NHÂN QUẢ TRONG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Ngày đăng: [Saturday, October 01, 2011]
Bài đọc liên quan:

Sau hơn 20 năm cỡi trói, nhà nước chúng ta đã vì chạy theo tăng trưởng mà bỏ quên nhiều việc tối hệ trọng. Việc đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng luôn phấn đấu tăng trưởng và kiếm chế lạm phát song hành, trong khi cái cơ bản của một nền kinh tế sản xuất là con số không. Nên xuân thu nhị kỳ lạm phát cứ diễn đi diễn lại như những cơn cấp tính trên một bệnh lý mãn tính là duy ý chí trên một tư duy thiếu khoa học.

Cũng vì chạy theo chỉ tiêu, thành tích - một căn bệnh cố hữu từ thời bao cấp - tăng trưởng mà nó đã đẻ ra nhiều hệ lụy không chỉ có kinh tế mà, cho tất cả mọi ngành nghề trong xã hội.

Từ ngàn xưa, con người đã biết điều đơn giản là có một mãnh đất thì sẽ làm gì trên mãnh đất đó để nó đem lại lợi nhuận cao, mà phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện xã hội xung quanh. Không ai đi đặt một đám ruộng ở giữa trung tâm đô thị. Không ai đặt một nhà máy đầy khói bụi cạnh một khu ăn chơi giải trí. Cũng không ai biến một trung tâm hành chánh quốc gia thành một công xưởng. Càng không thể đặt một khu công nghiệp ở một trung tâm kinh tế, văn hóa, v.v... Vì tất cả những việc này là những nghịch lý cơ bản trong quy hoạch.

Nhưng vì chạy theo tăng trưởng, nên các khu công nghiệp mọc lên dày đặc ở các đô thị, từ những cái gọi là "chiến lược phát triển" chạy theo tăng trưởng mà bỏ quên quy hoạch đô thị. Hậu quả của những chiến lược này là một làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị. Nông thôn thì nông dân bỏ đất vì thua lỗ khi canh tác nông nghiệp do lạm phát, vì do quy hoạch biến đất ruộng thành đất thổ cư để tăng giá đất tính vào GDP, v.v...

Tất cả những điều trên làm nên tình trạng thiếu đất cho quy hoạch giao thông, không gian xanh vui chơi giải trí, ô nhiễm môi sinh, v.v... ở các đô thị ngày nay. Nên câu chuyện ách tắc giao thông đô thị là điều hiển nhiên không cần suy nghĩ cũng dễ thấy.

Đứng trên tư duy nhân quả của vấn đề ách tắc giao thông đô thị là hậu quả của các chiến lược phát triển kinh tế mà chưa có quy hoạch kiến trúc cho toàn xã hội. Một Sài Gòn Gia Định mà người Pháp chỉ quy hoạch cho 3 triệu dân vào thế kỷ XIX, thì hôm nay phải chứa trên 10 triệu dân có hộ khẩu và khách vãng lai.

Thế nhưng gần đây người ta đề xuất cái đề án cấm xe máy. Lại còn có ông hội đồng trẻ làm công nghệ thông tin lại đưa ra giải pháp thu phí xe ô tô vào nội thành. Tất cả đều đi giải quyết hậu quả mà không đi từ nguyên nhân gây ra bệnh để chữa chạy.

Có lẽ, các lãnh đạo Việt Nam cần lật lại sách sử để học ông Thoại Ngọc Hầu từ thời mở cõi, Nam tiến về việc ông cho đào kênh rạch khắp miền Nam để phục vụ cho giao thông, tưới tiêu và bảo vệ môi sinh thời đất nước còn lạc hậu, để có một tầm nhìn đúng cho thời hiện đại chăng?

Asia Clinic, 10h12' ngày thứ Bảy 01/10/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét