ÔNG TỐ HỮU

Ngày đăng: [Monday, October 05, 2009]

Hôm qua, người ta làm khánh thành nhà lưu niệm ông Tố Hữu tại tư gia của ông. Người đã có công rất lớn trong việc định hướng tư tưởng và văn hóa nước nhà. Những việc ông làm không chỉ có thơ. Việc lớn nhất ông làm cho tổ quốc và dân tộc Việt là ông đã đưa được việc định hướng tư tưởng các thế hệ Việt Nam ở miền Bắc sau 1954, và cả nước sau 1975 là: tất cả mọi lĩnh vực ngành nghề trong cuộc sống phải có chính trị và tính chiến đấu, để phục vụ cho công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước mà không được phép xao lãng một phút giây.

Việc ông làm lớn như Maxim Gorki bên Nga, và có thể còn lớn hơn khi hôm nay trong tất cả các trang sách học trò, báo chí và các phương tiện truyền thông khác đều vẫn còn tăm tắp vâng theo. Quả là một con người vượt tầm thời đại, đáng kính nễ và đáng để được suy tôn cả hai nghĩa đúng và sai, vì cho tới hôm nay ảnh hưởng tư tưởng của ông không phải không còn ở hầu hết các lĩnh vực.

Xét về mặt giải phóng và thống nhất đất nước, ông Tố Hữu đã có công rất lớn, không ai chối cãi được. Trong đó công lớn nhất đến nay vẫn còn tranh cãi là ông dẹp được Phong trào nhân văn giai phẩm. Và định hướng trong giáo dục phải đưa chính trị vào mà nó còn ảnh hưởng cho đến hôm nay.

Xét về mặt ảnh hưởng của ông cho những khủng hỏang kinh tế thời ông làm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng (mà ngày nay tương đương chức phó thủ tướng thường trực) thì cũng không nhỏ hơn. Nhưng chính nhờ ông đóng góp phần lớn vào việc khủng hỏang kinh tế đất nước cuối thập niên 1980 với chính sách "Giá-Lương-Tiền" mà đảng Cộng sản Việt Nam đã biết cỡi trói ra khỏi kinh tế bao cấp và áp dụng kinh tế thị trường của miền Nam do Việt Nam Cộng hòa để lại. Nhờ ông sai mà đất nước có cơm ăn một chút ngày hôm nay. Nếu không có ông thì không thể thấy cái thành công cởi trói kinh tế của ông Võ Văn Kiệt. Suy cho cùng ông cũng có công để "Cùng tắt biến" như trong kinh dịch mà người ta vẫn thường hay nói.

Xét về mặt tư tưởng, nếu nước nhà không có ông thì sẽ khó lòng có bao thế hệ đổ máu vì sự nghiệp độc lập dân tộc.

Ngòai ra, khi người ta quan niệm giáo dục là cung cấp cho các thế hệ bằng một tư duy độc lập, sự trung thực và một kiến thức tổng quát, để chọn một hướng đi đúng cho từng đối tượng cụ thể. Ông Tố Hữu thì làm ngược lại. Nếu không có ông thì, giáo dục nước nhà không có khủng hỏang như ngày nay. Vì khi các thế hệ lãnh đạo kế tiếp ông, nếu họ có đủ trí và có đủ tầm thì sẽ thay đổi định hướng tư tưởng và văn hóa của ông. Như vậy hôm nay đâu đến nỗi giáo dục xấu đi như thế này?

Suy cho cùng thế hệ sau ông chưa có ai bằng ông. Nếu họ bằng ông thì họ đã thay đổi tư duy giáo dục của ông cho đúng thời hòa bình, chứ không giữ nguyên xi phiên bản mà ông Tố Hữu đã sao y bản chính về Việt Nam của ông Stalin mà, bài bản đó đã được Mao cụ thể hóa cho các nước đi theo Cộng sản của châu Á noi theo. Ít ra thì họ cũng không làm được cái công việc sao y bản chính mà là sao y bản chính cái đúng với thời đại của họ, như ông đã làm.

Trên bình diện quốc gia ông đáng để được làm nhà lưu niệm cho các thế hệ sau nhìn ông mà học cái hay lẫn cái dở để còn lo cho nước, cho dân. Đáng lắm thay. Riêng tôi, tôi nhớ đến ông là tôi nhớ đến những vần thơ rất bình dân, nhưng rất bác học của ông. Trong đó bài tôi nhớ nhất là bài: "Đời đời nhớ ông" khi ông Tố Hữu làm để ca ngợi ông Stalin vào tháng 3 năm 1953 trong tập thơ Việt Bắc. Trong bài thơ này 2 câu thơ mà tôi thán phục ông nhất khi ông đạt đến đỉnh cao thời đại khi ca ngợi 1 con người:
"Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!"

Nhớ ông Tố Hữu rất, lắm, quá.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét