CHÍNH PHỦ MỸ ĐÓNG CỬA NGAY NGÀY QUỐC KHÁNH TRUNG HOA!

Ngày đăng: [Tuesday, October 01, 2013]
Bài đọc liên quan:

Chuyện chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa làm việc là chuyện không phải lần đầu. Chuyện chính phủ một quốc gia đa nguyên, tản quyền đóng cửa, mà đất nước vẫn hoạt động trơn tru, và thế giới đảo điên mới là điều đáng nói.

Theo đó, Văn bản từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ - OMB: Office of Management and Budget - Những công chức liên bang được quy định là đóng vai trò thiết yếu vẫn sẽ tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, bộ phận còn lại sẽ nghỉ phép và có 4 tiếng kể từ thời điểm ngày làm việc 1/10 bắt đầu để rời khỏi văn phòng của họ.

Lần đóng cửa chính phủ gần đây nhất là xảy ra vào cuối nhiệm kỳ đầu của Tổng thống đảng dân chủ Bill Clinton - 1995-1996. Lần ấy, đã làm cho nước Mỹ mất mỗi ngày khoảng 150 triệu đô la, và đình trệ việc dọn rác, cũng như những vấn đề hành chánh công khác. Nó đã giúp ông Bill Clinton được lòng dân Mỹ, và thắng cử nhiệm kỳ 2 ngay sau đó. Điều đáng nói là, chính phủ Bill Clinton đưa tỷ lệ thất nghiệp về đến tỷ lệ thấp nhất mọi thời đại khoảng 4% - nằm trong tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên là 3 đến 5%.

Lần này, cũng vào chính phủ do một Tổng thống đảng dân chủ nắm quyền - Obama. Rút kinh nghiệm lần trước, đảng cộng hòa không gây áp lực đảng dân chủ vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông Obama, mà để cho qua tuyển cử, hòng hy vọng ông Romney sẽ lật thế cờ. 

Nhưng thời vận không cho phép cho ông Romney, vì đảng dân chủ đã điều hành quá tốt có thể được trong nhiệm kỳ đầu của Obama. Nạn thất nghiệp giảm còn 7.8% so với >8% cuối nhiệm kỳ của ông Bush đảng cộng hòa. Giảm chi tiêu ngân sách nhờ vào giảm chi phí quốc phòng. Tăng thu nhập chính phủ, nhờ tăng đánh thuế vào tầng lớp nhà giàu có thu nhập trên 200 ngàn đô la mỗi năm. Kỹ nghệ hóa dầu từ đá phiến sét ra đời giúp Hoa Kỳ ổn định an ninh năng lượng, chẳng những không phụ thuộc năng lượng, mà còn đi đến quốc gia xuất khẩu dầu số 1 toàn cầu vào năm 2020. Đã thế, một loạt nhà độc tài Bắc Phi Trung Đông sụp đổ chỉ bằng cách ông Obama và bà Hillary uốn ba tấc lưỡi, chứ không phải tốn bom đạn và tiền của, kể cả nhân mạng như đảng cộng hòa đã làm. Kể cả việc diệt bin Laden rất gọn, trong khi tổng thống Bush của đảng cộng hòa phải tốn đến 1.200 tỷ đô la, mà chưa diệt được tên trùm khủng bố này. Đã góp phần khủng hoảng kinh tế 2008 đến nay.

Nhưng đảng cộng hòa còn những lý lẽ khác. Nào là nếu thực hiện chương trình Obamacare thì bắt dân Hoa Kỳ đóng thuế nhiều hơn như các nước kể trên. 

Nào nếu thực hiện nó thì biến nền kinh tế Hoa Kỳ thành nền kinh tế bao cấp kiểu cộng sản, thiếu năng động và không có tính tự do của thị trường chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đẩy Hoa Kỳ vào một quốc gia ù lỳ như Pháp, Úc, v.v... 

Nào là dân số Hoa Kỳ sẽ lão hóa đến năm 2038 lên đến 79 triệu người hưởng an sinh xã hội, khi thế hệ sinh ra vào chiến tranh thế giới thứ hai - Babyboomer - đạt đến tuổi về hưu mà đã được ông Obama tăng lên 65 tuổi. Đó sẽ là gánh nặng ngân sách hưu trí, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nó làm suy yếu Hoa Kỳ với vai trò lãnh đạo tòan cầu.

Rất nhiều cái nào là, ... để thấy rằng mọi lý do chỉ là để Hoa Kỳ năng động và hùng cường, nhưng lại đem đến một nước Mỹ gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Nên, đảng cộng hòa dứt khoát không chịu cho chương trình Obamacare được thực thi, với cái cớ là sẽ tăng chi tiêu công cho nước Mỹ. Trong khi nước Mỹ đang có nợ công lên đến 100% GDP - khoảng gần 16 ngàn tỷ đô la, chủ yếu là do đảng cộng hòa gây ra.

Hình ảnh đảng cộng hòa chế giễu Obamacare trên trang CNN hồi năm 2010

Cộng hòa phá và dân chủ xây. Cộng hòa là tên vai u thịt bắp, và dân chủ là trí tuệ của nước Mỹ. Cả hai đảng như cặp vợ chồng đồng sàng đồng mộng, một cặp nhị nguyên rất khoa học, chỉ khác nhau ở triết lý điều hành toàn cầu và nước Mỹ theo một mục tiêu rất năng động.

Vấn đề đằng sau của chương trình này là không phải giờ này ông Obama mới làm. Mà từ thời ông Clinton và trước đó, ngay cả ông Kennedy cũng đã cố gắng làm. Song, nếu an sinh xã hội Hoa Kỳ giống như Pháp, Đức, Anh, Úc, Canada, hay một số nước Bắc Âu thì, một số hãng bảo hiểm y tế tư nhân của các tay to thuộc đảng cộng hòa làm chủ sẽ thất thu và mất miếng ăn - mà có thể gọi là tham nhũng trí tuệ kiểu Mỹ - như tôi đã viết trong loạt bài Bóng ma bảo hiểm y tế. Người ta tính khoảng 2.400 tỷ đô la đã vào túi các ông trùm ngành bảo hiểm y tế tư nhân tại Mỹ mỗi năm. Hãy tưởng tượng xem, con số đó gấp hơn 14 lần tổng GDP của 90 triệu dân nước Việt làm đầu tắt mặt tối suốt 365 ngày năm 2012.

Song có một điều trùng hợp rất ngẫu nhiên mà khó lý giải là, đảng cộng sản Việt Nam chọn thời điểm họp hội nghị lần thứ 8 khóa XI, và Hoa Kỳ chọn ngày ngưng hoạt động của chính phủ đúng vào dịp quốc khánh Trung Hoa. Trong khi Việt Nam và Trung Hoa đang chòng chành trong khủng hoảng tài chính trên một nền chính trị đơn nguyên tập quyền, vì tham nhũng. Còn Hoa Kỳ thì đang khủng hoảng kinh tài trong một nền kinh tế thị trường tự do trên một nền chính trị đa nguyên tản quyền vì những tham vọng điên cuồng bá chủ toàn cầu của đảng cộng Hòa.

Khủng hoảng nào cũng là khủng hoảng. Dù gì đi nữa thì, một nguyên tắc cho dân làm ăn là hễ chính phủ Hoa Kỳ ngưng hoạt động thì hãy mua vào. Đó là nguyên lý mà dân kinh tài luôn biết nắm lấy: "Hãy mua vào khi máu chảy đấy đường". Kinh tế là chính trị, nên mới có bộ môn kinh tế chính trị học ở đại học là vậy.

Asia Clinic, 17h15' ngày thứ Ba, 01/10/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét