ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN TRIẾT HỌC CÀ TÀNG 1: THE LAWS OF PHILOSOPHY

Ngày đăng: [Friday, January 01, 2016]


Bài đọc liên quan:

Sáng nay, ngày đầu năm mới gặp tư vấn một bạn di dân Canada, mình chưa bao giờ khoái và muốn nói chuyện lâu như bạn này. Vì bạn ấy thấm nhuần triết học.

Trong tư vấn là làm sao tạo sự hưng phấn cho người được tư vấn, nhưng bạn này thì ngược lại, tạo cảm hứng cho người tư vấn, khi bạn ấy nhắc về kinh tế chính trị học và quy luật lượng chất. Máu triết học của tôi nổi lên và câu chuyện trở thành nóng hổi về đề tài kinh tế chính trị ở Việt Nam.

Tôi nói với bạn ấy rằng, xã hội vận động từng giờ từng phút, từng giây, nhưng sự vận động ấy phải có sự cân bằng của mọi khía cạnh xã hội. Nếu những khía cạnh ấy mất cân bằng thì sẽ phải tự điều chỉnh để cân bằng. Có 2 cách tự điều chỉnh:

1. Kẻ mạnh điều chỉnh kiểu già néo đứt dây để được phần mình, thì sự mất cân bằng sẽ đi đến chỗ phá vỡ sự cân bằng mong manh, tạo thế cân bằng khác, và xã hội có cuộc cách mạng xảy ra theo quy luật lượng chất của sự tàn độc. Nhưng sau cuộc cách mạng chưa chắc đã có một xã hội mới tốt hơn xã hội cũ như cuộc xâm lăng 30/4/1975 ở miền Nam của miền Bắc Việt Nam.

2. Kẻ mạnh và người yếu biết ngồi lại với nhau để đàm phán tạo ra thế cân bằng mới, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng ít tàn độc hơn, nhưng sau cách mạng chắc chắn sẽ có một xã hội hài hòa hơn, nhân bản hơn theo quy luật lượng chất của sự nhân bản. Câu chuyện này đã có ở nội chiến Hoa Kỳ, thống nhất nước Đức, và gần đây nhất và cũng gần Việt Nam nhất là Miến Điện. Tương lai có thể sẽ là ở bán đảo Triều Tiên.

Diễn văn đầu năm 2016 của ông Kim Jong Un nói về thống nhất Triều Tiên và đổi mới kinh tế

Quy luật lượng chất, các quy luật thống nhất các mặt đối lập, và mâu thuẩn của mâu thuẩn trong duy vật luận, cùng các cặp phạm trù triết học luôn quanh quẩn quanh ta, nhưng chúng ta thường ít quan tâm vì tham vọng, vì quyền lực, và vì hám lợi, nên không quan tâm để biết làm những việc để sự cân bằng đang bị chông chênh dễ đổ.

Hiểu triết học nhưng vận dụng triết học không dễ trong đời sống, khi mà, lối mòn tư duy cảm tính lấn át tư duy phản biện và sáng tạo.

Một nền chính trị bị trói buộc vào những tham vọng, quyền lực, và hám lợi như nền chính trị ở Việt Nam lâu nay khó lòng còn đủ sáng suốt tư duy phản biện và sáng tạo của các chính khách, để biết ngồi lại với nhân dân tìm ra lối thoát, khi mà trong nhà thì dân bị chính khách xem là thế lực thù địch, trong đảng phái thì nhăm nhe trừ khử nhau, mà ngoài biên cương thì Trung cộng luôn chực chờ, rình rập, thì còn đâu sức để gầy dựng quốc gia?

Sự vận động của vật chất luôn đi đúng quy luật khoa học của tất cả các khoa học - triết học. Khi lượng tích đủ thành chất là lúc có sự thăng hoa. 

Xã hội Việt năm 1989 là một tất yếu khách quan khi quy luật lượng chất làm Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nên phải bám váy Trung cộng.

Xã hội Việt hôm nay - 2016 - là một tất yếu của quy luật lượng chất, phải thăng hoa - cuộc cách mạng xã hội ắt phải xảy ra chỉ còn là thời gian.

"Đến với nhau là một khởi đầu; song hành cùng nhau là sự tiến bộ; làm việc cùng nhau là sự thành công." - Henry Ford

Vấn đề còn lại là, nhân dân và các chính khách Việt theo con đường cộng sản có kịp ngồi lại với nhau để tạo thế cân bằng theo 2 quy luật còn lại: mâu thuẫn của mâu thuẫn, và thống nhất các mặt đối lập để đi lên hay không?

Nếu ngồi lại nhau được thì sẽ có cuộc đổi đời êm ái và nhân bản theo đúng khoa học triết học.

Nếu không ngồi lại với nhau được thì sẽ có cuộc tắm máu tàn bạo khác diễn ra như sự cố 30/4/1975 sau 30 năm anh em cha con chồng vợ tương tàn như người bạn lớn nói với tôi trong bài: Hai vân đề của nước Việt thời kỳ mới.

Song để ngồi lại với nhau thì ai, tổ chức nào sẽ đủ năng lực làm trung gian hòa giải? Đây là một vấn đề mà làm chính khách cần phải biết, vì trong chính trị ngoại giao hay thương trường đều cần kẻ trung gian - vận động hậu trường: lobby.

Đầu năm nói chuyện chính trị nước nhà cũng là điều thú vị. Và lần đầu tiên của những năm qua, mà đầu năm tôi viết về triết học. Có lẽ, đất nước phải có đổi thay rất lớn, nhưng tàn độc có thể chiếm phần hơn nhân bản. Nếu thế thì, quả là dân tộc Việt quá khổ đau và nhục nhằn.

Trong Phật học ta thường hay nghe các nhà sư nói 2 chữ: "Thiện tai, thiện tai!". Nó có nghĩa đúng là, nó vậy, nó phải là vậy, không thể khác được, không thể bắt mèo sủa, và chó phải ngao.

Khuyến Học Việt, 18h41' thứ Sáu, 01/01/2016

Đăng nhận xét

0 Nhận xét