CẶP PHẠM TRÙ HIỆN TƯỢNG BẢN CHẤT TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH

Ngày đăng: [Sunday, July 03, 2011]
Bài đọc liên quan:
Cặp phạm trù chung - riêng trong quản lý và điều hành
Cặp phạm trù ý thức - vật chất trong quản lý và điều hành
Loạt bài nói chuyện triết học của người ngoại đạo

Dùng triết học để kiến giải các sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh ta là một điều nên làm. Đặc biệt dùng 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận để kiến giải thì không có bất kỳ một trường phái triết học nào có thể sánh bằng. Chính vì vậy, đây là bài thứ 3 trong loạt bài dùng các cặp phạm trù của duy vật luận để kiến giải những sự kiện quan trọng trong tình hình xã hội Việt Nam đương đại, cũng xem như là bài chót, và một cách ôn lại kiến thức. Ngoài ra, không có ý gì khác, ngoài việc chia sẻ kiến thức với nhau trên cộng đồng. Hy vọng sau loạt bài này, nó có thể sẽ có những tác dụng tốt cho một số các bạn trẻ, mà họ sẽ có thể là những người chủ một doanh nghiệp hoặc đất nước trong tương lai.

Câu chuyện biển Đông hôm nay xem như tạm giảm nhiệt sau những gì đã lùm xùm suốt từ cuối tháng 5/2011 đến hết tháng 6/2011. Song không phải là đã hết những trận bùng cháy vẫn còn âm ỉ dưới những tảng băng chìm. Nhưng cũng cần nhìn lại lòng yêu nước của dân, sự điều hành của chính quyền một cách rõ ràng.

Trong sự kiện biển Đông vừa qua với những phát biểu và tuyên bố, những đợt tập trận trên biển, những cuộc biểu tình của dân chúng, và kể cả những trang bị vũ trang, v.v... của 2 chính quyền Việt Nam và Trung Hoa chỉ là những hiện tượng, những bề mặt nổi của những tảng băng chìm được gọi là bản chất của vấn đề.

Bản chất của vấn đề nằm ở đâu? Như tôi đã từng nói: "Thách Trung Hoa cũng không muốn đánh Việt Nam, và có cho vàng Việt Nam cũng không muốn gây hấn với Trung Hoa". Vì sao?

Đứng trên lập trường cả 2 nước Việt - Trung hiện nay là đồng minh quốc phòng, an ninh toàn diện không những chỉ từ khi nối lại quan hệ 1991, mà đã là đồng minh môi hở răng lạnh từ thời còn chiến tranh Nam Bắc Việt Nam với chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do cụ Hồ sáng lập. Mối quan hệ này dù đã có thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 làm tan vỡ, nhưng nó không thể mất đi do lập trường cả chính trị, kinh tế và lịch sử chung vai sát cánh của 2 đảng cộng sản Việt - Trung.

Đứng về phía Trung Hoa, họ không thể để mất một đồng minh láng giềng như Việt Nam, trong lúc họ đang bị cô lập hầu như trên toàn cầu. Họ đánh Việt nam thì khác gì họ đẩy Việt Nam sang phía đối thủ, và mang kẻ thù đến tận nhà họ? Nên kịch bản để Trung Hoa đánh Việt Nam vì quyền lợi dầu mỏ ở biển Đông là điều không tưởng. Trong khi đó, Trung Hoa có thể thương lượng một số đối tác của họ ở Venezuela, ở Iran và đối tác cũ ở Bắc Phi hoặc nước Nga, để có nguồn năng lượng này. Vấn đề biển Đông còn lại là Trung Hoa muốn chia quyền cai quản các đại dương với Hoa Kỳ, như họ đã đòi hỏi hồi năm 2009. 

Ngoài ra, với tình hình nội loạn ở Trùng Khánh trong tháng 6/2011. Giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa 2 thế hệ thứ 4 và thứ 5 của đảng cộng sản Trung Hoa sẽ diễn ra vào năm 2012. Và tình hình đòi hỏi chất lượng sống của nhân dân Trung Hoa nổi dậy khắp nơi, khi họ đã trở thành nền kinh tế thứ 2 toàn cầu là những vấn đề mà nhà cầm quyền Trung Hoa cần định hướng dân chúng cần quên đi.

Đứng về phía chính quyền Việt Nam, đến giờ này với phương Tây và Hoa Kỳ, thì Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn là bạn, mà chỉ là đối tác. Với Hoa Kỳ thì Việt Nam vẫn còn bị Hoa Kỳ cấm vận vũ khí sát thương. Đại sứ Mỹ mãn nhiệm kỳ vẫn chưa có người thay thế. Các tập đoàn dầu khí làm ăn với Việt Nam của Mỹ đã và đang rút vốn khỏi biển Đông. Với tình hình kinh tế đang tự làm suy thoái của đảng cộng sản Việt Nam hiện tại, với dự trữ ngoại tệ chưa đến 8 tuần nhập khẩu. Và với tình hình lòng dân dao động như hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam không thể muốn có bất kỳ một bất ổn nào từ bên trong và bên ngoài nước gây ra.

Thế thì việc định hướng lòng dân quên đi câu chuyện thực diễn ra hằng ngày bằng cách nào là tốt nhất, nếu không là câu chuyện biển Đông cho cả 2 nhà cầm quyền Việt Nam và Trung Hoa? Có phải đây là bản chất của vấn đề sự kiện biển Đông? Đây có thể xem là một giả thuyết trong nhiều khả năng của vấn đề trong chuyện biển Đông làm cả thế giới quan tâm trong hơn 1 tháng qua. Điều này được chứng minh hùng hồn khi cách nay 2 hôm, đại sứ Trung Hoa tại Việt Nam đã tổ chức long trọng kỷ niệm 90 năm thành lập đảng cộng sản Trung Hoa ở Hà Nội. Nên không lý do gì để 2 nước anh em phải đánh nhau trên biển Đông.


Quản lý và điều hành một doanh nghiệp hay một đất nước khó nhất không phải là quản lý kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật, v.v... mà là quản lý con người. Muốn quản lý được con người tốt nhất không phải bằng cách chuyên chính bạo lực, mà là vấn đề cơm no áo ấm, ăn học đàng hoàng cho con người. Cái sát sườn nhất đối với cái riêng của con người, chứ không phải dùng các phương pháp giật gấu vá vai để làm yên lòng con người một cách tạm thời.

Cho nên, câu chuyện dân đi biểu tình vì lòng yêu nước cho câu chuyện biển Đông, nếu xảy ra một hai ngày đầu là chuyện tự phát. Nhưng đến hôm nay, tại Hà Nội đây là lần biểu tình thứ 5 thì câu chuyện biểu tình trở thành một câu chuyện khác chăng? Khác ở đây mới là bản chất của vấn đề, chứ không còn là hiện tượng.

Asia Clinic, 18h52', ngày Chúa Nhật, 03/7/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét