VẤN ĐỀ TƯ DUY - KỲ I: TƯ DUY LÀ GÌ?

Bài đọc liên quan:

VẤN ĐỀ TƯ DUY - KỲ II: MỘT SỐ KHÁI NIỆM CỦA TƯ DUY

VẤN ĐỀ TƯ DUY - KỲ III: TƯ DUY CỦA NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

- VẤN ĐỀ TƯ DUY - KỲ IV: TƯ DUY THÔNG MINH

René Decartes

Có lẽ nhiều người hay dùng 2 chữ "tư duy", nhưng không quan tâm đến nó là gì? Tại sao hôm nay tôi phải đặt vấn đề tư duy ở đây? Đây mới là vấn đề đáng nói. Vì theo triết gia, nhà toán học, nhà tư tưởng, nhà bác học người Pháp René Decartes( 31-3-1596 – 11-2-1650) thì ông phát biểu rằng: "Tôi tư duy tôi tồn tại".

Vì thế, theo ông Decartes thì, thế giới loài người, chỉ có 1% mới thực sự tư duy. Số 99% còn lại chỉ là đám đông vô thức. Chỉ cần 1% có tư duy biết thỏa hiệp mà không cần đoàn kết là đủ để lôi kéo 99% đi theo hướng của 1% vạch ra.

Điều Ông Decartes phát biểu rất đúng. Ta hãy thử nhìn một số con số sau: theo số liệu thống kê năm 2017 của đảng cộng sản Trung Hoa thì tổng số đảng viên đảng cộng sản Trung Hoa chỉ có ‎89.450.000[1], khoảng hơn 8% dân số, nhưng cai quản hơn 1 tỷ người dân Trung Hoa. Ở Việt Nam, theo thống kê năm 2019, tổng số đảng viên đảng cộng sản Việt Nam là 5,200,000[2] cai quản hơn 90,000,000 dân Việt. Tính ra tỷ lệ này khoảng gần 6% dân số. Nó cho ta thấy việc người dân 2 quốc gia này khó lòng vùng vẫy ra khỏi ách cầm quyền của 2 đảng cộng sản.

Tại sao 92% dân còn lại của Trung Hoa và 94% dân còn lại của Việt Nam không thể thoát khỏi ách thống trị của thiểu số cộng sản cai trị?

Vậy cái gì làm cho người dân có thể thoát được sự thỏa hiệp của các chính khách độc tài? Đó là tư duy. Người biết tư duy luôn biết thỏa hiệp theo kiểu win-win, tức hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tư duy quan trọng như vậy, thì tư duy là gì?

Theo Triết học chung thì, tư duy là phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của con người để sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho con người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật và ứng xử tích cực với nó.

Theo triết học duy tâm khách quan, tư duy là sản phẩm của "ý niệm tuyệt đối" với tư cách là bản năng siêu tự nhiên, độc lập, không phụ thuộc vào vật chất. Theo George Wilhemer Fridrick Heghen: "Ý niệm tuyệt đối là bản nguyên của hoạt động và nó chỉ có thể biểu hiện trong tư duy, trong nhận thức tư biện mà thôi".[3]. Karl Marx nhận xét: "Đối với Heghen, vận động của tư duy được ông nhân cách hóa dưới tên gọi "ý niệm" là chúa sáng tạo ra hiện thực; hiện thực chỉ là hình thức bề ngoài của ý niệm".[4]

Ivan Petrovich Pavlov

Theo triết học duy vật biện chứng, tư duy là một trong các đặc tính của vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao. Về lý thuyết, Karl Marx cho rằng: "Vận động kiểu tư duy chỉ là sự vận động của hiện thực khách quan được di chuyển vào và được cải tạo/tái tạo trong đầu óc con người dưới dạng một sự phản ánh".[5] Những luận cứ này còn dựa trên những nghiên cứu thực nghiệm của Ivan Petrovich Pavlov, nhà sinh lý học, nhà tư tưởng người Nga đoạt giải Nobel Y học năm 1904 nhờ vào nghiên cứu phản xạ có điều kiện. Bằng các thí nghiệm tâm-sinh lý áp dụng trên động vật và con người, ông đi đến kết luận: "Hoạt động tâm lý là kết quả của hoạt động sinh lý của một bộ phận nhất định của bộ óc".[6]

Một số nhà tâm lý học lý thuyết định nghĩa Tư duy là quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.

Song với tôi, để đơn giản hóa phạm trù tư duy, nên tôi hiểu tư duy theo phạm trù Tâm Lý học thực hành. Vì nó hữu dụng, dễ hiểu và dễ thực hành hơn kiểu định nghĩa rối rắm của các nhà triết học. Suy cho cùng triết học rất đơn giản chứ không rối rắm, điên chữ mù nghĩa như các triết gia viết để chỉ họ hiểu, mặc dù chúng ta muốn hiểu cũng không khó.

Vậy tư duy theo Tâm lý học thực hành là gì?

Tư duy là một quá trình tâm lý ghi nhận thế giới khách quan kết hợp với tưởng tượng để đưa ra một sản phẩm hay một kết quả tối ưu nhất cho một vấn đề.

Trong định nghĩa trên ta thấy có vài khái niệm cần làm rõ như sau:

1. Nhận thức: Theo "Từ điển Bách khoa Việt Nam", nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể. Có thể đơn giản hóa như 2 cách hiểu sau về nhận thức:

Nhận thức là sự ghi nhận và hiểu biết sự vật hiện tượng một cách khách quan qua các cơ quan cảm giác: mắt, tai, mũi, lưỡi, da qua hành động hay,

Nhận thức là quá trình tiếp thu kiến thức và am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan, bao gồm các quy trình như là tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lí luận, sự tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ.

2. Tưởng tượng: là khả năng mà qua đó chúng ta nhận thức thế giới. Những gì chúng ta sờ, nghe, thấy, ngửi, nếm được tổng hợp bằng tưởng tượng để tạo ra một "bức tranh toàn cảnh". Để tóm lược đơn giản thì như sau:

Tưởng tượng là làm mới lại cái đã có sẵn trong sự ghi nhận của trí nhớ.

James Francis Cameron

Ta hãy ví dụ cụ thể để dễ hiểu hơn về tư duy. James Francis Cameron (sinh ngày 16 tháng 8 năm 1954 tại Kapuskasing, Ontario, Canada) là đạo diễn người Canada. Năm 1971, ông chuyển sang sinh sống ở Mỹ và dù tốt nghiệp khoa Vật lý California State University, nhưng Ông được biết đến như một đạo diễn điện ảnh có nhiều tên tuổi trên thế giới là nhờ vào tư duy. Các bộ phim Titanic, Avatar, Kẻ hủy diệt, Rambo, True Lies ... của ông đều ăn khách nhất mọi thời đại là nhờ vào tư duy. Vì tư duy là quá trình nhận thức thế giới khách quan về sự vật, hiện tượng kết hợp làm mới lại cái cũ đã có trong sự ghi nhận của trí nhớ. Với Titanic ông chỉ làm mới lại cái đã xảy ra. Với Avatar ông cũng tưởng tượng làm mới lại vườn treo Babilon... nhưng làm cả thế giới mê muội vì quá hay!

Từ đó, khi chúng ta hiểu thế nào là tư duy, nó bắt ta phải động não mọi vấn đề một cách khách quan. Ta không là đám đông vô thức. Ta chủ động về cảm xúc, suy nghĩ, hành động, không bị kẻ khác lôi kéo một cách dối trá hoặc gian xảo.

Henry Ford

Trong một hội thảo về kỹ nghệ xe hơi, khi Henry Ford bị các kỹ sư, giáo sư đại học chất vấn chê bai ông không hiểu biết gì về cơ khí, về động lực học, ... mà lại làm xe hơi! Ông lẳng lặng ngồi ghi chép tất cả các câu hỏi. Sau đó, ông mời các chuyên gia mà ông thuê để làm cho tập đoàn Ford Motor của ông trả lời những câu hỏi ấy rành rọt. Cuối cùng ông trả lời: "Việc của tôi không phải đi làm việc của các kỹ sư, giáo sư, mà việc của tôi là tư duy. Tôi tư duy làm sao để hàng triệu con người có công ăn, việc làm, có ấm no và hạnh phúc khi đến với Tập đoàn Ford". Thật là tuyệt vời phải không các bạn?

Tư duy thật quan trọng phải không các bạn? Sau bài viết ngắn này, tôi mong các bạn đã đọc được sẽ là một cá thể có tư duy.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. “Why the Communist Party is alive, well and flourishing in China”. The Telegraph (bằng tiếng en-GB). Ngày 31 tháng 7 năm 2017. ISSN 0307-1235.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có 5,2 triệu đảng viên. Thứ Tư, ngày 25/12/2019 - 09:52. plo.vn.

3. Heghen. Logic học Hê ghen (sách tham khảo). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội. 1989.

4. Karl Marx. Tư bản. Quyển I. Tập 1. (bản tiếng Pháp). Nhà xuất bản Nathal. Paris. 1938. trang 29.

5. Karl Marx. Sách đã dẫn ở [4].

6. Pavlov. Tuyển tập. Nhà xuất bản Ngoại văn. 1954.

Tư duy, 6:31 29 Jun 2020

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. Albert Einstein để lại các công trình,nghiên cứu vĩ đại,được chứng minh bằng thực nghiệm sau khi ông mất.Vậy Albert Einstein có tư duy qua các giác quan ?
    Một bản giao hưởng được sáng tác,có thông qua giác quan ?Điếc vẩn sáng tác được !!!.

    Trả lờiXóa