NHÀ NƯỚC NHÂN TRỊ VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP TRỊ

Ngày đăng: [Tuesday, November 09, 2010]
Suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định là nên viết về 2 vấn đề nhân trị và pháp trị để chia sẻ kiến thức với cộng đồng, vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực cốt tử cho một dân tộc muốn tiến lên hay lùi lại.

Thực tình bây giờ ngồi bàn luận về 2 khái niệm nhà nước nhân trị và pháp trị là chuyện quá lỗi thời so với các think tanks của đảng. Vì ngay trong văn kiện dự thảo cho đại hội đảng cộng sản Việt nam lần thứ X, năm 2006 đã đưa vấn đề: "xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền" mà một ông tiến sĩ đã bàn trong một bài báo. Viết như ông tiến sĩ nọ thì rối rắm quá. Tôi thử hiểu thật đơn giản và bình dân, rồi liên hệ đến những sự kiện gần đây xem một nhà nước pháp quyền đã thực sự có được trong 5 năm dày công xây dựng của nhà nước ta đã được chưa hay là nói thì dễ nhưng làm thì khó như ngài Tất Đạt Đa đã dạy?

Là một người dân không học luật, nên tôi hiểu nôm na là một nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi công dân kể cả lãnh tụ không một ai được đứng trên pháp luật, mà pháp luật là cái lề để từ lãnh tụ đến người dân tuân hành cho mọi tư duy và hành động trong xã hội. Còn một nhà nước nhân trị là một nhà nước mà ở đó chỉ cần có một người hoặc một nhóm người đứng trên pháp luật và xem pháp luật là công cụ quyền lực của riêng mình, mà không vì cho cộng đồng.

Một nhà nước pháp quyền luôn làm việc theo đúng luật định mà cơ quan lập pháp đã đưa ra. Tất cả mọi thông tin, chứng cứ của một vụ án luôn khách quan, cụ thể trong suốt quá trình tiến hành án lệnh. Trong khi đó một nhà nước nhân trị mọi thông tin và chứng cứ của một vụ án có ít hoặc nhiều cảm tính và sai lệch trong suốt quá trình tiến hành án lệnh.

Như một bài viết của tôi Văn hóa và sự phát triển, người ta thấy rằng các nước có nền văn hóa duy tình (nông nghiệp) làm thống sóai cho nền văn hóa quốc gia đa phần có một nhà nước nhân trị. Ngược lại các nhà nước có nền văn hóa duy lý (du mục) thường là một nhà nước pháp trị. Một nhà nước pháp trị luôn thúc đẩy xã hội phát triển, trong khi đó nhà nước nhân trị là nguyên nhân kéo lùi đất nước làm chậm tiến. Cho nên khuynh hướng các nước có nền kinh tế phát triển luôn có sự giao lưu các nền văn hóa để gìn giữ truyền thống và cải tiến hoặc lọai bỏ những sai sót khi cần.

Khổng Tử (551-479TCN): Cha đẻ của tư tưởng nhân trị

Như thế thì, trong câu chuyện các bloggers bị bắt gần đây là một biểu hiện của một nhà nước nhân trị hay nhà nước pháp trị? Tôi thử ghi lại các sự kiện một cách gián tiếp qua báo chí của đảng đã dưa tin để nhìn xem tôi có tư duy để tôi tồn tại không như sau:

Qua sự kiện blogger Cô Gái Đồ Long - nhà báo Hương Trà - thì ban đầu theo thông tấn xã Việt Nam thì cô này bị bắt vì bôi nhọ gia đình một quan chức và phản ảnh không chính xác một số người đẹp trong làng giải trí được hậu thuẩn bỡi gia đình quan chức này. Nhưng chỉ 1 tuần sau thì trên trang báo mạng có số người đọc lớn nhất Việt Nam lại đưa cái tít ngược lại với những điều mà Thông tấn Xã Việt Nam đã đưa ra: Hương Trà bị bắt không phải vì "đụng đến thứ trưởng công an".

Lại thêm sự kiện vừa mới đây, việc bắt ông tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với lý do ban đầu mà báo Vietnamnet đưa là tạm giữ vì "Kiểm tra hiện trường ban đầu cơ quan công an xác định, trong phòng có 2 bao cao su đã qua sử dụng cùng nhiều tài sản, tư trang cá nhân. Người đàn ông cởi trần, chỉ mặc quần lót được xác định là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và người nữ được xác định là bà H.L.N.Q. (ngụ Q.6, TP.HCM, là luật sư thuộc Hội luật gia TP.HCM)." Nhưng sau đó lại đưa thông báo là Bắt ông Cù Huy Hà Vũ "tội tuyên truyền chống nhà nước"!

Update 9h19', ngày 11/11/2010: Hàn Phi Tử (280-233TCN): cha đẻ của nhà nước pháp trị

Rõ ràng qua 2 sự kiện trên cho ta thấy nhà nước chúng ta dù đã cố gắng thực hiện và triển khai nghị quyết của đại hội đảng lần thứ X trong 5 năm qua, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Vì theo quan điểm pháp trị thì một sự vật hiện tượng phải thống nhất từ đầu đến cuối, không có tiền hậu bất nhất. Điều thứ hai nữa là không sử dụng quan niệm cho rằng nhận thức là một qúa trình biện hộ cho việc tiền hậu bất nhất.

Từ lý thuyết đến thực tiễn quả là chông gai. Văn kiện đại hội đảng lúc nào cũng đúng, nhưng khi đi vào thực tiễn thì vẫn khó khăn làm sao?

Nhưng tôi lại nghĩ, trong 2 sự việc trên có "ai" đã tự tiện phá luật và đứng trên luật pháp của quốc gia để muốn từ bỏ một nhà nước pháp trị trở về lại nhân trị, vì mục tiêu không tốt? Nếu thế thì thật là nguy hiểm cho quốc gia và dân tộc.

Asia Clinic, 16h28' ngày thứ Ba, 09/11/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét