TRẬT TỰ TOÀN CẦU 20 NĂM TỚI SẼ RA SAO?

Ngày đăng: [Sunday, August 21, 2011]
Bài đọc liên quan:
Thử nhìn toàn cục tình hình
Một thế giới bế tắc vì tham vọng
Cháy nhà lòi mặt chuột
Tương lai Trung Hoa về đâu?
Bài học từ đập thủy điện Trung Hoa
Cục diện mới của ngoại giao Việt Nam
Thế cờ đã rõ 
Giải pháp nào cho Việt Nam ở biển Đông?
Bàn về quan hệ với Trung Hoa

Hai tuần nay thông tin trong nước và toàn cầu đặt dấu hỏi: Liệu Hoa Kỳ có còn là lãnh đạo toàn cầu? Một số bài viết của các tác giả nước ngoài, thì vẫn khẳng định sức mạnh của Hoa Kỳ. Một số bài viết có tính tham khảo của chiến lược ngoại giao trong nước thì, vẫn còn lấn cấn nước đôi, và cho rằng, Trung Hoa và một số nước mới nổi sẽ chia sẻ quyền lực và, có thể vượt Hoa Kỳ trong thập niên này. Nhưng hầu hết là góp nhặt những ý kiến có tính chủ quan, mà chưa có một phân tích có tính khách quan.

Điểm qua lịch sử toàn cầu để có cái nhìn toàn diện. Kể từ sau chiến tranh thế giới 2, một trật tự thế giới mới hình thành. Thuộc địa cũ của Anh - Hoa Kỳ - nhảy lên thay thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu qua hội nghị Bretton Woods vào tháng 7/1944. 

Sau đó - vào tháng 02/1945 - ba nước đứng đầu khối đồng minh trong thế chiến thứ 2 - Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô - có cuộc hội nghị thượng đỉnh Yalta, một thành phố ở miền Nam Ukraina, trong một tuần - từ ngày 04 đến ngày 11/02/1945 - để có 2 quyết định: (1)đánh Nhật và (2)phân chia lãnh địa ảnh hưởng và cai quản toàn cầu cho 2 nước đứng đầu giữa 2 khối tả do Liên Xô cầm đầu và hữu do Hoa Kỳ nắm giữ. Và 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã chấm dứt chiến tranh thế giới 2. 

Thế giới phân cực bắt đầu từ đó, một cuộc chiến tranh lạnh bằng những cuộc chiến tỷ thí vũ khí ở các tấm bia đỡ đạn như Triều Tiên, Việt Nam, kéo dài 46 năm. Nhân loại một nửa khổ đau dưới hình thái chính trị đơn nguyên tả khuynh cực đoan do ông Lenin vẽ ra. Nửa thế giới còn lại tắm mình trong tự do dân chủ và hùng cường với hình thái xã hội đa nguyên hữu khuynh cực đoan và ôn hòa. Sau 46 năm - 1991 - Chính trị Liên Xô và Đông Âu tan rã bắt đầu từ chạy đua vũ trang để đi đến sụp đổ kinh tế. Nó chứng minh đa nguyên hữu khuynh là đúng qui luật và "chính nghĩa". Một số nước chư hầu Liên Xô cũ bẻ lái kinh tế nhưng vẫn cố bám chính trị. Hoa Kỳ và đồng minh Nato có một giai đoạn 20 năm múa gậy vườn hoang.

Các nước cựu lục địa châu Âu, dưới chiếc bóng khổng lồ Hoa Kỳ và khối minh ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) đã bình yên làm ăn và phát triển đúng qui luật theo chính trị và kinh tế đa nguyên tự do hữu khuynh. Họ trở nên phồn thịnh. Họ nghĩ đến việc lấy lại quyền lực cũ. Một liên minh châu Âu ra đời sau hiệp ước Maastricht tại Hà Lan vào ngày 07/02/1992. Và một đồng tiền chung châu Âu - đồng Euro - ra đời được đặt dưới sự điều tiết vận hành của ngân hàng trung ương châu Âu, với nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ.

Bẻ lái sớm là con hổ Trung Hoa sau cái bắt tay Nixon và Mao năm 1972. Nhưng mãi đến khi Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình mới nắm quyền binh và thực hiện chính sách: Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt chuột thì chơi, đồng thời ẩn mình chời thời cơ thức dậy. Họ Đặng đã đưa Trung Hoa trở thành cái xưởng sản xuất của thế giới và kinh tế phát triển thần kỳ với tăng trưởng trung bình 10%/năm suốt 2 thập niên, bất chấp mọi nguy cơ về bạo loạn xã hội, bong bóng bất động sản, hủy hoại môi sinh v.v...

Lại một thế giới phân cực mới lại bắt đầu. Và một cuộc chiến tranh lạnh của sức mạnh mềm xuất hiện - chiến tranh kinh tế tiền tệ. Nhưng không chỉ là chiến tranh lạnh sức mạnh mềm đơn thuần, mà kèm theo sự trổi dậy tiềm lực quân sự để phụ họa cho chiến tranh kinh tế.

Nếu cuộc chiến tranh lạnh lần một sức mạnh quân sự là chủ yếu để đẩy kinh tế đến hồi kiệt quệ do hình thái chính trị sai lầm. Thì, chiến tranh lạnh lần này dùng sức mạnh tiền tệ để thúc đẩy chạy đua vũ trang và chiếm lĩnh tài nguyên thiên nhiên, tranh chấp năng lượng, lương thực và nguồn nước, hòng đưa các đối thủ đi đến chỗ sụp đổ chính trị.

Sức mạnh của một quốc gia từ cổ chí kim phải thể hiện qua 3 lĩnh vực cụ thể: thứ nhất là, sức mạnh cứng của quân sự. Thứ hai là sức mạnh mềm kinh tế và cuối cùng là sức mạnh mềm của tư duy thể chế chính trị phục vụ cho quốc kế dân sinh thể hiện qua một nền dân chủ tự do đích thực của cộng đồng.

Trên bình diện quân sự cho đến giờ này, không có cường quốc nào có thể sánh bằng với Hoa Kỳ ngoài nước Nga - một ác chủ bài từ Liên Xô cũ - Song, nước nga với xuất khẩu 80% là tài nguyên thiên nhiên, đang vật vã với những tàn dư của ông Lenin để lại, sau 20 năm từ giã vẫn chưa có một nền kinh tế hùng cường và một sức mạnh mềm về thể chế chính trị thuyết phục toàn cầu.

Cũng trên bình diện ấy. liên minh châu Âu có đủ khả năng kinh tế để có thể chia sẻ quyền lực với đồng đô la Mỹ. Nhưng về quân sự vẫn đang hụt hơi với chiến dịch Người bảo vệ hợp nhất - Unified Protector - tại Lybia phập phù suốt hơn 2 tháng nay. Và một hình thái chính trị hợp nhất chưa phù hợp với những quốc gia 2 tốc độ phát triển về kinh tế và chính trị khác nhau, để dẫn dắt kinh tế chạy trơn tru. Mặc dù, xét ở bình diện nền chính trị tự do dân chủ và an sinh xã hội của họ không kém cạnh Hoa Kỳ, nhưng họ đang trên đường tan rã. Họ chỉ là cái bóng của Hoa Kỳ trên cựu lục địa, càng không thể là đối thủ cạnh tranh, khi là đồng minh "hờ" suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Chiếc đầu tàu mới nổi Trung Hoa đã và đang quên lời dặn của họ Đặng - ẩn mình chờ thời cơ thức dậy - được thế giới tả khuynh cực đoan thổi phồng như một con ếch muốn to thành con bò, để làm tiên phong trong cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng giả sử GDP của Trung Hoa tăng gấp 4 lần như hiện nay để vượt gần gấp đôi GDP của Hoa Kỳ, thì nền kinh tế ấy cũng không thể đưa thu nhập bình quân đầu người của dân và an sinh xã hội, môi trường, khoa học kỹ thuật Trung Hoa có thể sánh bằng.

Phải cố gắng để hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm sau 100 năm Hoa Kỳ có, nhưng chỉ là một mặt nạ diễn tuồng giữa cải lương Hồ Quãng với múa rối Trung Hoa. Sau cái chết của Bin Laden - một trùm khủng bố được bảo trợ bỡi Trung Hoa và Pakistan - Trung hoa đã chính thức đầu hàng quân sự với Hoa Kỳ.

Càng không thể so sánh một hình thái chính trị phong kiến quân phiệt của Trung Hoa với một nền dân chủ tự do đa nguyên của Hoa Kỳ, chỉ với một vài bài diễn văn ở Bắc Phi và Trung Đông của Hillary Clinton và Obama cũng đủ thức tỉnh dân ở đây làm nên những cuộc cách mạng Hoa Nhài, để gây khó nguồn tài nguyên phát triển cho Trung Hoa.

Trên 3 điểm đã đưa ra, sức mạnh quân sự, kinh tế và tư tưởng tự do dân chủ của Hoa Kỳ trong 2 thập niên tới vẫn chưa bị lật đổ. Nhưng với chiến lược cây gậy và củ cà rốt trong chiến tranh lạnh: chế độ lãi suất đồng đô la thấp kéo dài. Xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu. Xuất khẩu tự do dân chủ ra thế giới tả khuynh để thúc đẩy chạy đua vũ trang. Bao vây kinh tế và địa chính trị với Trung Hoa, v.v... Người Mỹ đang làm cho ông vua phong kiến kiểu mới tương lai của Trung Hoa phải nổi trận lôi đình qua cái gọi là "ngoại giao bóng rổ" trong tuần này. E rằng gánh nặng đang chồng chất trên vai ông Tập.


Ông Ôn Gia Bảo đã đánh tiếng phải thay đổi chính trị để chiếc áo mặc vừa với kinh tế Trung Hoa không phải mới đây, mà đã nói từ trước đại hội đảng cộng sản Trung Hoa lần thứ 11. Song Trung Hoa vẫn vậy. Thế thì hy vọng gì một Trung Hoa có thể thay đổi khi vào tay ông Tập Cận Bình? Và hy vọng gì chuyện Trung Hoa tìm sao trên trời để soán ngôi lãnh đạo toàn cầu trong nhiều thập niên tới?

Hai mươi năm tới nước Mỹ vẫn lãnh đạo toàn cầu bằng bộ ba quyền lực của mình. Và hai mươi năm tới chúng ta sẽ thấy một Trung Hoa bước theo bước đi của Liên Xô cách nay 20 năm về chính trị và bước đi của Nhật cách nay 30 năm về kinh tế.

Asia Clinic, ngày Chúa Nhật, 11h16', 21/8/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét