MÔ HÌNH NÀO CHO TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM?

Ngày đăng: [Tuesday, September 22, 2015]
Thein Sein và Aung Kyi: Đối lập, nhưng không đối kháng.

Bài đọc liên quan:

MỞ ĐẦU

Hôm nay - 22/9/2015 - ông Tập Cận Bình đi hầu ông Obama. Cuối tháng 11/2015 cả 2 ông sẽ thăm Việt Nam kẻ trước người sau. Thoạt nhìn về mặt hiện tượng, người ta thấy Trung Hoa và Hoa Kỳ là 2 quốc gia thù địch, không đội chung trời, nhưng nhìn sâu vào bản chất của vấn đề mới thấy rằng, Hoa Kỳ và Trung Hoa như một cặp vợ chồng đồng sàng dị mộng. Họ đồng sàng vì họ phải sống lệ thuộc vào nhau, khi Hoa Kỳ cần một thị trường rộng lớn chiếm 1/5 dân số toàn cầu, và Trung Hoa cần Hoa Kỳ để xuất khẩu hàng hóa, và ăn cắp tài nguyên trí tuệ loài người phục vụ cho sự phát triển quốc gia. Lịch sử cho thấy, Hoa Kỳ chỉ có thể làm yếu Trung Hoa qua con đường kinh tế chứ không muốn làm Trung Hoa sụp đổ, hay gây chiến với Trung Hoa qua 2 lần thất trận. Trung Hoa sẽ yếu là chắc chắn, và đó là cơ hội để Việt Nam hơn là thảm họa.

Cũng thoạt nhìn, người ta thấy Việt Nam đang mắc kẹt giữa 2 cường quốc Hoa Kỳ và Trung Hoa trong chiến lược tranh bá toàn cầu. Nhưng khi nhìn đúng bản chất của Việt Nam hiện nay thì nhà cầm quyền Việt Nam tự lập ra cái bẫy để mình bị mắc kẹt vào đó. Bắt đầu sự mắc kẹt là sự hiển nhiên của lịch sử phải chọn Hồ Chí Minh và con đường của ông, nhưng sau đó, thế hệ sau ông chưa thoát được cái bóng của ông và những món nợ về kinh tế, địa chính trị, tư tưởng, v.v... để đi tìm một con đường mới cho tổ quốc và dân tộc. 

LƯỚT QUA SAI LẦM

Qua trao đổi với các thành viên trẻ ưu tú loại 1% toàn cầu, hằng năm họ tổ chức Model UN để cải tạo thế giới, tôi và họ cùng thống nhất một quan điểm rất đúng về mặt bản chất của vấn đề Việt Nam rằng, Việt Nam đang sai lầm ở kiến trúc thượng tầng. Nó cũng giống như Hoa Kỳ, từ trước khi có bộ giáo dục ra đời năm 1979, thì từ năm 1906 đến 1980, Hoa Kỳ có tới 316 giải Nobel, trung bình mỗi năm có 4 giải. Từ năm 1980 tới nay, chỉ vỏn vẹn 40 giải, gần như mỗi năm một giải, mặc dù Hoa Kỳ vẫn là nước có nhiều giải Nobel nhất thế giới với 356. Có nghĩa là, khi chính trị xen bàn tay lông lá quá sâu vào các lĩnh vực xã hội thì khả năng của con người giảm dần theo phép toán tỷ lệ nghịch.

Cho nên, về chính trị, với mô hình đơn nguyên tập quyền sao y Liên Xô trước 1990, và của Trung Hoa từ sau 1990, Việt Nam đang rơi vào 2 tình thế nan giải của quốc nạn tham nhũng và thiếu hiền tài để xây dựng quốc gia. Trong mô hình này có 2 vấn đề lớn mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải thay đổi:

Một là, kiến trúc thượng tầng phải phá bỏ sự tập quyền độc tài của nhà cầm quyền về mặt chính trị, để có sự kiểm soát quyền lực, nhằm giảm thiểu quốc nạn tham nhũng. Đây mới đúng là duy vật luận đúng nghĩa của quy luật mâu thuẫn và thống nhất các mặt đối lập. Không còn cách nào khác hơn là phải đa nguyên chính trị.

Hai là, mô hình sở hữu công về kinh tế đã giết chết sức dân. Nó làm cho nền kinh tế nước Việt kiệt quệ sau khi đổi hết tài nguyên để làm cơ sở hạ tầng, tương lai sẽ là đi vay, và vay đến khi vỡ nợ thì chính quyền sẽ tự sụp đổ, hoặc tự làm chư hầu của Trung Hoa mà không cần bất cứ một thế lực thù địch nào nhúng tay vào. Hay nói cách khác, về mặt bản chất, thế lực thù địch của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay chính là nhà cầm quyền chứ không ai khác.

6 đề nghị của GS Nguyễn Lân Dũng từ cuộc họp quốc hội năm 2008, không ai trong các đại biểu quốc hội dám vỗ tay, không ai nghe, và đất nước ngày càng lún sâu vào những sai lầm. Cuối cùng, ông phải thôi làm đại biểu quốc hội.

HẬU QUẢ

Gần đây, tứ trụ triều đình của nhà cầm quyền Việt Nam đã có những chuyến ngoại giao con thoi cả 2 phía Trung Hoa và Hoa Kỳ cùng đồng minh Hoa Kỳ để cứu một nền kinh tế.

Bang giao hòa hiếu với Trung Hoa là điều phải làm, vì chúng ta không thể di dời địa lý nước ta ra khỏi biên giới Trung Hoa; Nhưng không vì thế mà chúng ta phải nhân nhượng và lép vế.

Bang giao với Hoa Kỳ chủ yếu là để vào TPP. Nhưng, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì nền kinh tế Việt Nam không có gì ngoài của các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài - FDI: Foreign Direct Investment - và lắp ráp gia công. Việt Nam muốn xuất khẩu thì Việt Nam phải có hàng để xuất khẩu, Việt Nam không có sản xuất ra được hàng để xuất khẩu. Trong năm 2014, thì các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần xuất khẩu. Thế tại sao 200-300 nghìn doanh nghiệp Việt Nam mà chỉ chiếm chưa đầy 30%, trong 30% đó, thì phần lớn là những nguyên liệu tạm nhập tái xuất? Chúng ta thấy rõ ràng cái vấn đề là, phải xây dựng nội lực Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ cao, có ban điều hành tốt, có phương tiện tài chánh, đầu tư, tiếp cận nguồn vốn có lãi suất hợp lý, v.v... Hiện nay dù ta có phá giá đồng tiền cách mấy đi nữa, dù có mở thị trường TPP, dù có FTA, v.v... thì cuối cùng người ta có mở cửa thì chúng ta cũng không vào được, vì chúng ta có hàng đâu mà vào, để bán cho người ta?

Phát biểu của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành được trích dẫn ở trên từ phút thứ 34 trong clip này.

Cái đáng sợ nhất của 2 sai lầm lớn ở trên chính là rường cột văn hóa con người Việt đã bị phá vỡ. Đây là một vòng xoắn bệnh lý của kinh tế chính trị Việt Nam khi nào còn mô hình kiến trúc thượng tầng với 2 sai lầm trên. Một quốc gia mà văn hóa đạo đức bị phá vỡ thì quốc gia ấy không thể ngóc đầu được, thậm chí dân tộc bị đồng hóa và lưu vong trên chính tổ quốc mình.

Khi kinh tế kiệt quệ, ắt chính trị phải đổi. Thế thì đổi chính trị để giải phóng sức dân thì kinh tế cất cánh như Hàn Quốc, hay là sẽ chờ sự sụp đổ của Trung Hoa như Liên Xô năm 1989 để mới thay đổi như các quốc gia Đông Âu? Điều này hầu như rất khó xảy ra, ngoại trừ có chiến tranh khu vực giữa Trung Hoa và các quốc gia.

MÔ HÌNH

Tất cả các con đường điều đến La Mã. Tư tưởng do dân, vì dân và của dân là nòng cốt cho mọi tư tưởng dù đi theo thể chế nào, để nhằm giải phóng sức dân, nhằm tự lực tự cường, và hạn chế tha hóa do độc tài của chính quyền gây ra. Lâu nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn nói là chính quyền hiện nay là của dân, do dân và vì dân, nhưng dân không được quyền sở hữu bất kỳ điều gì, ngay cả suy nghĩ của mình.

Việt Nam trong tương lai phải có một nhà nước thực sự được dân yêu, dân nuôi, chứ không phải một nhà cầm quyền chỉ biết ban bố công ơn đến dân, và bắt dân phải gồng mình nuôi nhà cầm quyền như 40 năm qua.

Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 toàn cầu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc tuy diện tích nhỏ, thiếu tài nguyên, đầy hiểm họa thiên nhiên, sống bên bờ biển với Trung Hoa, vẫn cứ hùng cường, mà ngay cả Hoa Kỳ vẫn phải muốn kiềm chế họ quá hùng mạnh, cũng là nhờ vào có một nhà nước sống nhờ dân, một nhà nước đi theo con đường dân giàu nước mạnh. Khi Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế năm 1997, dân Hàn Quốc không bỏ đất nước ra đi như Trung Hoa vài năm nay, mà dân còn tự quyên góp vàng, tiền để cứu lấy đất nước là cũng từ đây mà ra.

Hãy thử đặt câu hỏi, nếu như nhà nước Trung Hoa và Việt Nam rơi vào tình cảnh như Hàn Quốc năm 1997 thì dân sẽ hành động như thế nào? Khi mà hôm nay Nhân dân Nhật báo Trung Hoa đả kích tỷ phú giàu nhất Trung Hoa là kẻ ăn cháo đá bát, và chỉ trong năm 2011 đã có 18.000 quan tham Trung Hoa ôm 130 tỷ đô la trốn ra nước ngoài. Chưa có thống kê nào ở Việt Nam, là các quan tham và dân đã tuồn đô la ra nước ngoài tìm quê hương mới, nhưng chắc chắn là có, khi mà gần đây trang Chân dung quyền lực đã đưa ra bằng chứng rõ ràng.

Để có mô hình của dân, do dân, và vì dân thì việc đầu tiên phải cần làm sau khi đại hội đảng cầm quyền lần thứ 12 kết thúc là phải sửa ngay hiến pháp 2013 mới sửa đổi chưa ráo mực. Sửa cái gì? Sửa ngay chính 2 sai lầm trên đã chỉ ra. Và một thể chế mới cần phải hình thành để giải phóng sức dân. Thể chế mới này cuối cùng sẽ là đa nguyên tản quyền. Nhưng nó phải qua 2 giai đoạn, với một quy trình thời gian tính bằng vài thập kỷ, vì để thay đổi cả một cộng đồng sai lệch không thể ngày một, ngày hai. Có thể tóm tắt 2 giai đoạn đó như sau:

Giai đoạn 1: Đa nguyên tập quyền chỉ khu trú vào an ninh quốc phòng do đảng cộng sản tiếp tục lãnh đạo, nếu người dân còn tin tưởng, với ứng cử và bầu cử công khai có quốc tế kiểm tra. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, nhằm để có một bộ luật chỉnh chu cho một thể chế tiếp theo dẫn đến tam quyền phân lập, và để cán bộ và nhân dân tập trở lại lối sống theo hiến pháp và pháp luật mà lâu nay đã bị xé rào. Nhưng trong giai đoạn này quyền lực thứ tư phải được giải phóng và trao cho dân - báo chí truyền thông - nhằm góp phần kiểm soát quyền lực của nhà cầm quyền trong việc tha hóa và tham nhũng.

Giai đoạn 2: Đa nguyên tản quyền với thể chế tam quyền phân lập, và quân đội làm duy chỉ nhiệm vụ bảo vệ quốc gia, cảnh sát chỉ lo nội và ngoại an. Quân đội và cảnh sát chỉ trung thành với dân tộc và tổ quốc, chứ không trung thành với đảng phái hay bất kỳ giai cấp thống trị nào vì mục tiêu chia phần đất nước. Đến giai đoạn này, đòi hỏi hiến pháp và luật pháp cần phải có những tu chính án bổ sung và sửa đổi.

THỰC HIỆN

Khi tôi đọc Dự thảo báo cáo chính trị đại hội đảng 12, thì thấy cái gì đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng có nêu ra, cũng muốn nó tốt đẹp, nhưng 2 vấn đề lớn để cho những cái đó thành hiện thực thì hoàn toàn mất dạng.

Gần đây ông thủ tướng đã thúc đẩy trao nhanh tự chủ đại học là một việc tốt. Nhưng tự chủ đại học vẫn chưa đủ, vì nó chỉ giải quyết vấn đề kinh tế tự chủ. Cần phải đi đến tự do học thuật, thì mới ra hiền tài và tư tưởng, con đường đi của dân tộc, và mới sửa được kiến trúc thượng tầng.

Công việc thực hiện mô hình để đi đến đích một nước Việt tự lực, tự cường là một quá trình dài nhiều thập kỷ, và rất nhiều việc của nhiều bộ phận cấu thành một chính phủ phải làm, mà 2 bài viết ngắn này chỉ có thể phát thảo khung sườn, nhưng mấu chốt vẫn là một thể chế chính trị huy động lòng dân và sức dân.

Không giải phóng sức dân bằng một nền chính trị đúng quy luật triết học thì chắc chắn nền chính trị Việt Nam hiện nay sẽ hoặc là phải làm chư hầu cho Trung Hoa, hậu quả là dân nghèo, nước yếu; hoặc là nhà cầm quyền tự tay cầm gươm tuẩn tiết là điều không tránh khỏi. 

Để thực hiện tiến trình 2 giai đoạn này nhằm giảm thiểu quốc nạn - ta chính là kẻ thù của ta - và huy động sức dân nhằm đưa đất nước đến chỗ tự lực, tự cường thì, không còn cách nào khác, nhà cầm quyền cần ủng hộ và tạo điều kiện các tổ chức dân sự hoạt động công khai, và thực sự thực hiện nền kinh tế thị trường đúng nghĩa dưới hiến pháp và pháp luật sửa đổi.

Nhà cầm quyền không có gì phải sợ các tổ chức dân sự và giải phóng sức dân khi mà, nhà tù, trường học, bệnh viện, súng đạn và cả nền kinh tế, v.v... đang nằm trong tay của mình. Việc khuyến khích các tổ chức dân sự hình thành và hoạt động công khai, cùng ngồi với nhà cầm quyền để làm việc một cách thực sự cầu thị, không là mối nguy, mà là cơ hội để nhà cầm quyền có được hiền tài thực sự, và huy động sức dân để cứu nền kinh tế, cũng chính là cứu sự sụp đổ của chính nhà cầm quyền tự giết mình, và đưa Việt Nam đến tự lực, tự cường trước hiểm họa Trung Hoa.

Mặc khác, các tổ chức dân sự đã làm việc với Hội đồng An ninh Hoa Kỳ cũng thấy trách nhiệm của mình là, cần đoàn kết, làm ra những dự thảo như một cơ cấu chính phủ, nhằm chuẩn bị cho một Việt Nam hậu cộng sản trong tương lai.

KẾT

Chính trị là nghệ thuật của sự có thể - Otto von Bismarck. Đã đến lúc nhà cầm quyền và người dân - mà đại diện là các tổ chức dân sự - phải dẹp bỏ cái nhìn không thân thiện, mà ngồi lại với nhau xây dựng một Việt Nam tự lực tự cường. Cách đây 5 năm, vào 2010, có lẽ Miến Điện đã từng học hỏi Việt Nam trong cởi trói kinh tế, nhưng hôm nay Việt Nam cần phải học Miến Điện cải cách chính trị để tự tay đảng cầm quyền tháo cái bẫy mà chính mình đã tạo ra.

Asia Clinic, 13h29 ngày thứ Ba, 22/9/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét