XÃ HỘI VÀ NHÀ KHOA HỌC CẦN CÓ GÌ?

Ngày đăng: [Wednesday, May 26, 2010]
Một bài viết cũng được xem là nhạy cảm. Không đăng báo được. Tớ đưa lên blog để mọi người đọc chơi. May mà nghề của tớ không phải là nhà báo. Nếu là nhà báo tớ sẽ chết đói mất. Huhuhu.

Một đất nước muốn phát triển tốt không thể không cần đến các nhà khoa học. Một nhà khoa học đúng tầm thời đại không thể không đứng trên đôi chân và trí tuệ của chính mình. Chỉ có đứng trên chính trí tuệ và đôi chân vững chãi thực của mình, thì nhà khoa học mới có đủ sức vóc đóng góp cho đất nước những yêu cầu thực tế. Ngoài ra, mọi yếu tố không thực đều sẽ dẫn đến những nhà khoa học salon, quan liêu và chạy theo hư danh ảo và thành tích ảo, chỉ góp phần làm chậm, thậm chí phá hoại thành quả của dân tộc và đất nước.

Đất nước chúng ta đang đi vào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của sự phát triển ổn định và vững bền. Hơn lúc nào hết, đất nước đang rất cần một đội ngũ khoa học đích thực, và một xã hội biết đưa ra những nhu cầu thực. Mục tiêu bài viết này mang đến những khái niệm cơ bản cho những nhà khoa học đang làm việc, những nhà khoa học cho tương lai và cái nhìn thực của xã hội cho những nhà khoa học.

Có kiến thức thực về lĩnh vực đang làm việc: Đây là tiêu chuẩn cần và đủ để một nhà khoa học phải có. Thật nực cười khi một người tự cho mình là nhà khoa học với học vị, học hàm rất kêu, nhưng kiến thức về lĩnh vực của người ấy đang làm việc là kiến thức ảo, thiếu hoặc thậm chí không có gì nhờ vào chạy chọt và hợp thức hóa trên giấy tờ. Nhưng khi đi vào thực tế cuộc sống chỉ là những lời hô khẩu hiệu suông và làm như mèo mửa. Lâu nay, tình trạng này không thiếu ở xã hội ta. Đã đến lúc mỗi công dân phải tự trọng với chính mình và biết chịu trách nhiệm với những gì xã hội đã công nhận mình bằng giá trị đích thực, chứ không phải bằng vào hư danh ảo để thực hiện mục tiêu thấp hèn theo bản năng đòi hỏi của một động vật bậc thấp. Muốn vậy, giáo dục phải dạy cho các thế hệ biết chịu trách nhiệm của mình với tất cả những tư duy và hành động của tự mỗi người làm nên.

Có đam mê tìm tòi và cống hiến lĩnh vực đang làm việc: Rõ ràng không đam mê sẽ không đưa mọi tư duy sáng tạo đến đích cần đến. Làm khoa học mà không đam mê lĩnh vực mình làm thì khác nào người trồng rừng mà không có tình yêu thiên nhiên. Đam mê là động lực thúc đẩy một nhà khoa học vượt qua mọi trở ngại khó khăn trên con đường tìm kiếm và sáng tạo. Ngày nay một chỉ số đam mê (PQ: Passion Quotient) đã được nhắc đến cho mọi lĩnh vực chứ không chỉ cho nhà khoa học. Song để đam mê đó đạt đến đỉnh của nó, thì điều kiện cần là vật chất phải đáp ứng đủ cho mọi tư duy không bị chi phối. Lâu nay chúng ta chỉ đòi hỏi ở nhà khoa học lòng đam mê, mà bỏ quên những điều kiện cần cho sự đam mê đạt đến đỉnh điểm của tư duy khoa học. Chúng ta cần nhìn lại cách đối xử với nhà khoa học Việt về môi trường làm việc, về chia sẻ khó khăn vật chất và về cả sự lắng nghe tiếng nói của họ về yếu tố này.

Có đạo đức khoa học: Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất của một nhà khoa học. Nó là điều kiện không những vừa cần mà còn phải đủ để trở thành một nhà khoa học chân chính. Chỉ số đạo đức (MQ: Moral Quotient) đã là thành tố khi xét bất kỳ ai ở thời xa xưa đến thời hiện đại. Ở yếu tố này, đòi hỏi nhà khoa học phải có 2 yếu tố chính cấu thành.

Yếu tố cơ bản đầu tiên không thể thiếu là tính trung thực. Không thể bảo rằng anh là nhà khoa học, nhưng anh không ghi nhận các sự vật, hiện tượng trong khoa học và cuộc sống một cách trung thực. Vì nếu như vậy mọi thành quả của anh làm ra sẽ không có giá trị thực tiễn của cuộc sống, mà thậm chí còn làm lệch lạc cuộc sống theo chiều hướng bóp méo khoa học. Hậu quả của điều này thì thật khủng khiếp biết bao, nếu chúng ta chịu khó ôn lại những gì đã xảy ra trên thế giới loài người từ trước đến nay sẽ rất rõ ràng. Ví dụ các nhà khoa học Trung Quốc thời đại nhảy vọt nghiên cứu chim sẻ chỉ ăn lúa chứ không phải chỉ ăn sâu bọ. Hậu quả điều này đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhân dân Trung Quốc chết đói cả chục triệu người vào thời kỳ ấy.

Yếu tố cấu thành thứ hai trong đạo đức khoa học là khách quan mà không để cảm tính trong quá trình làm khoa học. Mọi cảm tính sẽ dẫn người làm khoa học đi đến duy ý chí và ngõ cụt của sáng tạo. Khi khách quan ghi nhận sự vật hiện tượng trong nghiên cứu và cuộc sống, lúc đó nhà khoa học mới tìm ra những ý niệm mới phù hợp với khoa học và cuộc sống, để phản ảnh đúng với cái nó đang diễn tiến và vận hành. Từ đó giả thuyết mới hình thành và là nền tảng cho mọi phát minh. Nghiệm lại quá khứ, một thời chúng ta đã đặt suy nghĩ thiếu thực tiễn vào những điều chúng ta buộc vận hành xã hội theo chúng ta nghĩ, đã dẫn đến một thời duy ý chí, và ngày nay những tư duy kiểu này vẫn còn tồn tại không phải ít.

Muốn thế, bốn nhân tố tạo ra một nền giáo dục tốt để tạo ra những thế hệ các nhà khoa học chân chính phải tồn tại và có sức mạnh lớn để lấn át những tiêu cực là: bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội phải mẫu mực và là tấm gương cho các thế hệ. Điều này xã hội của chúng ta hiện nay đang thiếu, và đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm với nó.

Biết làm việc độc lập và tập thể có phương pháp: Thời đại toàn cầu với những phát minh bùng nổ, mọi phát kiến và phát minh không còn đơn giản là chỉ của một cá nhân, vì tính chuyên sâu của các vấn đề. Nên để một nhà khoa học có phát kiến và phát minh đòi hỏi tư duy phải độc lập, không phụ thuộc hay ảnh hưởng bỡi các tư duy sáo mòn cũ kỹ. Đồng thời, nhà khoa học ấy phải có khả năng đồng thuận trong một tập thể, để cùng tranh luận đi đến kết quả tốt đẹp. Chỉ số thông minh (IQ: Intellegence Quotient) rất cần cho tư duy độc lập. Nhưng chỉ số đồng thuận (Emotional Quotient) lại rất cần cho làm việc tập thể để dẫn đến thành công trong thời đại mà mọi phát minh không thể chỉ là một cá nhân đơn lẻ như thời trung cổ. Vì vậy, nhà khoa học ngày nay đòi hỏi khó hơn nhiều so với thế hệ trước đây. Mặc dù một số rất ít những ngành khoa học tự nhiên vẫn còn có thể phát minh đơn lẻ, nhưng rất hiếm và hầu hết là của tập thể.

Anh không thể vỗ ngực cho mình là số một trong khoa học với mọi phát minh, nhưng anh không thể hòa nhập và đưa phát minh của mình vào cộng đồng. Cho nên ngoài EQ và IQ, ngày nay còn có một chỉ số thông minh xã hội (Social Quotient). Nó giúp anh nhạy bén với tình hình và xu hướng xã hội để đi đúng hướng và nắm bắt đúng dòng chảy của thời anh đang sống. Đã qua rồi thời kỳ các nhà khoa học chỉ biết ngồi trong phòng lab và lập dị mà phải biết hòa mình với cộng đồng xung quanh. Đó là một nhà khoa học biết làm việc có phương pháp đúng với thời đại.

Phải liên tục rèn luyện: Đây là yếu tố miễn bàn nhiều cho một nhà khoa học chân chính. Tôi chỉ nói đến nhà khoa học cần rèn luyện gì? Rèn luyện tính đam mê, tính cần cù, kiên nhẫn, đạo đức khoa học và hoạt động trí não là những việc cần phải có. Không chịu rèn luyện những đức tính này việc bỏ cuộc chơi khoa học là điều không tránh khỏi.

Trang bị một tư duy triết học: Hầu hết các bài bản trước đây ít ai nhắc đến vấn đề triết học có vai trò quan trọng như thế nào với nhà khoa học. Mặc dù, định nghĩa triết học là môn khoa học chung nhất, là nền tảng cho các khoa học khác. Triết học nghiên cứu về các sự vật hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhằm tìm ra các qui luật của các đối tượng nghiên cứu. Một nhà khoa học sẽ khó lòng thành công và trở nên lổi lạc nếu không tự biết trang bị cho mình triết học theo đúng nghĩa khoa học triết học. Tư duy triết học giúp nhà khoa học tìm ra bản chất của một vấn đề qua hiện tượng của nó. Thật sai lầm khi làm khoa học mà không hiểu biết gì về triết học. Chúng ta cần nhìn lại cách phổ biến triết học đến đội ngũ những nhà khoa học như lâu nay đã đúng nghĩa khoa học của nó chưa hay vì một nghĩa khác vì mục đích khác.

Cuộc sống sôi động và hiện đại cần những nhà khoa học chân chính với tầm vóc của thời đại. Không thể vì bất cứ lý do gì làm mất những đòi hỏi căn bản như đã nói ở trên. Và chúng ta cần hiểu nó sâu sắc để nhìn lại một cách trung thực những tha hóa và tiêu cực xã hội, thông qua đó mà có cái đích phấn đấu cho nền giáo dục và khoa học nước nhà.

BS Hồ Hải, viết xong 15h20’ ngày 25/5/2010 - Tư gia 21h39' ngày 26/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét