NGHĨ VỀ VIỆT NAM THÔNG QUA NHẬT BẢN

Ngày đăng: [Wednesday, March 16, 2011]
Hồi cuối thập niên 1990s, khi còn làm cho nhà nước, mình có được làm việc chuyên môn với một bác sĩ trưởng đoàn của JICA - Minuro Akiyama (山秋) - theo anh ta họ Akiyama của anh có nghĩa là mùa thu, còn tên anh ta có nghĩa là ngọn núí. Không biết về mặt chiết tự ý nghĩa cái tên có xác suất giống người hay không? Nhưng kinh nghiệm cho mình thấy cái tên con người luôn gắn liền với người. Tính tình của Akiyama điềm đạm nhẹ nhàng như cơn gió mùa thu, và vững chắc như thế ngồi của núi

Thông qua Akiyama mà mình hiểu nhiều về người Nhật. Một dân tộc đáng kinh trọng trong tư duy và hành động. Họ trở thành một cường quốc như ngày nay là điều không có gì phải ngạc nhiên. Hộ luôn cúi mình chào hỏi rất thấp, nhưng mọi quyết định luôn ngẩng cao đầu. Chỉ cái bắt tay siết chặt cũng tỏ ra sự quyết tâm và nhiệt huyết trong công việc. Một đoàn tái thiết công trình bồi thường chiến tranh - cụ thể là BVCR - chỉ có 3 con người thường trực, trong đó có trưởng đoàn, và 2 nhân viên luân phiên để làm việc, thực chất là thực tập. Nhưng họ đã làm nên bộ mặt của BVCR ngày nay.

Mình làm việc với BS Akiyama trực tiếp bằng công trình phẫu thuật triệt để Nang đường mật ở người lớn (Radical Surgical Treatment of Bile duct Cyst in adults). Một phẫu thuật bằng mở bụng, mà đến những năm 1990s ở Việt Nam chỉ mới làm ở trẻ em do một đàn anh ở BV Nhi Đồng II - BS Đinh Trọng Việt - thực hiện. Anh Việt bây giờ đã định cư ở Mỹ, cũng là một người anh có tài, có đức, nhưng lỡ vận.

Ba hôm nay, thông tin cứ đổ về dồn dập câu chuyện thiên nhiên nổi giận với đất nước mặt trời mọc. Tự dưng lòng thấy xót đau. Cái xót của một người bạn vẫn canh cánh bên lòng nỗi đau của một người bạn. Tôi vội vàng tìm tung tích của Minuro Akiyama. Và thấy anh vẫn còn miệt mài với đất nước ta trong công cuộc tài trợ về y tế của JICA.

Người Nhật, họ không chỉ thuyết phục bằng sức mạnh của người tài trợ, mà họ còn thuyết phục cán bộ y tế Việt bằng sự làm việc cần mẫn, hiệu quả bằng chuyên môn bài bản và uyên bác của mình. Họ biết tiếng Việt rất sỏi, họ hiểu văn hoá sống và làm việc của cán bộ ta rất rành. Nhưng họ chỉ dùng tiếng Anh để giao dịch tất cả mọi vấn đề. Họ chỉ trao đổi nhau bằng tiếng Việt với những anh em thân tình sống với nhau đơn thuần về mặt chuyên môn. Thế mới thấy hết khả năng của những người vác chuông đi đánh xứ người. Hồi ấy, anh Akiyama chỉ 42 tuổi, chưa lập gia đình, nên các bậc thầy Việt Nam, ban đầu có biểu hiện coi anh là tuổi trẻ. Nhưng chỉ sau 1 năm làm việc, mọi dèm pha, nghi ngờ đều tan biến.

Từ đó đến nay, dù không còn liên lạc nhau, nhưng mình vẫn trăn trở trong lòng một điều duy nhất: Phải chi người Việt mình chỉ cần học được phong cách làm việc của người Nhật thì hay biết mấy? Mình tiếp xúc cũng rất nhiều thế hệ doanh nhân Việt có tiếng, nhưng phong cách vẫn chưa xem thời gian là quý báu.Khi ai biết rằng mình bây giờ, làm việc không ngày nghỉ, họ đều cho rằng mình dại. Cũng rất đúng, nhưng nếu bất kỳ ai là dân Việt có được tác phong làm việc miệt mài từ công sở đến tư doanh thì nước Việt không thế có những hiện trạng rất đau lòng như hiện nay. Biết bao giờ đất nước và dân tộc Việt mới có cái cúi thật thấp khi chào nhau, nhưng luôn tự tin ngẫng cao đầu khi đương đầu với mọi thử thách như người Nhật?

Mấy hôm nay báo chí lá cải liên tục đưa tin về tình hình nổ các nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Sendai. Hôm qua có một thân chủ hốt hoảng gọi điện cho mình vì trên mạng internet truyền tin cho nhau là chất phóng xạ đã phát tán. Mình bảo nên đọc bài này của TS Joseph Oehmen: Why I am not worry about nuclear reactors. Vì sau khi đọc bài này mình thấy an lòng cho dân tộc và đất nước Nhật Bản. Một dân tộc cần mẫn, kiên cường luôn tự tin sống trên con thuyền chòng chành, nhưng đáng kính.

Chúc cho nước Nhật bình an và vững chải tiến về phía trước sau những gì mà thảm hoạ thiên nhiên đã giáng xuống trong những ngày qua.

Asia Clinic, 10h00', ngày 16/3/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét