TRUNG HOA CÓ LÀ CƯỜNG QUỐC KINH TẾ?

Ngày đăng: [Monday, March 31, 2014]
Bài đọc liên quan:
+ 50 năm và 67 năm
+ Tương lai Trung Hoa về đâu?
+ Sai lầm chính trị hay kinh tế?
+ Quân bài đã chia - vấn đề còn lại là ta
+ 3 bài Thoát Trung luận

Hôm qua, tờ Business Insider của Úc đưa ra vấn đề: Đây là biểu đồ tốt nhất cho nợ của Trung Hoa - This Is The Best Chart We've Seen On The Chinese Debt Problem. Tác giả đưa ra "thời điểm Minsky" - Minsky Moment - và "tỷ lệ nợ tư" của các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Hoa, Liên minh kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu - Economic and Monetary Union of the European Union: EMU; và Liên minh kinh tế tiền tệ của các quốc gia châu Á - Economic and Monetary Union of the Asia: EM Asia.

Cố Giáo sư kinh tế học của Washington University in Saint Louis - Hymen Minsky(1919-1996) - là người Hoa Kỳ di dân từ Bạch Nga - Belarus - đã đưa ra lý thuyết chu kỳ khủng hoảng kinh tế từ năm 1974, và tại Levy Economics Institute of Bard College ông đã viết lại tiểu phẩm ngắn về Lý thuyết mất cân bằng tài chính - Financial Instability Hypothesis - trong đó nhắc đến sự di chuyển chậm chạp từ ổn định tài chính đến khủng hoảng tài chính sau một thời gian dài tăng trưởng, và đầu tư đưa đến vỡ bong bóng đầu tư, kéo theo khủng hoảng kinh tế tài chính từ nợ quá mức ở ngân hàng, trong khi hàng hóa đầu tư ra đã bảo hòa, không có khách hàng tiêu thụ. Và cái gọi là "thời điểm Minsky" đã được Paul McCulley đặt tên vào năm 1998, để mô tả khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.

Để đi đến thời điểm Minsky nền kinh tế phải đi qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là, nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, phát triển ổn định, các nhà đầu tư hứng khởi đầu tư vào một lĩnh vực được đánh giá là mang lại lợi nhuận to lớn. Giai đoạn 2 là đầu tư vào lĩnh vực này sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Họ đẩy lên cao trào, tạo ra bong bóng giá, và tan vỡ trong lĩnh vực ấy. Giai đoạn 3, là bong bóng giá vỡ kéo theo khủng hoảng tài chính. Có nghĩa là, trong lúc kinh tế phát triển thịnh vượng đã bắt đầu mầm móng của suy thoái do hành vi và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ.

Cho nên, Thời điểm Minsky được định nghĩa là thời điểm mà ở đó có một sự sụp đổ lớn đột ngột của giá trị tài sản của chu kỳ tín dụng hoặc chu kỳ kinh doanh . Thời điểm này xảy ra bởi vì trong một thời gian dài của sự thịnh vượng và giá trị gia tăng đầu tư dẫn đến tăng đầu cơ sử dụng tiền vay. Các khoản nợ theo hình xoắn ốc phát sinh trong việc hỗ trợ các khoản đầu tư mang tính đầu cơ dẫn đến vấn đề mất khả năng thanh toán dòng tiền mặt cho các nhà đầu tư. Tiền mặt được tạo ra bởi tài sản của họ không đủ để trả hết các món nợ của họ ở ngân hàng.

Trường phái Tân cổ điển và ông Hymen Minsky thì không đồng ý nhau về cội nguồn của bất ổn tài chính. Theo trường phái Tân cổ điển thì, cội nguồn ấy nằm trong sự phức tạp của thị trường, và sự phức tạp ấy đến từ "sự sáng tạo" của kỹ thuật tài chính. Nhưng Hymen Minsky cho rằng sự bất ổn ấy nằm trong chính trong bản chất của nền kinh tế thị trường tư bản tự do. Nền kinh tế này luôn năng động và tạo cơ hội cũng như điều kiện cho các nhà đầu tư làm giàu. Chính vì thế Hymen Minsky đặt nền tảng của sự bất ổn nằm trong cấu trúc nợ của hệ thống tài chính, và thái độ của nhà đầu tư/đầu cơ làm trọng tâm của mô hình kinh tế mỗi quốc gia.

Một khi lòng tham của các nhà đầu tư vượt quá sự thận trọng của đầu tư/đầu cơ, do nền kinh tế đang ổn định, cung chưa đủ đáp ứng cầu. Các nhà đầu tư đổ xô mượn nợ để đầu tư nóng vào lĩnh vực đang hái ra lời, mà họ quên đi điểm bảo hòa giữa cung cầu. Hậu quả là dẫn đến khủng hoảng tài chính, kết thúc bằng khủng hoảng kinh tế quốc gia kéo theo khu vực và toàn cầu, như khủng hoảng của khu vực châu Á 1997, và khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ Hoa Kỳ 2008.

Nhìn vào biểu đồ trên của Business Insider ta thấy, giai đoạn đỉnh điểm Hoa Kỳ khủng hoảng 2008, nợ tư của các nhà đầu tư/đầu cơ Hoa Kỳ lên đến 170% GDP của nước Mỹ, và hiện tại, khối nợ tư này đã giảm, khoảng 150% GDP, nhưng lại có khuynh hướng nhích trở lại vào cuối năm 2013.

Đối với Trung Hoa, từ năm 2008 cho đến cuối năm 2013, nợ tư tăng từ 110% lên đến 200% GDP. Và với chính sách thắt chặt tiền tệ của ông Lý Khắc Cường trong hơn 6 tháng qua, nó bắt đầu có tác dụng, khi những công ty lớn của Trung Hoa bắt đầu tuyên bố mất khả năng thanh toán. Ví dụ như Chaori Solar chuyên sản xuất và cung cấp pin mặt trời trên toàn cầu và trong nước. Đó là chưa nói đến, nợ công của các chính phủ địa phương mất khả năng chi trả vì những đầu tư vào bất động sản để tạo ra hàng chục ngàn thành phố Ma.

Khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế thị trường tự do tư bản có chu kỳ cứ 7 -8 năm diễn ra một lần. Lúc đó, quy luật bàn tay vô hình - cung cầu - tự điều chỉnh để nền kinh tế bước sang một thời kỳ mới, bằng những thay đổi chính sách của các nhà kỹ trị. Chứ không phải ý chíu của chính khách thò tay vào để nắn nó theo ý mình như kinh tế Xã hội chủ nghĩa, mà không theo quy luật cung cầu.

Song nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa - hay nói cách khác là nên kinh tế định hướng Xã hội chủ nghĩa - là một nền kinh tế mà có bàn tay hữu hình của chính khách mó tay vào ngay từ đầu. Nên, nếu kinh tế thị trường tự do khủng hoảng vì khủng hoảng của cung quá cầu, do lòng tham và thái độ của các nhà đầu cơ/đầu tư làm ra, thì khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa là hậu quả của 2 vấn đề: tham nhũng và cung quá cầu.

Hay nói cách khác, khủng hoảng kinh tế của các nền kinh tế thị trường tự do tư bản có nguồn gốc từ thái độ và hành vi đầu tư/đầu cơ của các nhà đầu tư/đầu cơ trong nền tài chính. Ngược lại, khủng hoảng kinh tế của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa là do nền chính trị của nó tạo ra tham nhũng thúc đẩy các chính khách đầu tư/đầu cơ vô tội vạ để kiếm tiền mua quan bán chức kiếm ăn trên xương máu người dân, và môi trường tài nguyên của đất nước.

Năm 1987, khi các chính khách Hàn Quốc thấy được nền chính trị quân phiệt độc tài đã giúp Hàn Quốc tự lực, tự cường, nhưng không làm cho Hàn Quốc thoát được bẫy thu nhập trung bình với GDP đầu người ì ạch ở con số 5.000USD/năm. Họ đã mạnh dạn đổi hiến pháp, và từ đó đến nay, Hàn Quốc thẳng tiến suốt 27 năm đến nay GDP đầu người đạt con số 33.200USD/năm 2013. Trong đó, có năm 1997, Hàn Quốc đi vào chu kỳ khủng hoảng kinh tế, song dân Hàn Quốc sẵn sàng góp vàng, tiền để chính phủ vượt qua sóng gió chỉ 1 năm sau phục hồi. Thậm chí, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 từ Hoa Kỳ cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong 9 năm qua, mà còn biến Hàn Quốc thành 1 trong 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới - G20 - trong khi dân số Hàn Quốc chỉ bằng 1/2, và diện tích chưa bằng 1/3 của Việt Nam! Chỉ riêng tập đoàn Sam Sung Hàn Quốc đã đóng góp 10% GDP cho Việt Nam năm 2012. Quả là thần kỳ.

Thế nhưng, cơ hội thay đổi hiến pháp của Việt Nam năm 2013 đã bỏ qua, trong khi nền chính trị Việt Nam là chiếc áo chật không đủ đảm đương nền kinh tế cỡi trói 28 năm qua. Cho nên, từ đầu năm đến giờ chỉ 3 tháng, mà tình hình hệ thống tài chính ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu mất khả năng đảm đương nợ tư vì bong bóng bất động sản đang nổ vỡ.

Cũng vậy, với nợ tư trong nước của Trung Hoa lên đến 200% GDP, và nợ công gấp hơn nhiều lần so với nợ tư, mà không ai có thể biết được con số chính xác, chúng sẽ là cái bẫy kéo lùi nền kinh tế Trung Hoa mãi nằm trong thu nhập trung bình. Dù Trung Hoa có là nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu, nhưng Trung Hoa sẽ mãi là nước đang phát triển thuộc thế giới thứ 3, chứ không thể vào được những quốc gia đã phát triển, với hệ thống an sinh xã hội đầy đủ như Hàn Quốc, thì sẽ chưa và không có ngày mai để so sánh với các cường quốc phương Tây!

Hãy cứ nhìn những con số cụ thể, với diện tích gấp 96 lần - 9.596.961km2 so với 99.720km2; dân số gấp 27,6 lần Hàn Quốc - 1.355.692.576 người so với 49.039.986; nhưng GDP chỉ gấp 8 lần Hàn Quốc - 13.370 tỷ USD so với 1.666 tỷ USD. Và GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc gấp 3,39 lần so với dân Trung Hoa - 33.200 so với 9.800USD/đầu người trong năm 2013. Hơn thế nữa, cùng là một nền khoa học kỹ thuật sao chép, mua bản quyền như Trung Hoa, nhưng tại sao Hàn Quốc lại có nền kinh tế mạnh đến như thế? Vì kinh tế là chính trị!

Trả lời hết tất cả những điều trên ta sẽ thấy Trung Hoa đang rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình, nếu họ không có một nền chính trị lành mạnh. Và Trung Hoa mãi là một quốc gia đang phát triển, chứ không thể gia nhập vào các quốc gia đã phát triển có một nền kinh tế hùng mạnh, và an sinh xã hội tốt cho người dân.

Hay nói đơn giản dễ hiểu là tăng trưởng GDP của Trung Hoa trong 30 năm qua, chủ yếu là vay nợ ngân hàng để đầu cơ/đầu tư là chính. Một tỷ lệ tăng trưởng giả tạo để ra một "cường quốc kinh tế" giả tạo.

Asia Clinic, 16h35' ngày thứ Hai, 31/3/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét