MÔ HÌNH THÀNH CÔNG CỦA PARK CHUNG HEE CHO HÀN QUỐC

Ngày đăng: [Thursday, October 17, 2013]
Bài đọc liên quan:

Hôm nay đọc bài báo của Dân Việt về việc Đưa nghề may về nông thôn của ông chủ doanh nghiệp ở Bắc Ninh, tôi thấy cần phải viết bài này. Vì mọi nổ lực bằng ý chí của đảng cầm quyền đang muốn đất nước Việt là nước công nghiệp hóa hiện đại hóa trong vòng 7 năm tới - 2020. Nhưng hầu như, 27 năm cỡi trói, Việt Nam đã chỉ hiểu một nửa tư tưởng của ông Park mà làm theo kiểu Trung Hoa, vì một nền chính trị sai lầm.

Nếu ai quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế chính trị ở châu Á, thì sẽ không thể phủ nhận, mô hình Hàn Quốc là mô hình phát triển đồng bộ nhất. Hàn Quốc phát triển vững vàng hơn cả Singapore, một con rồng châu Á đang có GDP đầu người cao hạng nhất thế giới, nhưng Singapore chỉ phát triển về kinh tế tài chính nhờ vào địa chính trị và chớp lấy thời cơ. Còn Hàn Quốc, một quốc gia có địa lý cằn khô, nông sản thực phẩm không đủ phải nhập. Khí hậu khắc nghiệt, nên chỉ có nhân sâm mới mọc được, lại nằm canh Trung Hoa lại khác, và khó khăn hơn vạn lần so với Singapore.

Nhưng nhìn toàn diện, Hàn Quốc phát triển như hôm nay cả về kinh tài lẫn khoa học kỹ thuật rất đồng bộ là bắt đầu từ sự vững chải của văn hóa nền của dân tộc này. Tuy không có văn hóa Samurai của Nhật, nhưng văn hóa nền của Hàn Quốc không kém cạnh với Nhật. Lại càng đáng khâm phục khi hôm nay Hàn Quốc bắt đầu xâm lăng văn hóa nghệ thuật thứ 7 của mình đến cả dân Hoa Kỳ và phương Tây, bằng những bộ phim dài nhiều tập, bằng những ngôi sao ca nhạc. Không những thế, tập đoàn đa quốc gia Samsung đang là hạng top của thế giới. Chỉ một mình Samsung vào đầu tư ở Việt Nam, họ đã đóng góp đến 10% GDP cho Việt Nam là một sự thần kỳ đáng kính trọng.

Tất cả những thành công hôm nay là có từ nền móng của 50 năm trước, khi ông Park Chung Hee nắm quyền cai trị độc tài Hàn Quốc, mà ít ai chú ý nghiên cứu. Có những vấn đề cốt lõi của ông Park Chung Hee cần phải nắm để thấy, tại sao Hàn Quốc có như hôm nay.

Về chính trị, ông Park chủ trương một nền chính trị đa nguyên, nhưng độc tài để chống lại cộng sản Bắc Hàn. Ông đã thành công khi vực nền kinh tế Hàn Quốc từ con số không để vươn lên hàng cường quốc số 11 thế giới như hôm nay, mặc dù, dân số chỉ bằng 1/2 so với Việt Nam, và ông phải trả giá bằng sinh mạng của mình - bị ám sát - và chết trong nghèo đói. 

Về văn hóa giáo dục, cái chết trong nghèo khổ của ông là tấm gương về văn hóa sống của Hàn Quốc còn lưu giữ đến hôm nay. Người Hàn Quốc tự hào về họ khi đi vào siêu thị, hay bất kỳ một hàng quán vỉa hè nào cũng không cần phải có ai canh giữ để thu tiền khách hàng mua sắm. Người Hàn Quốc tự hào khi họ sử dụng nhân công ít nhất và hiệu quả nhất thế giới. Nếu ai quan sát khi vào một nhà hàng của Hàn Quốc thì sẽ thấy bộ phận nhân viên phục vụ rất ít, họ làm việc cật lực và hiệu quả đến bất ngờ.

Về kinh tế, ngay từ đầu ông Park đã tạo cho Hàn Quốc những tập đoàn kinh tế tư nhân xuất thân từ những người con ưu tú nhất của đất nước sau nội chiến - với cái gọi là Cheabol. Nhưng ông là người quyết định hỗ trợ và lo cho thế hệ thay thế tương lai, bằng cách cho đi du học và mang kiến thức về áp dụng cho tập đoàn và đất nước.

Về khoa học kỹ thuật, ngay từ đầu ông Park đã cho hàng loạt du sinh đi các nước tiên tiến như Nhật, Hoa Kỳ và phương Tây. Ông bắt buộc họ cam kết trở về phục vụ quốc gia và tập đoàn. Ông còn chủ trương cố gắng ăn cắp công nghệ tiên tiến bằng sự tận tụy học hỏi, và hết lòng với thầy giáo ngoại quốc, chứ không học lóm, học mót, râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Về quy hoạch để phát triển đồng bộ, ông chủ trương một con đường cao tốc xuyên quốc gia Hàn Quốc. Trong đó, các khu công nghiệp không gây ô nhiễm, ông chỉ cho phép đặt chúng ở những nơi nông thôn có đất canh tác tốt, để nông dân cùng nhau thay đổi giờ làm việc luân canh giữa nông nghiệp và lao động giản đơn. Nó đã giúp nông dân dư ăn, dư để nhanh chóng chỉ sau 1 thập niên. Đối với công nghiệp gây ô nhiễm, ông chỉ cho phép đặt chúng ở những vùng khô cằn không canh tác được. Nó giúp dân vùng này có công ăn việc làm và thu nhập cao. Và không đẩy giá bất động sản ở các thành thị quá cao, cũng như gây ô nhiễm môi sinh và bất ổn trật tự trị an xã hội ở các thành phố lớn, vì nạn di dân từ nông thôn ra thành thị như Trung Hoa và Việt Nam.

Có thể nói, một thuận lợi to lớn đối với Hàn Quốc là không có biên giới với quốc gia nào khác ngoài Bắc Hàn và bờ biển. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng đã giúp Hàn Quốc trụ lại với Bắc Hàn và Trung Hoa. Nhưng đường lối của ông Park đã là nền tảng cho Hàn Quốc đi đến độc lập tự chủ, khi ông biết dựa vào dân và nâng tiềm năng vô tận của dân Hàn Quốc. Dù sau 16 năm cầm quyền độc tài - từ năm 1963 đến 1979 - của ông làm cho các phe nhóm chính trị đã thủ tiêu ông. Nhưng sau khi ông mất đúng 9 năm - từ 1979 đến 1987 - thì Hàn Quốc có một nền kinh tế mạnh và họ phải sửa đổi hiến pháp để có như hôm nay.

Có lẽ bà Park Geun Hye - Phát Cận Huệ con gái của ông Park Chung Hee - được nắm quyền tổng thống Hàn Quốc hiện nay là một sự tỏ lòng biết ơn của nhân dân Hàn Quốc đối với ông Park Chung Hee? Nó cũng giống như ông Bush con, đắc cử 2 nhiệm kỳ tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, cũng là sự biết ơn của nhân dân Hoa Kỳ với ông Bush cha đã có công làm cho hệ thống cộng sản sụp đổ ở nơi nó sinh ra.

Khác với Hàn Quốc, các nước cộng sản đã bó ép sức dân bằng sở hữu công tư liệu sản xuất, và đặt nền kinh tế chủ đạo là kinh tế nhà nước, dưới một thể chế đơn nguyên tập quyền, để ăn chia cho chính khách. Và quy hoạch sai lầm gây ô nhiễm môi sinh, và đẩy văn hóa đến suy đồi, trật tự xã hội đi đến chỗ rối loạn, bất an.

Qua đó ta thấy, con đường thành công của Hàn Quốc là khoa học và đúng quy luật, khi một nhà độc tài xây dựng một xã hội trên cơ chế tản quyền, đa nguyên để rồi chuyển đổi một xã hội dân sự đúng lúc bằng một phẩm chất của một lãnh tụ trong sạch, liêm khiết, có tâm và có tầm nhìn xa như ông Park Chung Hee là hoàn toàn phù hợp cho những quốc gia muốn thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu. Nó đáng để các quốc gia của thế giới thứ 3 noi theo.

Có một điều đáng buồn là, ở châu Á chưa có lãnh tụ nào cùng hoàn cảnh như bán đảo Triều Tiên có thể sánh bằng ông Park trong 100 năm qua. Và cái lớn nhất mà ông Park Chung Hee để lại cho dân mình là một nền tảng văn hóa sống và làm việc có trách nhiệm.

Asia Clinic, 13h55' ngày thứ Năm, 17/10/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét