CỰC ĐOAN

Ngày đăng: [Wednesday, December 02, 2009]

Gần đây có nhiều phát biểu của những cán bộ cao cấp trong hệ thống quản lý nhà nước có xu hướng rất cực đoan. Trong chừng mực nào đó, cực đoan có mặt tốt khi dùng cực đoan để chống lại cực đoan. Nhưng trong đa phần còn lại cực đoan sẽ dẫn đến nhiều sai lệch cho bản thân và cho cộng đồng rất nguy hại. Một thời cực đoan đã dẫn đến duy ý chí và lầm lẫn trong điều hành quốc gia đã đẩy đất nước đến bước đường cùng buộc phải cỡi trói kinh tế.

Một vùng đất có con người có lối sống cực đoan luôn là một vùng đất chết và chậm phát triễn. Một vùng đất có con người ở đó có lối sống dễ hoà nhập do có chỉ số EQ(Emotional Quotient) cao luôn là vùng đất sống, đi đầu trong mọi lĩnh vực. Một cá thể dù có thông minh đến đâu , nhưng với chỉ số EQ tồi, không thể làm việc nhóm thì cũng khó lòng thành đạt. Điều này cũng giống như câu nói của cụ Hồ đã nói: Có đức mà thiếu tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không đức thì vô dụng.

Đi đầu trong những phát biểu có tính cực đoan gần đây là ngài chủ tịch nước. Ông phun châu nhả ngọc ở Cuba. Rồi ông tuôn cả lời vàng ý ngọc tại cuộc họp "Người Việt Nam ở nước ngòai" gần đây. Tòan những lời duy ý chí và cực đoan đến đau lòng mà không biết mình là ai?


Hôm trước, tôi đã giật mình khi nghe phát biểu của một cán bộ trong bộ nội vụ phát biểu là: "Hà Nội mong 100% cán bộ quản lý là tiến sĩ để có đột phá". Nên tôi đã cố gắng viết một bài phân tích về Năng lực khoa học và năng lực lãnh đạo. Hôm nay đọc trên Dân Trí lại thấy một ông tiến sĩ, phó cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở của bộ giáo dục và đào tạo lại phát biểu rằng: "Sẽ có xử lý chế tài giảng viên nếu sinh viên đánh giá không tốt". Nguy thật. Tôi không biết ông tiến sĩ Trương Đình Mậu có đã từng là sinh viên chưa? Và đã từng là giảng viên chưa mà ông đi phát biểu một câu và đề đạt một điều rất cực đoan và không có tư duy của một tiến sĩ gì cả. Buồn lắm khi nghe phát biểu của một vị chức sắc có học vị cao nhất mà như thế. Không biết cái chế tài mà ông đề ra thì như thế nào, nhưng khi chưa có chế tài của ông thì học sinh đánh thầy giáo hay cha mẹ học sinh đã không ít lần hăm dọa thầy giáo được đặng lên báo rồi.

Theo tôi, nhà nước cần xem lại qui chế 1 biên chế cho cán bộ công nhân viên nhà nước ở một số ngành. Và xem lại cách bắt học sinh phải học môn này của giảng viên này mà không cho sinh viên tự chọn cho mình giảng viên mà sinh viên muốn học. Đặc biệt trong giáo dục, y tế, luật ... Vì theo kinh tế thị trường thì phải tuân theo qui luật cung cầu. Nếu giảng viên không ra gì thì sinh viên học sinh không đăng ký lớp học của họ. Và nhà trường có thể thuê giảng viên cùng chuyên ngành ở một trường khác đến dạy. Có thể tồn tại một môn chuyên ngành có nhiều giảng viên giảng dạy trong một đại học để tạo ra môi trường cạnh tranh trong sáng. Và một giảng viên có thể hưởng sự đãi ngộ đồng lương của họ từ hai hoặc nhiều jobs ở nhiều nơi khác nhau, xứng đáng với tài năng của họ. Nếu giảng viên yếu kém thì tự sinh viên không đăng ký học môn họ dạy và tự động họ sẽ tự đào thãi mình ra khỏi hệ thống. Với cách đơn giản như vậy sẽ giúp thanh lọc những giảng viên đi lên từ sự "nâng đỡ" và bằng cấp không trong sáng hơn là bằng tài năng thực sự. Và lúc đó chúng ta sẽ có đội ngũ giảng viên đại học thực sự tốt mà không cần bằng cấp cao vòi vọi, nhưng năng lực thì ở dưới tận đâu đó dưới đất.

Ở các nước tiên tiến, có những giảng viên hướng dẫn trong Lab cho PhD chỉ cần có bằng Bachelor hoặc Master là không hiếm. Vì với lĩnh vực đó họ hiểu biết sâu và có năng lực tốt, mặc dù bằng cấp của họ không cao. Thậm chí ở nước ta chứ không đâu xa, khi đi thực tập lâm sàng về những thủ thuật điều dưỡng cho sinh viên năm thứ hai trường Y, người hướng dẫn là những điều dưỡng lâu năm, kinh nghiệm chứ không phải là các giảng viên đại học ghê gớm với bằng cấp đầy mình. Họ vẫn một điều là "ông thầy và bà thầy" với sinh viên y năm thứ 2. Nhưng trên phương diện nghề nghiệp về thủ thuật do điều dưỡng làm, họ vẫn là bậc thầy kể cả so với các bác sĩ đã hành nghề lâu năm.

Ở đại học các nước tiên tiến còn mời thỉnh giảng những con người có uy tín nghề nghiệp và thành đạt trong cuộc sống mà không cứ gì phải là giảng viên đại học chỉ có lý thuyết và bằng cấp mà không có thực tế. Đặc biệt, một số ngành thuộc art và khoa học ứng dụng lại càng phải thế. Tôi có cậu em ngày xưa học trường kinh tế thuộc lọai xuất sắc. Ra đời đi làm cũng thuộc lọai thành công. Cậu ta cũng được học bổng đi du học về lại Việt Nam. Ban đầu trường kinh tế mời về làm giảng viên. Nhưng cậu ta chỉ muốn làm giảng viên thỉnh giảng, còn trường kinh tế thì muốn cậu ta là biên chế. Cuối cùng cậu ta không chấp nhận như thế nên đi làm cho một công ty lớn của Mỹ tại Việt Nam. Và câu kết luận của cậu ta là: Cuộc sống thì cứ chảy, nhưng kiến thức các thầy ở trường kinh tế chỉ có lý thuyết. Mà khi lý thuyết đã viết thành sách thì đã lạc hậu. Cuối cùng sinh viên học kinh tế ra trường không có thực tế mà chỉ một mớ lý thuyết đã lỗi thời. Mọi chính sách luôn chạy theo đuôi của cuộc sống sinh động, vì lý thuyết kinh tế luôn tương đối và thay đổi. Em chưa thấy cái Nobel kinh tế nào có thể đứng vững với thời gian.

Qua những điều trên tôi cho rằng ngành giáo dục đại học Việt Nam cần linh động trong cách dạy, cách học và cách chọn giảng viên. Không thể cứng nhắc như bao lâu nay. Thực tiễn mới là chân lý của mọi lý thuyết khô cứng. Hãy trả quyền tự quyết và tự họach tóan, tự nuôi lấy thân cho các đại học. Đại học nào không đủ khả năng thì tự chết. Đại học nào đủ khả năng tồn tại thì sẽ vươn lên trong cơ chế cung cầu của kinh tế thị trường. Và hãy trả lại quyền tự quyết chọn giảng viên cho mỗi sinh viên. Giảng viên nào đủ tầm thì còn tồn tại. Giảng viên nào yếu kém tự sinh viên sẽ quay mặt với họ và bản thân họ sẽ tự quyết định lấy tương lai của mình. Làm quản lý vĩ mô không nên nhúng tay vào việc vi mô như lâu nay trong giáo dục, người ơi.

Bài viết ngắn này chỉ có tính báo động không chỉ riêng cho những tư duy cực đoan làm đẻ là những chế tài và luật lệ không giống ai riêng cho ngành giáo dục mà mong rằng nó còn có tác dụng đến những ngành khác trong xã hội ta. Mong rằng các nhà làm công tác quản lý mọi cấp, mọi ngành cần có những tư duy đúng với học vị và học hàm của mình để giảm thiểu những sai lầm mà đã hơn nữa thế kỷ qua làm rối tinh, rối mù mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam.

Mong lắm,

Đăng nhận xét

0 Nhận xét