NGÀNH Y VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI GÌ? PHẦN II: MỤC TIÊU

Ngày đăng: [Tuesday, November 17, 2009]
 Bài liên quan:
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quan niệm 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý dược
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Bảo hiểm y tế 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Đào tạo 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Phân bổ và đãi ngộ

Trước khi nói về thay đổi mục tiêu ngành y tế, chúng ta cần phải thấy tất cả các ngành y tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có nước ta  - đều vì phục vụ cho người bệnh. Chỉ có con người vì một lý do nào đó làm cho mục tiêu ngành y tế đi chệch hướng. Nhưng có lẽ lý do đầu tiên, ở các nước tiên tiến quan niệm về ngành y và ngành giáo không cảm tính và đòi hỏi như ở Việt Nam. Có thể là nguyên nhân từ văn hóa duy tình, làng xã và từ ảnh hưởng văn hóa Khổng Nho. Chính vì quan niệm rạch ròi mà ở các nước tiên tiến cho rằng mục đích của ngành y và ngành giáo là phục vụ cho đối tượng được hưởng. Tức là: giáo dục phải vì học sinh. Y tế phải vì người bệnh. Lấy đối tượng hưởng về giáo dục và y tế để làm trung tâm. Tất cả mọi hoạt động, dịch vụ phải xoay quanh học trò và người bệnh.

Với giáo dục thì chủ yếu đào tạo ra những thế hệ biết tư duy độc lập, phục vụ cho học trò, không vì mục tiêu khác chen vào. Với y tế thì quyền lợi của người bệnh là trên hết. Vì vậy cho nên cái tên của Bộ y tế Mỹ không chỉ đơn thuần là bộ y tế như Việt Nam mà nó có tên là dịch vụ con người và sức khoẻ. Có người bảo rằng vì kinh doanh nên Mỹ mới có cái tên là bộ cung cấp dịch vụ con người và sức khỏe. Thế nhưng, ở Mỹ không chỉ có những bệnh viện chỉ biết tính tiền để bán cái dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn có những nhà thương thí cho người nghèo, vô gia cư không có tiền lo thuốc thang và viện phí. Thậm chí các bác sĩ ở những nhà thương thí lại có chuyên môn và đạo đức cao hơn ở những nhà thương lấy tiền. Họ đến đây để làm việc thiện nguyện và vì cho cộng đồng.

Như vậy, từ quan niệm cung cấp một dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm cho mục tiêu của các ngành y tế của các nước có khác nhau. Mặc dù bất kỳ ngành y tế nào cũng vì mục tiêu là người bệnh thân yêu. Nhưng trong phong cách phục vụ người bệnh, đãi ngộ giới làm nghề y và qui định pháp luật đối với giới làm nghề y cũng có khác nhau rất rõ.

Ở các nước có quan niệm y tế là ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe xem bệnh viện là khách sạn chăm sóc sức khỏe. Vì người bình thường không bệnh mà còn ở khách sạn khi mỗi lần đi du lịch, nghỉ ngơi. Không lý do gì người bị bệnh lại không được chăm sóc tại một nơi có dịch vụ chăm sóc như du lịch và điều trị tốt. Nhưng ở nước ta thì khác, khi khỏe đi du lịch thì được chăm sóc như vương giả. Nhưng khi bị bệnh thì nằm giường đôi, kể cả hành lang, ồn ào, nóng nực và còn chịu sự gắt gỏng của nhân viên y tế. Tất cả những bất cập trên không phải vì chúng ta thiếu đầu tư y tế mà do chúng ta thiếu trình độ quản lý y tế chuyên nghiệp và thiếu tư duy duy lý trong quan niệm và mục tiêu của nghề y trong xã hội.

Ở xã hội tiên tiến bệnh viện nào tính tiền cho người bệnh là chỉ tính tiền. Không bố thí. Cơ sở y tế nào là nhà thương thí là cho tất cả. Không có chuyện nhập nhằng lẫn lộn như ta. Trong bệnh viện công lại có khoa dịch vụ cao cấp thu tiền cao hơn mức bình thường, được ưu đãi khu nằm điều trị với điều kiện tốt hơn. Nhưng không bệnh viện nào có điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Dĩ nhiên, bây giờ nhờ vào cái gọi là xã hội hóa y tế đã có những bệnh viện tư nhân thu viện phí cao với điều kiện dịch vụ cao cấp. Nhưng cần phải làm lại một cuộc cách mạng trong quản lý cho đồng đều hơn ở các cơ sở khác nhau. Công ra công, tư ra tư, thu tiền thì dịch vụ phải cao. Và có những nhà thương thí phục vụ cho người nghèo. Không nên vì giá dịch vụ thấp mà lại dẫn đến lương ngành y tế thấp để rồi nhập nhằng ngay trong lòng bệnh viện thu viện phí thấp lại có khoa dịch vụ cao cấp thu viện phí cao để gọi là tăng thu nhập cho nhân viên. Nhưng đó lại là cái sân sau của cán bộ quản lý bệnh viện, là điều kiện để tha hóa đạo đức của giới làm y. Và như thế là tạo ra một sự bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Và vì thế nên theo WHO (World Health Organization: tổ chức y tế thế giới) ngành y tế của chúng ta xếp thứ 183/194 về công bằng về chăm sóc sức khỏe của người dân. Một vị thứ không thể nói lên lời, trong khi cập nhật y tế nước ta không tồi. Không nên để tình trạng trong cùng 1 bệnh viện có người được ưu đãi như vua, còn người khác thì phải đi xin ăn từng bữa như lâu nay. Đó là sai nguyên tắc nhân hậu của ngành y và là mất đạo đức, công bằng trong đối xử về quyền con người.

Khi duyệt bất kỳ một dự án thành lập bất kỳ bệnh viện nào, bộ phận duyệt dự án đều yêu cầu bệnh viện đó bắt buộc phải có 10% giường bệnh dành cho người nghèo không có khả năng chi trả. Nhưng tôi chưa thấy bất kỳ bệnh viện nào có được con số cơ hữu đó cho những người nghèo. Ai kiểm tra việc này? Hay là nó chỉ nằm trên giấy? Và việc này đúng hay sai? Một điều cần suy nghĩ về việc cơ cấu và quản lý ngành y của nước nhà.

Có người bảo là không làm được với ý tưởng của cậu đâu. Nhưng từ thời Pháp thuộc, họ xem dân ta là nô lệ và mọi rợ, nhưng họ vẫn có nhà thương thí cho dân nghèo không có khả năng chi trả. Tại sao thời đó làm được, bây giờ không làm được? Và hiện nay ở nước ta vẫn có mô hình này tồn tại. Vậy thì nguyên nhân từ đâu? Tôi sẽ nói ở phần 3, về vấn đề hệ thống quản lý y tế nước nhà.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét