BÌNH ĐỊNH KÊU GỌI ĐẦU TƯ

Ngày đăng: [Saturday, February 12, 2011]
Hôm nay là một ngày đặc biệt với tôi. Đặc biệt vì 32 năm xa quê lần đầu tiên gặp được các lãnh đạo tỉnh nhà để nói lên những trăn trở của một người con với chuyện quy hoạch đầu tư tỉnh. Một tỉnh mà cuối năm 2010 thủ tướng chính phủ phải ký quyết định cứu đói ngày tết 3.000 tấn gạo cho dân nghèo, đứng hàng thứ 4 trong 11 tỉnh cần cứu trợ trong toàn quốc.

Tôi không rõ những cuộc họp mặt đầu năm như thế này đã từng diễn ra chưa? Nhưng việc họp mặt đồng hương Bình Định đầu năm mới tại Sài Gòn thì tôi đã từng từ những ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn, nhưng rồi chẳng thấy có ích gì cho quê nhà, rồi thôi. Hồi đó, một số nhạc sĩ tiếng tăm xem Bình Định là quê hương thứ hai, trong đó, có nhạc sĩ họ Trịnh và một số nhạc sĩ khác. 

Việc lãnh đạo tỉnh kêu gọi đầu tư tại dinh Độc Lập Sài Gòn là một nổ lực lớn quan tâm đến tỉnh nhà, mà những năm trước đây chưa bao giờ có. Đây là một bước đột phá và có tấm lòng đáng ghi nhận và biểu dương. Một buổi trình bày và kêu gọi đầu tư cho tỉnh nhà với các doanh nghiệp lớn nhỏ là con em người Bình Định xa quê rất ấm cúng và trang trọng, bài bản với tài liệu kèm theo rất đầy đủ và khoa học, không thua bất kỳ một hội thảo khoa học tầm quốc gia nào. Đáng qúi lắm.

Những dự án, những khu kinh tế được trình bày rõ ràng mạch lạc, mà người nghe có thể nắm bắt dễ dàng, không có gì để chê trách. Chỉ nên khen các nhà tổ chức, đó là cái khoa học mà một hội thảo các doanh nhân cần có và chính quyền cần có để nắm bắt thông tin và hiểu nhau cần làm gì cụ thể để mọi ước mơ trở thành hiện thực.

Nhưng có 4 vấn đề tôi đã trình bày trong cuộc hội ngộ đầu năm, bây giờ cần ghi lại để ghi nhớ và cũng để những người con Bình Định cần thấy mình đã đúng khi tổ chức cuộc gặp mặt khoa học, và đã còn tồn đọng những cái cần phải sửa đổi để ước mơ trở thành hiện thực.

Vấn đề quy hoạch đầu tư: Không ai đi du lịch để hít không khí ô nhiễm khi quy hoạch một khu kinh tế mà ở đó ngành công nghiệp xanh - du lịch - hoà lẫn với khu công nghiệp có khói: nhà máy sản xuất giấy, nhà máy sản xuất xỉ titan, etc... Đây là một nghịch lý trong quy hoạch, hay nói cách khác là không ai dám đầu tư du lịch bên cạnh công xưởng và nhà máy ô nhiễm. Vì như thế sẽ lỗ và phá sản.

Về vấn đề chi phí đầu tư: Nếu làm một con số so sánh giữa một đô thị trung ương đã và đang rất phát triển cũng ở khu vực miền Trung so với đô thị loại 1 như Quy Nhơn thì giá cho thuê đất là quá cao so với việc kêu gọi ban đầu. Cụ thể như thế nào thì những con số trong hội thảo tôi đã trình bày, cũng không cần ghi ra đây. Đó là tôi quá bận chưa thể nói hết những yếu tố khác về ưu đãi đầu tư như miễn thuế suất cho trang thiết bị nhập khẩu cần cho dự án, etc...

Về các nhà đầu tư: Trong những người đã và đang đầu tư vào những khu kinh tế của tỉnh nhà, hầu như chỉ nhìn cái lợi trước mắt cho riêng mình, mà không nhìn cái tổng thể được và mất cho cộng đồng. Có nhà đầu tư chỉ đến để găm giữ đất rồi sau đó tính chuyện sang tay. Vì đã được ký quyết định đã 4 năm từ 2006 đến nay để xây dựng khu du lịch biển, mà vẫn chỉ còn là khu đất, biển trống. Có nhà đầu tư thì chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà không quan tâm đến môi trường, như các nhà đầu tư chỉ khai thác xỉ Titan đem bán thô. Có nhà đầu tư chỉ muốn biến một quy hoạch sinh thái cho cộng đồng thành khu bất động sản để kiếm lợi.

Về phong tục tập quán sống: Đây là một vấn đề rất khó, vì đến giờ này để có lượng khách đến với tỉnh nhà với số đông thì không chỉ việc đầu tư mà còn phải biết kích cầu tiêu dùng. Một vùng đất có kinh tế hùng cường hay không thì người dân vùng đất ấy phải biết tiêu xài. Tiền cho sức khỏe nền kinh tế của một cộng đồng giống như máu trong cơ thể. Tiền phải chu chuyển lưu thông thì nền kinh tế mới có sức mạnh. Tiền mà chỉ nằm trong két sắt thì nền kinh tế sẽ èo uột. Mà bản tình dân quê tôi thì chỉ làm nên một nền kinh tế èo uột. Công việc kích thích đầu tư và kích cầu là công việc cần làm và vất vả. Tôi kể ra đây, ngày mồng 3 tết tôi thăm quê rồi vào lại Sài Gòn, nhưng cả tỉnh chỉ có 1 chuyến bay ngày tết. Tôi phải trể chuyến vì đinh ninh rằng mình được bay chuyến chiều như thông báo đã mua vé. Lên sân bay được biết rằng hôm nay chỉ có chuyến bay sáng! Đây là một vấn đề có tính 2 mặt: chứng tỏ người dân quê tôi kiếm tiền khó quá. Và về mặt lãnh đạo tỉnh nhà còn chưa đủ khả năng kích cầu trong kinh tế.

Cuối cùng tôi chỉ mong những tiếng nói của tôi trong hội thảo chiều hôm nay có giá trị để tất cả mọi người: lãnh đạo, nhà đầu tư và trí thức - những người có trách nhiệm với sự phồn vinh của Bình Định - cần lắng nghe, suy tư và vạch ra một chiến lược tổng thể hợp với thời thế.

Thiên thời đã có, địa lợi đã có vấn đề nhân hòa là vấn đề mà Bình Định cần phải có trong lúc này thì mới mong Bình Định phồn vinh. Và các lãnh đạo tỉnh nhà cần đọc thêm bài: Vì sao Bình Định mãi chưa là Bình Định, mà tôi đã viết cuối năm Canh Dần.

Dự hội thảo này tư dưng nhớ đến lời khuyến thị của Park Chung Hee - Tổng thống mà người ta cho là độc tài của Hàn Quốc - với kiến trúc sư trưởng làm nên Hàn Quốc ngày nay.

Thôi thì cũng chúc cho cuộc họp mặt đồng hương Bình Định năm Tân Mão tại Sài Gòn trở thành hiện thực, nhưng là hiện thực cho một thiên niên kỷ, chứ không phải là hiện thực nhiệm kỳ.

Asia Clinic, 19h05', ngày thứ Bảy, 12/02/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét