THỬ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 11 SAU HAI THÁNG

Ngày đăng: [Thursday, April 28, 2011]
Dẫu biết rằng để đánh giá một nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô của cả đất nước chỉ sau 2 tháng là chưa chính xác. Nhưng làm qua một số tích cực và tiêu cực của nó để tìm ra chỗ sai, chỗ đúng là việc nên làm. Hòng có cái nhìn đúng để có những kinh nghiệm cho mai sau.

Tới hôm nay là đã vừa hơn 2 tháng bắt đầu thực hiện nghị quyết 11 của chính phủ, về các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Nên cũng cần nhìn lại để xem bàn tay vô hình đã có những tác động như thế nào với bàn tay hữu hình trong kinh tế. Và liệu nghị quyết có thể làm được chức năng của nó như các nhà tư tưởng đưa ra chính sách để cứu lấy nền kinh tế nước nhà, sau khi đã bị các nắm đấm kinh tế nhà nước đẩy vào vũng lầy suy thoái.

Cũng cần nhắc lại, khái niệm bàn tay vô hình trong kinh tế là yếu tố cung cầu quyết định giá cả thị trường. Còn bàn tay hữu hình trong kinh tế là do chính sách của các nhà tư tưởng đưa ra để lái nền kinh tế đi vào trật tự mà họ muốn có. Không phải lúc nào bàn tay vô hình cũng thắng, mà cũng không phải lúc nào bàn tay hữu hình cũng thắng. Vấn đề đặt ra là bàn tay hữu hình phải đặt đúng lúc, đúng sức ảnh hưởng của nó hay không?

Với chính sách siết chặt tiền tệ, nên nghị quyết đã đưa ra những giải pháp bao gồm: (1) Hút tiền nội tệ vào ngân hàng chốt giữ bằng cách tăng lãi suất kịch trần trên 20%. (2) Hạ lãi suất đồng đô la trong ngân hàng xuống còn 3%. (3) Cấm buôn bán đô la ở thị trường chợ đen, để tăng giá trị tiền đồng và tạm ứng đồng ngoại tệ tương lai sử dụng cho nhu cầu xuất nhập khẩu. 

Ba giải pháp trên đã bước đầu thành công, khi nhà nước đã đẩy giá đô la trong ngân hàng xuống thấp hơn hoặc ngang bằng với chợ đen. Từ đó giá vàng trong nước cũng xuống ngang bằng với giá thế giới, mà các tay to không còn lũng đoạn giá vàng cao hơn thế giới, như thời điểm cuối năm 2010. Bàn tay hữu hình đã thành công trong việc lũng đoạn giá đô la và vàng.

Song bàn tay vô hình lại khác, từ nhu cầu tiền đồng cạn kiệt do quy định mức cho vay của ngân hàng thương mại không được phép quá dư nợ tín dụng 20%. Và hút tiền bằng tăng lãi suất đã làm cho các doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn trong việc huy động vốn làm ăn. Nếu có huy động được thì giá thành sản phẩm cũng phải tăng theo để đáp ứng với lãi suất vay ngân hàng, thì mới sống được, đó là điều thứ nhất. Thứ hai là, tình hình giá dầu thế giới tăng đột biến do chiến tranh Trung Đông và Bắc Phi, đã buộc nhà nước phải tăng giá xăng dầu đến 2 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng. Thứ ba là, tình hình tổng công ty điện lực nhà nước đang nợ ngập đầu, nhưng buộc phải nuôi sống, dù đã tăng giá điện 15.28% hồi đầu năm.

Ba yếu tố trên, đã thúc đẩy tình hình lạm phát lên cao nhất từ 32 tháng qua. Tính đến cuối tháng 4 này lạm phát đã gần 10%, đẩy lạm phát của Việt nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Chính sách kềm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ mong muốn trong năm 2011 chỉ 7%, đã phá sản. Ngoài ra, tình trạng thiểu triển do thiếu vốn và lãi suất cao đã đẩy sàn chứng khoán vào những cơn sụt giảm liên tục. Một đại gia đã phải rút chân cổ phiếu ra khỏi sàn để tái cấu trúc toàn diện tập đoàn.

Nước Mỹ đi vào suy thoái kinh tế lớn nhất trong vòng 65 năm qua, đẩy kinh tế toàn cầu khủng hoảng cũng vì nợ chính sách công. Mọi đánh giá lạm phát và trở lại suy thoái kinh tế Việt Nam cũng là do nợ công vì đầu tư không hiệu quả, làm nên tham nhũng. Thế nhưng, đầu tư công của năm 2011, không giảm, mà lại tăng hơn 2010, mặc dù chính phủ đã cố gắng giảm đi 4.300 tỷ. Vấn đề nhập siêu 4 tháng đầu năm cũng tăng hơn năm 2010.

Kết quả cuối cùng là nghị quyết 11 có chức năng ổn định kinh tế vĩ mô chỉ để cứu các nắm đấm kinh tế nhà nước trong cơn chết chìm. Và hậu quả của nó để lại thì bàn tay vô hình đè lên gánh nặng cơm áo gạo tiền dân nghèo và thuế tăng kịch trần đến với tư doanh để cứu những con bạch tuộc được đảng và nhà nước cưng chiều.

Asia Clinic, 11h51', ngày thứ Năm, 28/4/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét