Ở phòng khám ngoài 2 điều dưỡng có thâm niên thì có được 3 điều dưỡng trẻ. Trong số 3 cô trẻ thì một ở Cà Mau là đứa giỏi nhất về chuyên môn và chu đáo. Một Gia Lai nhanh nhẹn, tay luôn nhanh hơn não. Một ở Nghệ An cần mẫn và tất bật. Cả 3 cô tôi đều ưng ý và quý mến. Bài này viết về cô ở Vinh, Nghệ An. Tại sao, hãy được sẽ rõ.
Bây giờ thì cô điều dưỡng Nghệ An đã vừa đặt chân đến nhà ba mẹ ở Alaska, Hoa Kỳ. Câu chuyện của cô như một đại diện cho ý chí và nghị lực đáng quý của người Nghệ An.
Ông nội của cô có nhiều người con, gia đình theo đạo dòng từ thời Pháp thuộc. Năm 1954, đa số vào Nam, nhưng ông nội của cô và cha cô ở lại vì là ông Trùm xứ đạo. Trải qua 21 năm sống không bằng chết, ngay sau 30/4/1975, ông nội của cô quyết định vượt biển, tìm đường sống cho mình và cho con cháu.
Ông bắt đầu đi từ bờ biển Nghệ An bằng thuyền đến HongKong nhưng lúc đó sớm quá chính sách tỵ nạn chưa được công nhận. Thế là ông quyết định đi đường bộ tiếp tục con đường của mình. Ông phải trải qua 8 năm đi men theo đường bộ của Trung Quốc để đến được Siberia của Liên Sô tại mũi Dezhnev của Nga bây giờ nhìn sang Mỹ qua eo biển Bering.
Eo biển Bering là eo biển phân cách châu Á và Bắc Mỹ, nằm giữa mũi Dezhnev thuộc nước Nga, điểm cực đông của châu Á và mũi Prince of Wales (Hoàng tử xứ Wales) thuộc bang Alaska, điểm cực tây của nước Mỹ thuộc châu Mỹ. Nó rộng khoảng 85 km (53 dặm), với độ sâu từ 30 đến 50 m (100–165 ft). Và ông quyết định đi bằng thuyền vượt eo biển Bering sang mũi Prince of Wales nước Mỹ.
Sau hơn một tháng chèo thuyền, ông đến được Alaska thì lúc đó thế giới và nước Mỹ đã công nhận và cứu trợ thuyền nhân Việt Nam vượt biển vì hành trình đi của ông mất 8 năm từ 1975 đến 1983 mới tới được Alaska!
Sau khi đến Alaska, ông biết ơn vùng đất này và lập nghiệp ở một hòn đảo, mà ở đó có một doanh nhân thành đạt người Việt giúp đỡ ông mà đài VOA đã đưa lên một clip. Sau khi vào quốc tịch, ông bảo lãnh toàn bộ con cháu đến Mỹ. Và nó là đứa cuối cùng ra đi theo diện đoàn tụ gia đình do ba mẹ của nó bảo lãnh.
Một hành trình từ 1975 đến 2023, 48 năm để con cháu được đoàn tụ tại nước Mỹ và lại là Alaska, tiểu bang mà ít ai muốn đến sống. Quả là một ý chí sắt đá và đầy nghị lực, mà theo tôi chỉ có người Nghệ An mới có được!
Với tôi, tôi xem điều dưỡng của mình như con, cháu nên trước khi nó lên đường định cư Mỹ, tôi đã dạy cho nó lập kế hoạch khi đặt chân đến Mỹ bằng kinh nghiệm sống của bản thân mình ở Mỹ và tổ chức cho nó 2 chuyến đi về miền Tây Nam bộ để nó hiểu thế nào là văn hoá khẩn hoang?
Sau 2 chuyến đi về An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang và Cà Mau, nó nói với tôi bây giờ nó muốn ở lại Việt Nam hơn là đi, nhưng nó phải đi vì đến Mỹ để chăm sóc sức khỏe cho ba chuẩn bị ghép phổi vì tai nạn. Nó bảo tôi khi nào đến Mỹ ghé Alaska chơi, tôi cũng muốn đến Alaska một chuyến, vì tôi chưa tới nơi này! Tôi nói, quê hương không ai muốn bỏ đi vì văn hoá sống thấm vào máu rồi con ơi, nhưng vì môi trường sống quá tệ nên người ta mới bỏ nước ra đi thôi.
Cuộc đời nó rất đáng để yêu quý vì nó làm việc rất cần mẫn, chu đáo, giao việc cho nó là yên tâm không sợ bất kỳ sơ sểnh nào. Nhưng dáng nó tất bật và gian khó, nên lại càng thương nó như con mình. Hai tuần nay, nó nghỉ việc chuẩn bị cho chuyến đi xa mọi việc phòng khám vẫn tốt, nhưng thấy nhớ dáng dấp tất bật và lo toan của nó nên viết bài này như một lời cảm ơn với nó.
Chúc con thành công và hạnh phúc với tương lai. Quý con lắm.
Sài Gòn, 15:37 Wed, 31st May 2023
0 Nhận xét