 triệu người. Một nghiên cứu của McKinsey dự báo rằng vào năm 2025 Trung Hoa sẽ có hơn 220 thành phố với dân số trên 1 triệu, so với con số 125 thành phố vào năm 2010, và 23 siêu đô thị sẽ có mức dân số ít nhất 5 triệu người.

Trung Hoa không thể đợi chờ để xây dựng những thành phố mới của nó. Thay vào đó, đầu tư và xây dựng phải phù hợp với làn sóng nhập cư đô thị trong tương lai. Những người chỉ trích “thành phố ma” hoàn toàn bỏ qua điều này.

Tất cả điều này là một phần trong kế hoạch tổng thể của Trung Hoa. Mô hình nhà sản xuất, thứ đã vận hành xuất sắc trong 30 năm, không thể đưa Trung Hoa tới miền đất hứa về sự thịnh vượng. Lãnh đạo Trung Hoa đã nhận ra điều này từ lâu, như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo qua tác phẩm phê bình nổi tiếng năm 2007 mang tên “Bốn Không” – cảnh báo về một nền kinh tế “không ổn định, không cân bằng, không hợp tác và cái chính là không bền vững”.

Hai cú sốc từ bên ngoài – đầu tiên từ Hoa Kỳ, và giờ đây là từ châu Âu – đã biến cảnh báo Bốn Không trở thành kế hoạch hành động. Quá phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài đến từ các nền kinh tế phát triển bị khủng hoảng quật ngã, Trung Hoa đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 kích thích tiêu dùng, trong đó đưa ra chiến lược tái cân bằng mạnh mẽ và chiến lược này sẽ định hướng sự phát triển trong nhiều thập kỷ.

Các yêu cầu đầu tư và xây dựng các công trình đô thị hóa quy mô lớn là trụ cột của chiến lược này. Thu nhập đầu người ở khu vực thành thị gấp hơn ba lần mức trung bình ở các khu vực nông thôn. Chừng nào đô thị hóa còn đi cùng với tạo ra việc làm – một chiến lược được tăng cường bởi sự dịch chuyển sang phát triển dựa vào dịch vụ của Trung Hoa – thu nhập của người lao động và sức mua của người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Trái ngược với những người nghi ngờ Trung Hoa, đô thị hóa không phải là tăng trưởng giả tạo. Đó là một nguyên liệu thiết yếu cho một “Trung Hoa tiếp theo”, bởi nó tạo ra cho Trung Hoa các lựa chọn về mặt chu kỳ và cơ cấu. Khi đối mặt với sự thiếu hụt nhu cầu - bất kể là bởi cú sốc từ bên ngoài hay sự điều chỉnh bên trong, như là việc chỉnh đốn thị trường nhà ở - Trung Hoa có thể chỉnh sửa các yêu cầu đầu tư dẫn dắt bởi đô thị hóa sao cho phù hợp. Với một dự trữ lớn nhờ vào tiết kiệm thặng dư và với mức thâm hụt ngân sách ít hơn 2% GDP, nó đủ tiền để tài trợ cho những nỗ lực như vậy. Ngoài ra Trung Hoa cũng còn đủ “room tiền” để thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ; không giống như các ngân hàng trung ương ở phương Tây, ngân hàng Nhân dân Trung Hoa có dự trữ khổng lồ.

Việc tăng trưởng chậm lại có vẻ là một cú sốc khó khăn cho nền kinh tế dựa vào xuất khấu. Nhưng Trung Hoa vẫn ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Một chiến lược tái cân bằng mạnh mẽ đưa ra hỗ trợ mang tính cấu trúc và chu kỳ sẽ giúp nó tránh khỏi một cuộc hạ cánh nặng nề.

@Project Syndicate 2012

BS Hồ Hải hiệu đính - Asia Clinic - 8h08' ngày Chúa Nhựt, 09/9/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét