TRĂN TRỞ

Ngày đăng: [Sunday, July 20, 2014]
Tác giả viếng thăm Trung Tâm Sinh Học Edythe & Eli Broad của Calfornia Institute of Technology vào ngày 17/02//2014

Tính đến hôm nay đã 2 tháng 15 ngày – 05/5/2014 đến 20/7/2014 – Quỹ Tây Du ra mắt với toàn thể người Việt trên toàn cầu. Trong 76 ngày ấy, đã có ít nhất 4 cuộc điện thoại từ phụ huynh học sinh và 6 email từ các học sinh phổ thông gửi đến Hội đồng Quỹ Tây Du để hỏi tình hình gói học bổng của Quỹ Tây Du.

Với 4 phụ huynh học sinh, tôi đã trả lời rõ ràng rằng, chính bản thân học sinh phải vào website của Quỹ Tây Du, để đọc, tìm hiểu và tự thấy mình đủ khả năng để vừa làm hồ sơ nhập học các đại học phương Tây, vừa nộp hồ sơ đề nghị tài trợ của Quỹ Tây Du. Lúc đó, Hội đồng Quỹ Tây Du xem xét, và chờ kết quả từ đại học phương Tây gửi về cho thí sinh. Khi các đại học phương Tây tặng học bổng, cũng là lúc các học sinh thông báo cho Quỹ Tây Du biết, sẽ có một hội đồng thiết lập để kiểm tra thực tế, phỏng vấn, và đánh giá để trao học bổng của Quỹ Tây Du. Phụ huynh không nên, và không thể làm dùm chuyện xin học bổng cho học sinh, vì yêu cầu của Quỹ Tây Du đối với thí sinh có 3 điều kiện rất rõ ràng:

1. Thí sinh phải có tư duy độc lập.

2. Thí sinh phải có tài năng thực sự.

3. Thí sinh phải có trái tim lớn với tình yêu quê hương, đất nước.

Với các thí sinh, một thiếu sót lớn là, họ không chịu tìm hiểu điều kiện được nhận học bổng Quỹ Tây Du, mà chỉ hỏi những điều trên website đã có sẵn. Đó là điều đáng lo lắng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Là người sáng lập, và nắm Quỹ Tây Du, tôi lo lắng không có nhân tài đủ điều kiện để nhận học bổng Quỹ Tây Du, hơn là Quỹ Tây Du thiếu tiền để trao.

Cuối thập niên 1970s, theo chỉ thị của Đặng Tiểu Bình, nhà nước Trung Hoa đã cho học bổng cho hàng ngàn sinh viên tài năng ở Trung Hoa du học sang Hoa Kỳ. Nhiều lãnh đạo Trung Hoa lo lắng họ đi mà không trở về xây dựng đất nước Trung Hoa. Nhưng Đặng đã trả lời, chắc chắn họ sẽ trở về. Và năm 1990, Đặng đã yêu cầu cục tình báo Trung Nam Hải chọn ra trong số hàng ngàn sinh viên du học của học bổng nhà nước Trung Hoa ấy, kiếm ra 100 người xuất sắc nhất, để Đặng đích thân viết thư mời về với 3 điều kiện ưu đãi:

1. Lương về làm việc cho Trung Hoa sẽ được trả gấp 2-3 lần lương đang làm việc tại Hoa Kỳ, được cấp nhà cửa, xe cộ. Vợ con muốn về thì về, không muốn thì vẫn ở Hoa Kỳ, và vẫn còn giữ quốc tịch Hoa Kỳ.

2. Trong vòng 3 năm, người được mời về làm chủ nhiệm một khoa hoặc cơ quan của một trường, viện nghiên cứu của các đại học lớn của Trung Hoa, hoặc viện lớn của nhà nước Trung Hoa, phải làm sao thành lập được một viện như cái viện ở Hoa Kỳ mà người ấy đã học và làm việc. Mọi tài trợ do nhà nước Trung Hoa bỏ ra. Nếu không làm được thì, nhà nước Trung Hoa sẽ trả họ về với Hoa Kỳ, mà không cần họ ở lại để giúp đất nước Trung Hoa, và không đòi hỏi gì cả.

3. Thành lập xong viện như viện họ đã học và làm việc tại Hoa Kỳ rồi, họ muốn tiếp tục làm việc nữa thì làm, không muốn làm việc nữa thì họ được phép trở về Hoa Kỳ để sống và làm việc theo những gì họ đánh giá là hạnh phúc mà họ muốn. Nhà nước Trung Hoa không bắt buộc họ phải sống và làm việc suốt đời tại Trung Hoa.

Chỉ với ý tưởng và hành động trên, trong vòng 40 năm – 1970 đến 2010 – Đặng Tiểu Bình đã đưa đất nước Trung Hoa trở thành cường quốc đáng sợ như hôm nay, chỉ với 100 người tài, có tâm thực sự được du học từ Hoa Kỳ về. Trong số về nước trước đó vào năm 1955, có Tiền Học Sâm, cha đẻ ngành nghiên cứu hạt nhân nguyên tử của Trung Hoa trở về từ California Institute of Technology. Ông Tiền đã đưa một quốc gia Trung Hoa đang mò mẫm nghiên cứu hạt nhân từ những kiến thức ít ỏi của Liên Xô chỉ dẫn, thành một cường quốc hạt nhân có hỏa tiển tầm xa xuyên lục địa, và đe dọa hỏa tiển phóng vượt 10 lần tốc độ bức tường âm thanh. Nó làm Hoa Kỳ đang lo lắng tốc độ phát triển vũ bão của ngành vũ khí hạt nhân Trung Hoa trong thời gian vài năm gần đây.

Hôm đến thăm CIT, 3 anh em chúng tôi nhờ một cậu sinh viên CIT chụp dùm tấm hình để kỷ niệm. Trông mặt cậu sinh viên sáng sủa, nhu7ng không biết dùng Iphone! Nhân tài là họ làm việc hết sức mình, và chỉ chú tâm vấn đề mình làm đến nơi, đến chốn, nhưng cái mà cộng đồng chạy theo thời thượng, thì họ không hề hay biết. Họ chỉ làm việc cho đời mài miệt như con kiến tha lâu đầy tổ, mà không màn đến chuyện hư danh, lợi ích riêng tư.

Bây giờ, nhìn lại phong trào Tây Du của chúng ta non trẻ. Tâm thế và tư thế của người dân Việt vẫn còn lo chuyện chén cơm manh áo, đố kỵ, dèm pha. Chính quyền thì đang chạy vạy chuyện kinh tế và chính trị đang rối ren. Giặc Trung Hoa xâm chiếm bở cõi biển đảo từng ngày. Cả yếu tố chủ quan bên trong, và yếu tố khách quan bên ngoài đều bất lợi. Việc chờ đến 30 năm sau, những thế hệ tài năng đủ tầm của người Việt xuất thân từ Quỹ Tây Du lo cho nước Việt, không biết có kịp không?

BS Hồ Hải

Chủ tịch Quỹ Tây Du.

Sài Gòn, 17h13′ Chủ nhựt, 20/7/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét