NƯỚC VIỆT HẰNG TUẦN 5

Ngày đăng: [Friday, May 14, 2010]
Hôm nay phải xong bài này vì bắt đầu tuần này Sài Gòn cúp điện 2 ngày một tuần, mỗi ngày 5h và vài ba lần đột xuất, mỗi lần 1-2h. Tuần này ở khu vực clinic của tớ cúp thứ hai đầu tuần và chúa nhật. Tình hình thời tiết nắng hạn khủng khiếp không biết vì đâu? Kẻ thì bảo el nino và la nina. Người thì cho là do con người tàn phá môi sinh, nên nắng hạn kinh hồn. Nhưng theo dự đoán thì tháng 5 sẽ giảm căng thẳng vì thiếu điện. Song tháng 5 đã đi gần nữa chặng đường, mà Sài Gòn chưa thấy có mưa thực sự. Khí trời nắng nóng đi đôi với tình hình trong nước cũng nóng lên trên tất cả các các lĩnh vực.

Nóng nhất trong tuần là vấn đề giáo dục. Vấn nạn đạo văn vẫn là đề tài người ta phải rùng người khi một GS TSKH (viết tắt chữ: Gà Sống Tay Sờ Không Hát, chứ không phải giáo sư tiến sĩ khoa học), người đã từng nắm chức vụ lớn trong hội đồng xét duyệt phong tặng học hàm giáo sư cho cả nước cũng "biết đạo văn". Như vậy là căn nhà giáo dục quốc gia dột từ nóc đã hơn thập kỷ qua chứ không phải bây giờ. Hậu quả của những con số, chỉ tiêu ảo phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Suy cho cùng tớ thấy, đất nước mình bây giờ thế là bắt đầu thời kỳ tốt đẹp. Vì những chuyện như thế này cách đây chỉ vài năm đố ai dám nói, chứ đừng hòng được đưa lên báo như bây giờ.

Đã thế tuần này báo hiệu một sự khủng hoảng lớn về giáo dục công lập, khi một trường có truyền thống và thâm niên được xây dựng trước năm 1975 ở miền Nam. Nó đã có công rất lớn trong nền nông, lâm, ngư nghiệp cho nước nhà trong suốt 4 thập niên qua, bắt đầu rịu rã. Là đầu tàu của cả nước để làm nên cái máy đẻ, đẻ ra những kỹ sư nông lâm súc sản và những "bác sĩ chó" như lời ông bạn vong niên của tớ thường ví von - trường đại học Nông Lâm Ngư là hậu duệ của trường Nông Lâm Súc của chế độ VNCH để lại. Họ tự hào truyền thống, khi họ từ chối sống chung với đại học quốc gia TPHCM. Bây giờ trò thuê luật sư để đấu với thầy và nhân viên đình công, bỏ việc lớn nhất chưa từng thấy ở một đại học của Việt Nam từ trước đến nay. Nguyên nhân thế nào có trời mới biết. Không biết ngôi trường rồi sẽ ra sao, nhưng hy vọng những cựu sinh viên một thời trước 1975 sẽ vì nghĩa cả mà về đây chung tay, góp sức xây lại truyền thống lừng lẫy một thời. Với điều kiện chính phủ phải có tầm và tâm đúng mực, chứ đừng màu mè chính trị, chính em.

Tôi còn nhớ mãi câu nói của bà khai quốc công thần, một thời làm bộ trưởng giáo dục những ngày đất nước mới thống nhất: "Thời kỳ số lượng đã qua, bây giờ giáo dục phải bước vào thời kỳ chất lượng" - câu nói của bà Nguyễn Thị Bình của năm đầu thập niên 1980s, bây giờ bỏ ngõ. Khi người ta vẫn còn đào tạo những học vị, học hàm theo thời kỳ chiến tranh, để có những loại tiến sĩ như ông diễn viên làm chính trị này, để đạt chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ thì làm sao giáo dục nước nhà khá lên được? Hình ảnh ông diễn viên được đào tạo chuyên tu thấy đầy ở tất cả các ngành nghề trên cả nước. Biết khi nào mới bỏ được đây? 

Một nền giáo dục mà ở đó, nếu không lấy được học vị ở bộ giáo dục và đào tạo, người ta sẽ nhảy sang bộ văn hóa để lấy, nếu không nữa thì lấy ở một bộ khác. Tôi còn nhớ kỷ niệm của mình khi làm dùm luận án tiến sĩ cho một vị chuẩn bị ngồi vào ghế nóng của một bệnh viện lớn nhất cả nước, khi người ấy đụng vì đấu đá, nên bộ giáo dục không chịu thông qua đề tài. Người ấy nhảy sang bộ đại học và trung học chuyên nghiệp để làm (lúc ấy 2 bộ này chưa sát nhập). Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa, nhưng toàn là sãi ma, mà không tìm ra sãi Phật. Thế thì giáo dục loạn là điều không ngạc nhiên, khi bảng tổng kết xếp hạng tuần này của các đại học chấu Á, chưa thấy các trường đại học Việt nằm trong top 200 của khu vực theo xếp hạng đại học chất lương, chứ không phải đại học nghiên cứu như mơ ước của các nhà dẫn dắt tương lai giáo dục Việt, giấc mơ top 200 thế giới sẽ về đâu?

Hãy bỏ nỗi buồn giáo dục, chúng ta sang kinh tế để có chút niềm vui, dù vẫn có nỗi buồn. Vui nhất về kinh tế là tuần qua nước mình được tụi G20 mời tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Toronto. Không biết đây có phải là cú vuốt ve chính trị giống như người Thái được mời năm ngoái ở Copenhagen không? Bên cạnh niềm vui ấy, việc Việt Nam đặt hàng với hãng Lockheed Martin cho vệ tinh thứ hai vì nhiệm vụ đa năng của nó. Doanh số bán ra xe hơi của Việt Nam cũng gia tăng. Tất cả là 2 mặt của một vấn đề cần suy nghĩ, trong khi khoảng cách giàu nghèo xã hội ngày càng gia tăng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm giá vàng tuần qua tăng đột biến. Giá vàng trong nước cũng không thể không tăng, mà tăng từng phút, nếu khống muốn cạn nguồn dự trữ vàng quốc gia. Đã thế hôm qua đến nay, giá đô la Mỹ cũng bắt đầu tăng nóng. Mọi năm đến dịp hè đô la Mỹ luôn tăng. Dù là có tạm ứng tương lai như một nhà báo viết bài tuần qua để giải thích tại sao giá đô la chợ đen thấp hơn ngân hàng. Tại sao vào dịp hè đến đô la Mỹ bắt buộc phải tăng? Câu hỏi này thì khó hiểu với bà con nước ngoài, nhưng là không khó với dân Việt trong nước. Có nhiều lý do để tăng, đáo hạn vay vốn các doanh nghiệp nhập khẩu, chuẩn bị đóng tiền du học sinh, etc... Một nền kinh tế đi tắc đón đầu bằng gia công lắp ráp không thể ngăn được những đòi hỏi của thị trường cần đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển. Đó là điều tất yếu trong qui luật kinh tế thị trường tự do, dù kinh tế thị trường nước ta đang còn trong thời kỳ hoang sơ.
Hình ảnh một tòa cao ốc chung cư-văn phòng mới mọc lên giữa thành phố được xây dựng sát với lề đường, vì tiết kiệm đất vàng, không một bóng cây xanh. Lấy đâu ra yếu tố để bảo vệ môi sinh?

Về y tế, nắng nóng bắt đầu phát huy tác dụng khi dịch bệnh gia tăng khi thời tiết và hủy hoại môi sinh do con người gây ra ủng hộ cho việc ủ mầm bệnh. Các bệnh mà bà con cần lưu ý trong tháng và sắp đến là dịch tả, sốt xuất huyết, Rubella, quai bị, thủy đậu và sởi. Chúng đang và đã ập đến từng nhà trong những trường hợp đến khám tại clinic của tớ. Nên thông báo cho bà con được rõ.

Về ngoại giao, tuần qua chúng ta đã có cuộc họp mở rộng và các người lãnh đạo quốc phòng trong khối Asean. Đây là cột mốc rất quan trọng trong chiến lược ngoại giao giữ vững vị thế an ninh khu vực. Nếu chúng ta có một chiến lược tốt như thế này, hy vọng trong tương lai gần không phải ai muốn gây sự với chúng ta là dễ như lâu nay. Đây là điểm sáng nhất trong tuần.

Cuối cùng là chính trị, tuần qua lắm chuyện nhạy cảm trên thế giới ảo. Tháng trước một blogger chuyên liệt kê tin tức hằng ngày đã lặng yên từ giã không thông báo với mọi người. Tuần này một blogger đình đám thông báo rút lui. Theo hiểu biết của tớ, hai bloggers này là những bloggers có số má nhất trong hệ thống chính quyền. Họ đã ra đi, tớ không biết mình có nên tiếp tục loạt bài "Nước Việt hằng tuần" nữa hay không? Nếu bà con thấy nó không còn hiện diện nữa thì bà con cũng nên thông cảm cho tớ. 

Sắp đại hội đảng toàn quốc, bà con chú ý thời sự 5-10 phút đầu tiên trên VTV mỗi tối và chương trình tiêu điểm VTV hằng tuần lúc 21h mỗi tối thứ ba. Ở đó, nói lên nhiều điều để ta suy nghĩ. Thôi tớ xin dừng.

Chúc bà con một cuối tuần tràn đầy hạnh phúc và sức khỏe cho một tuần mới vật lộn với kiếp mưu sinh trong tình hình đầy biến động.

Asia Clinic, 8h55' ngày 14/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét