CHUYỆN XƯA TÔI HỌC TIẾNG ANH BÂY GIỜ MỚI KỂ!

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong loạn lạc, lớn lên trong gian nan giữa hai làn đạn về ý thức hệ.

Ngay sau 30/4/1975, chúng tôi ở miền Nam đứa nào cũng đăng ký học tiếng Anh, không đứa nào đăng ký học tiếng Nga, chỉ một số Ít bạn đã học ngôn ngữ văn chương Pháp thì tiếp tục học Pháp văn.

Đến niên khoá 1978-1979 thì giáo viên tiếng Anh thiếu trầm trọng, vì họ đi vượt biển để tìm đường sống cho ra Người, chứ dưới thời đại “con người” mới xã hội chủ nghĩa không có ai được sống làm Người. Theo đó, lên cấp 3 một số bạn vì lo sợ bị trù giập buộc phải chuyển sang học tiếng Nga vì 2 lẽ: bắt buộc và vì bị hiệu trưởng đe dọa “học tiếng Anh để làm phản động, vượt biển cần theo dõi!”

Một số còn lại vẫn bám trụ học tiếng Anh dù cho bị ghẻ lạnh và dèm pha! Thế là thiếu giáo viên buộc phải dùng giáo viên Pháp văn để dạy tiếng Anh. Lớp chúng tôi học tiếng Anh 2 tháng đầu học kỳ Một lớp 10 là một giáo viên tiếng Anh được đào tạo từ Hoa Kỳ về, thầy tên là thầy Tùng dạy rất hay, đơn giản, xúc tích và đầy hóm hỉnh với những câu chuyện tiếu lâm trong tiếng Anh rất dễ nhớ!

Đùng một cái chỉ sau 2 tháng không thấy thầy Tùng nữa - sau này khi tôi đi Hoa Kỳ mới biết thầy Tùng đã đi vượt biển năm 1979 - và thay thế thầy Tùng là thầy Bổng. Thầy Bổng dạy tiếng Anh cho lớp tôi lớp từ 10 và 11 là một giáo viên Pháp văn. Kiểu phát âm của người chuyên Pháp ngữ sang dạy tiếng Anh thì ai cũng rõ. Thầy đọc bài cứ 3 đến 5 từ tiếng Anh là có một từ phát âm thành tiếng Pháp. Nhưng bù lại thầy có vốn kiến thức và văn hóa rất rộng để chúng tôi học hỏi.

Lớp 12, chúng tôi được học thầy Bảo đúng giáo viên tiếng Anh mới vừa ra trường ĐHSP Huế chưa kinh nghiệm nhiều, còn trẻ chỉ hơn chúng tôi 4 tuổi. Dù vậy được lại là thầy xem chúng tôi như bạn bè, dễ gần gũi và chia sẻ.

Trong 3 người Thầy trên thì thầy Bổng lớn tuổi nhất, bây giờ thầy đã ra người thiên cổ. Thầy Tùng bây giờ cũng đã ngoài 80 đang sống ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Thầy Bảo thì đi tu.

Ngày ấy có những người thầy hết lòng vì giáo dục. Họ sống rất đạm bạc và trong sáng. Nhờ họ mà tôi có được một chút tiếng Anh để đi khắp thế giới mà không hề lo lắng hay tự ti khi gặp bất kỳ ai, chủng tộc nào trên thế giới.

Tú tài trước 30/4/1975 ở miền Nam thi như thế nào thì tôi không rõ, vì vào lúc đó tôi chỉ vừa xong tiểu học chuẩn bị thi Đệ Thất. Nhưng bỏ tiếng Anh trong thi Tú tài ở thế kỷ XXI này thì không nên chút nào, vì tiếng Anh là thứ ngôn ngữ dành cho giao lưu quốc tế.

Ngày xưa, thế hệ chúng tôi một số bạn bỏ học tiếng Anh sang học tiếng Nga vì sợ và vì ép buộc. Nhưng những ai trụ lại học tiếng Anh đều có cuộc sống an nhàn, chu du năm châu bốn bể.

Biết thêm một Ngôn ngữ là bạn hiểu biết thêm một nền văn hoá, khả năng tự tạo cơ hội cho mình gấp đôi và thế giới xích lại gần bạn hơn một nửa!

Hãy nhìn sang Singapore, nước có 90% người Hoa, ông Lý Quang Diệu người cha khai sinh ra đất nước này cũng là người Hoa ở Quảng Đông di cư, nhưng ông đã sáng suốt chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính và bây giờ từ ước mơ Singapore như Sài Gòn nhưng lại trở thành nước đã phát triển sánh vai với các cường quốc hàng đầu thế giới như G7! Theo ông, phần lớn thành công của Singapore theo cuốn “From third world to First”. 

Bây giờ muốn bỏ thi Tú tài môn tiếng Anh bắt buộc thì đổ thừa học sinh và giáo viên không muốn! Giáo viên làm gì có cái quyền bắt học sinh học gì và ước mơ gì? Chỉ có học sinh và phụ huynh mới là trung tâm của nền giáo dục một quốc gia!

Chỉ một vài ý kiến của học sinh và một ông tiến sĩ quản lý giáo dục đã có tuổi chưa chắc đã biết tiếng Anh, nhưng năm học 2025 có thể sẽ bỏ môn tiếng Anh trong cuộc thi Tú tài!

Có thật vậy không? Câu hỏi này cần một lời giải thích đúng khoa học thống kê, muốn loại môn tiếng Anh ra khỏi thi Tú tài thì phải làm thống kê ít nhất 100.000 phụ huynh và 100.000 học sinh ở cả các vùng miền trong cả nước, chứ không chỉ một vài phỏng vấn sơ sài. Nhưng người ta đang tính loại bỏ thi môn tiếng Anh bắt buộc trong kỳ thi Tú tài vào năm 2025!

Xin cảm ơn đã đọc và chia sẻ. 

Sài Gòn, 17:40 Wed, 08th November 2023

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. Dạo này bác ít viết. Mong bác dành thời gian để mọi người học hỏi và chiêm nghiệm

    Trả lờiXóa