HỌC HÀM TRONG GIÁO DỤC

Ngày đăng: [Sunday, February 21, 2010]
Thiển nghĩ, vấn đề cần bàn tiếp theo là học hàm trước khi bàn về học vị. Theo tự điển tiếng Việt học hàm là cấp bậc người nghiên cứu giảng dạy bậc đại học, ở các viện nghiên cứu. Thế nhưng, có lẽ đó là định nghĩa lấy từ các nước theo hệ thống giáo dục Anh-Mỹ. Ngoài ra, một số nước có nền giáo dục thuộc địa của Pháp-Bồ thì lại khác. Ví dụ ở một số nước như Việt Nam dù trước hay sau 1975 người ta vẫn  phong tặng các giáo viên ở bậc trung học lâu năm học hàm giáo sư.

Do tính lịch sử, văn hóa và sự hiểu biết cũng như thể chế của mỗi quốc gia mà nảy sinh ra mục tiêu giáo dục có khác nhau, và có tiêu chuẩn phong tặng học hàm trong giáo dục, nghiên cứu có khác nhau. Về tiêu chuẩn phong tặng cụ thể như thế nào thì đã có rất nhiều tham luận. Ở đây tôi chỉ muốn nhìn về mặt vĩ mô các loại hình phong tặng học hàm trên thế giới để có cái nhìn duy lý và chính xác.

Ở các nước có mục tiêu giáo dục là cung cấp cho các thế hệ một tư duy độc lập và phản biện (critical thinking), học hàm sẽ là kết quả của sự đóng góp của một cá nhân với sự nghiệp trồng người cho sự phát triển của toàn nhân loại. Nó do hội đồng giáo sư của các trường, viện quyết định và phong tặng. 

Đối với các nước mà mục tiêu giáo dục là công cụ phục vụ cho giai cấp cầm quyền, không cần tư duy độc lập và phản biện. Học hàm là kết quả của sự đóng góp của một cá nhân với sự nghiệp trồng người phụ vụ cho giai cấp thống trị. Nó được do hội đồng nhà nước quyết định và phong tặng, mà đại diện là người đứng đầu nhà nước. Hay nói một cách khác là: Mặc dù có hội đồng xét duyệt giáo sư đàng hoàng, nhưng chữ ký cuối cùng trên giấy chứng nhận giáo sư là người đứng đầu của một nước.

Dù là do hội đồng giáo sư phong tặng hay do hội đồng nhà nước phong tặng thì đều có những khiếm khuyết nhất định của nó. 

Ví dụ câu chuyện gần đây ở Mỹ, tại Oklahoma University (OU) có chuyện bà Amy Bishop bắn chết 3 vị giáo sư và 3 đồng nghiệp trong lúc họ đang xem xét phong học hàm cho bà. Câu chuyện như thế nào pháp luật Mỹ sẽ tìm ra, nhưng không thể không có khiếm khuyết trong hội đồng xem xét phong tặng học hàm giáo sư của OU.

Còn với cách phong tặng học hàm kiểu như của Việt Nam lâu nay là do hội đồng nhà nước phong tặng. Nó có những tiêu chuẩn ngoài tiêu chuẩn về giáo dục và nghiên cứu. Trông có vẻ khó khăn hơn cách phong tặng học hàm của loại chỉ xét về tiêu chuẩn giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng soi lại thì không thiếu những bất cập vì có người thì hả hê được phong tặng học hàm khi kiến thức chưa chín. Kẻ thì ngậm đắng nuốt cay sau bao năm miệt mài với sự nghiệp trồng người, kiến thức uyên bác nhưng không bao giờ được phong tặng. Hậu quả là trường đại học thiếu giáo sư giảng dạy và đỡ đầu cho nghiên cứu.

Dù là ưu hay khuyết điểm như thế nào thì ngày nay thực tế của sự nghiệp giáo dục ở các nước đã chứng minh hùng hồn rằng mục tiêu giáo dục nào ưu việt hơn và cho ra sản phẩm tốt hơn để góp phần vào thay đổi cuộc sống xã hội về mọi mặt.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên thay đổi mục tiêu giáo dục để tốt hơn hay là vẫn giữ mục tiêu giáo dục như lâu nay? Và những bất cập giáo dục cứ sữa nhưng vẫn sai và không bao giờ tốt được như 20 năm với hơn 4 lần cải cách giáo dục, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu hiểu biết về xây dựng nền giáo dục chuẩn quốc tế. Và tệ nạn di tản giáo dục đang xảy ra làm không những hao tốn tiền của người dân mà còn tốn kém ngân quĩ quốc gia vì những cải cách cứ mãi loay hoay mà không bao giờ đúng được. Tôi sẽ viết học vị trong topic sau.

Asia Clinic, 17h35' ngày 21/02/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét