Ngày đăng: [Saturday, March 26, 2011]
Cuối cùng thì nhà nước cũng đưa ra quyết định hòng độc quyền mua ban vàng và đô la. Cụ thể là chỉ có nhà nước mua bán đô la vì lý do chống lạm phát. Còn vàng miếng thì chỉ mua bán một chiều. Có nghĩa là dân chỉ có bán vàng miếng cho nhà nước, mà không được mua. Điều này nếu làm triệt để như chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thì vàng trong dân sẽ không còn miếng nào, mà chỉ còn vàng trang sức đeo chơi.
Bản chất kinh tế của loài người ngay từ thời ăn lông, ở lỗ đã là kinh tế thị trường. Bắt đầu từ việc trao đổi hàng hoá theo qui luật cung cầu, mà định ra giá trị sản phẩm. Sau đó, phát minh tiền tệ và tìm ra những kim loại quí làm chứng nhận để trao đổi hàng hoá cũng theo qui luật cung cầu, mà xác định giá trị hàng hoá.
Trong kinh tế có 2 trường phái: trường phái kinh tế thị trường tự do, để thị trường cung cầu tự điều chỉnh bằng bàn tay vô hình. Và trường phái kinh tế có bàn tay hữu hình của nhà nước xen vào để điều chỉnh khi cần thiết. Nhưng về mặt thực tế, không có trường phái nào hoàn hảo.
Nếu theo kinh tế thị trường tự do thì, gần đây, các nhà kinh tế đã đúc kết cứ chu kỳ 7 năm có một cơn khủng hoảng kinh tế. Lúc đó, buộc phải có bàn tay hữu hình của chính sách xen vào để kềm chế những ảnh hưởng xấu của nó trong tương lai và chấn chỉnh nó đi đúng quỹ đạo.
Nếu theo trường phái kinh tế có bàn tay hữu hình, thì chính sách của nhà nước phải luôn nghiêm ngặt với qui luật cung cầu do bàn tay vô hình của thị trường làm ra. Chứ không phải nhà nước tự đưa ra những qui định cung cầu theo ý chí để làm phá vỡ qui luật cung cầu.
Cho nên, một nhà nước có chính sách tốt là một nhà nước có một thống kê minh bạch, chính xác về cung và cầu của quốc gia, để đưa ra những chương trình vĩ mô đúng, để thực hiện những hoạt động kinh tế vi mô không thừa, mà không thiếu một cách trầm trọng để dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Vì khủng hoảng kinh tế là cũng chỉ xảy ra ở 2 nơi cung và cầu. Khung hoảng cung là khủng hoảng thừa, Khủng hoảng cầu là khủng hoảng thiếu.
Từ đó nhìn lại, trong nhiệm kỳ 2006 - 2010 của chúng ta, chi tiêu nhiều, nhưng làm ra không đủ. Tức cầu thì nhiều quá sức cung. Dẫn đến tình trạng dư đồng tiền ngoài xã hội, mà đồng tiền đó không có hàng hoá để mua. Cuối cùng đồng tiền mất giá, lạm phát giá tăng. Nguyên nhân là ở chỗ nhà nước đã làm nhiều việc không có nhu cầu và khả năng của nền kinh tế không đủ sức để đáp ứng những nhu cầu xa xỉ này.
Nhưng gần đây các think tanks lại hiến kế cho nhà nước và chính phủ là phải cấm buôn đô la trên thị trường và phải mua bán vàng miếng một chiều để kềm chế lạm phát. Nếu thế thì ta thử nhìn lại bài toán cung cầu xem sao?
Nếu chỉ có nhà nước được buôn bán đô la là đúng, còn dân buôn bán là sai. Thì qui luật cung cầu sẽ tạo ra một sự khan hiếm cho những trường hợp mà nhà nước cho rằng không đủ điều kiện để mua trong ngân hàng theo qui định. Chắc chắn sẽ hình thành một thị trường chợ đen để cung ứng nhu cầu, vì ở đâu có lợi nhuận thì ở đó có thị trường hoạt động. Lúc đó, sự kiểm sóat của nhà nước sẽ khó khăn hơn. Nguồn ngoại tệ vào ngân hàng sẽ ít đi và tình trạng khan hiếm ngoại tệ ở ngân hàng sẽ nặng nề hơn.
Vàng cũng thế, người dân sẽ không ai lại đem vàng của mình để cho người khác qui định giá trị không đúng với giá trị thực của thị trường. Và nguồn cung vàng vật chất cho ngân hàng sẽ ngày càng cạn kiệt. Cả hai điều này về vàng và đô la đã từng diễn ra ở thời kỳ trước năm 1990 - thời mà tôi đã từng hoạt động trong lĩnh vực chợ đen về vàng và đô la. Cuối cùng nhà nước cũng phải mở thị trường để để tránh tình trạng sụp đổ tín dụng hàng loạt trong cả nước, nào Nguyễn Văn Mười Hai, nào Đại Thành Lâm Cẩu, nào Huỳnh Là, etc...
Tất cả các sự việc trên là sự trả đủa của bàn tay vô hình trong kinh tế thị trường. Giải quyết nguyên nhân là giảm nhập siêu thông qua giảm chi tiêu công ở các dự án, lễ hội, hội nghị, hội thảo xa xỉ diễn ra hằng ngày, hằng tháng trong năm. Để không làm nên lạm phát và mất lòng tin dân chúng. Chứ không phải là đi chữa triệu chứng bằng cách độc quyền buôn bán đo la hay buộc người dân chỉ bán mà không được mua vàng miếng.
Đứng về mặt duy vật luận, cặp phạm trù nhân quả không chỉ khoa học và duy lý trong kinh tế, mà trong tất cả mọi ngành nghề. Ví như ngành y, người thầy thuốc giỏi là người có tiên lượng bệnh chính xác căn bệnh sẽ nặng hơn hay giảm đi với phương thuốc điều trị đúng nguyên nhân. Chứ không phải là người thầy thuốc chỉ biết chữa triệu chứng.
Trong kinh tế cũng vậy, phải chữa nguyên nhân lạm phát và phải biết tiên lượng phương pháp đưa ra để kềm chế lạm phát là có đúng và lạm phát có giảm hay không? Muốn chống lạm phát mà nhập siêu quí I năm 2011 lại cao hơn cùng kỳ năm 2010, đến hơn 3 tỷ đô la. Trong khi dự trữ ngoại hối chỉ còn có 10 tỷ đô la vào cuối năm 2010. Như vậy cấm buôn bán đô la tự do là chữa triệu chứng chứ đâu phải chữa nguyên nhân? Và như vậy các thầy thuốc kinh tế Việt Nam rõ ràng là thầy thuốc tồi.
Nếu chữa bệnh kinh tế Việt Nam như thế, thì hy vọng gì có thể chống lại được bàn tay vô hình của cung cầu vàng và đô la, bằng sự nở rộ tín dụng đen trả đủa lại bài thuốc tồi này? Vì chỉ mới giảm được giá đô la liên ngân hàng chưa được nửa tháng, sau lệnh cấm thì ngân hàng đã khan đô la, và chỉ sáng nay thôi, ngân hàng nhà nước buộc phải nâng giá đô la liên ngân hàng lên lại đỉnh của nó 20.693. Thế thì, trong tương lai gần liệu cái lệnh cấm này có tuổi thọ được mấy tháng?
Asia Clinic, 17h53', ngày thứ Bảy, 26/3/2011
0 Nhận xét