HOA MỸ MÚA MAY

Ngày đăng: [Wednesday, January 26, 2011]
Lại một bài viết của ông Nguyễn Xuân Nghĩa về tình hình quan hệ Hoa-Mỹ và tranh chấp vị trí số 1 toàn cầu, trong đó có biển Đông của Việt Nam. Tuy nó được viết hồi tháng 8/2010, nhưng nó lại có những tiên đoán rất chính xác về ngoại giao Hoa-Mỹ và sự cần thiết của khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ, đã làm nên một năm ngoại giao của Việt Nam rất thành công, như tôi đã viết trong bài: 19/01/2011 và chiến lược 10 năm. Hôm nay xin giới thiệu với mọi người để có cái nhìn chính xác về cuộc gặp gỡ giữa 2 ông Hồ Cẩm Đào và Obama trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua. Ngoài ra bài này cũng làm rõ cho bài viết mới nhất của ông về tình hình quốc tế sau cuộc họp thượng đỉnh Hoa-Mỹ vừa qua: Địch bình yên - Quân ta vô sự của ông ngày hôm qua. Nó cho thấy rằng mối quan hệ keo sơn Hoa Mỹ phát triển tốt nhất khi đảng dân chủ nắm quyền nước Mỹ. Qua đó, hễ cứ đảng dân chủ lên ngôi ở nước Mỹ thì Trung Quốc thực hiện con bài lấn tới trên toàn cầu.

HOA MỸ MÚA MAY
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 20100814

Quanh nồi súp lưỡi bò của Bắc Kinh...

Nhân chuyến Mỹ du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào ngày 19 tháng Giêng 2011, hãy nhìn lại một số yếu tố trình bày từ năm ngoái...

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể hủy chuyến thăm viếng Hoa Kỳ vào tháng Chín tới đây. Nguồn tin từ các nhà ngoại giao Bắc Kinh tiết lộ như vậy. Lý do chính thức là vì các cấp ở dưới chưa thống nhất ý kiến về các hồ sơ sẽ thảo luận. Không mấy ai tin vào lý do ấy. Nhưng việc lãnh tụ Bắc Kinh không tới Mỹ trong năm nay dù đã được Tổng thống Obama chính thức mời từ tháng 11 năm ngoái thì có khá nhiều lý do. Mà toàn là chính đáng!  

Hãy nói từ chuyện cơm áo gạo tiền qua công ăn việc làm trước khi nhìn vào quyền lợi lâu dài của hai nước...

***

Tháng Bảy vừa qua, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc tăng vọt 170%, lên tới 29 tỷ đô la trong có một tháng, nhờ xuất cảng tăng mà nhập cảng lại giảm. 

Nhìn từ bên này đại dương, đấy là chuyện không vui cho nước Mỹ, nhất là trong một năm bầu cử. 

Trung Quốc đạt xuất siêu lớn, Hoa Kỳ lại bị nhập siêu nặng, thất nghiệp vẫn cao và đà hồi phục kinh tế thì đình trệ, khiến Ngân hàng Trung ương phải tung biện pháp cấp cứu trước sự lúng túng của Chính quyền Obama. Trong một ngày Thứ Tư 11 tháng Tám thị trường chứng khoán mất tiêu những gì đã thu được từ đầu năm. 

Ngay từ đầu năm, ông Obama đã nói đến chiến lược gia tăng xuất cảng gấp đôi và tạo thêm hai triệu việc làm trong năm năm. Chiến lược ấy được ông long trọng công bố vào Tháng Ba và mặc nhiên đặt hai xứ vào vị trí đối nghịch về quyền lợi: Trung Quốc phải mua thêm hàng của Mỹ và chấm dứt trợ cấp xuất cảng bằng hối suất quá rẻ của đồng Nhân dân tệ.

Nói vậy cho cứng, Chính quyền Obama sau cùng lại mềm xèo và trì hoãn việc trả đủa thêm ba tháng để Bắc Kinh có thời giờ điều chỉnh hối suất. Trước Thượng đỉnh G20 vào cuối Tháng Sáu, Bắc Kinh bày tỏ thiện chí, điều chỉnh thật - mà là giả, chỉ có gần 1% trong hai tháng! Hôm Thứ Năm mùng năm tháng Tám vừa rồi thì lại điều chỉnh ngược, về giá cũ như bèo! Obama khó cài số de được nữa vì có Quốc hội.

Quốc hội Mỹ trong tay đảng Dân Chủ thì bị kẹt vào cuốn lịch tranh cử nên không thể trì hoãn như Bộ Ngân khố và Thương mại Mỹ sẽ làm áp lực mạnh. Nếu không, nhiều dân biểu nghị sĩ sẽ thất cử. Việc Trung Quốc đạt xuất siêu quá mạnh là lý do chính đáng để họ nêu vấn đề với cả Bắc Kinh lẫn Obama: Trung Quốc đang xâm phạm vào quyền lợi và công việc làm của dân Mỹ, Chính quyền Hoa Kỳ phải có thái độ! 

Vốn đã bị sức ép của các nghiệp đoàn và khuynh hướng bảo hộ mậu dịch, Quốc hội Hoa Kỳ đòi phải mạnh tay lớn tiếng với Trung Quốc. Nếu Obama còn tìm cách che chắn thì chính ông sẽ mất việc sau cuộc bầu cử 2012. Vì thế, Hoa Kỳ và Trung Quốc ở vào vị trí đối nghịch mà lập trường cứng rắn là thái độ cần thiết trong hoàn cảnh chính trị ở nhà: lãnh đạo hai bên phải bước ra múa thiệu, một vụ diễu võ đầy vẻ hăm dọa. 

Mà chuyện không chỉ có vậy!
***

Về mặt an ninh, Hoa Kỳ không hài lòng với việc Bắc Kinh bao che cho Bắc Hàn trong vụ chiến hạm Cheonan của Nam Hàn bị thủy lôi Bắc Hàn bắn chìm vào thồi tháng Ba. Việc hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn cùng thao dượt ngay tại Hoàng hải, vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, là cách trả lời. Bắc Kinh đáp lễ bằng một cuộc tập trận giả bằng võ khí thật vào cuối Tháng Bảy. Tin tức về sự xuất hiện của ba tiềm thủy đĩnh Hoa Kỳ và cả hàng không mẫu hạm USS George Washington đã được úp mở tiết lộ nhằm thăm dò phản ứng của nhau trong màn diễu võ này.

Nhưng ngay sau đó thời sự lại xoáy từ Đông Bắc Á vào Đông Nam Á. Trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Hà Nội dự Thượng đỉnh ASEAN và Diễn đàn An ninh cấp vùng của ASEAN thì Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates đi Jakarta tăng cường hợp tác với Indonesia, kể cả với Lực lượng Đặc biệt Kopassus của xứ này. Với lãnh thổ trải rộng trên 17 ngàn hải đảo, Indonesia có vị trí địa dư chiến lược trên yết hầu của Đông Nam Á là eo biển Malacca.

Người ta ít chú ý tới chuyến đi của ông Gates - với mục đích rất cụ thể về quân sự - vì những gì Ngoại trưởng Clinton phát biểu tại Hà Nội: "Quyền tự do vận chuyển hàng hải tại vùng biển Đông Nam Á là quyền lợi quốc gia của nước Mỹ và của mọi nước trong khu vực". 

Vùng biển ấy lại là cái "lưỡi bò" của Bắc Kinh, khu vực mà Trung Quốc cho là đặc quyền kinh tế và thuộc phạm vi kiểm soát của mình. Nói cho dễ hiểu, Hoa Kỳ đòi cắt cái lưỡi bò nấu xốt chua ngọt. 

Không chỉ nói mà còn làm.

Ngày tám Tháng Tám vừa qua, từ Đông Bắc Á xuống, hàng không mẫu hạm George Washington ghé thăm Đà Nẵng. Lý do chính thức là để chào mừng 15 năm hai quốc gia thiết lập bang giao. Thì cũng được đi! Nhưng hai ngày sau, chiến hạn USS John S. McCain tham gia cuộc thao dượt cùng Hải quân Việt Nam ngay tại Đông hải của Việt Nam - trên cái lưỡi bò của Trung Quốc. Mục đích của bốn ngày tập trận là thao dượt các nghiệp vụ truy tìm, cấp cứu, bảo trì, tu bổ và chữa cháy. Hiền khô! Trước đó, hôm mùng năm, lại có tin là Hoa Kỳ và Việt Nam đang thương thuyết kế hoạch hạch tâm cho nhu cầu dân sự. Ban đầu, Hà Nội còn phủ nhận, vài ngày sau thì xác nhận là có!

Nhớ lại thì Tháng Sáu vừa qua, Trung Quốc đã đơn phương hủy bỏ chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong hai tháng sau đó, tình hình biến chuyển dồn dập vì Hoa Kỳ không chỉ gửi chiến hạm tới Đông Bắc Á - Hoàng hải và biển Nhật Bản - rồi Đông Nam Á mà còn kêu gọi các nước ASEAN cùng hợp tác và lại trực tiếp yểm trợ các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Như Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố: Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á.
***

Lý do của nước Mỹ thật ra rất chính đáng và cổ điển.

Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu, có hải quân hiện hữu tại mọi nơi và cứ theo Hiến ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 thì có nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định và quyền tự do thông thương trên các lãnh hải quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ không có bổn phận phải xin phép Trung Quốc khi đòi bảo đảm ổn định và tự do trên biển. Đó là về lẽ chính đáng - dù Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê chuẩn đạo luật UNCLOS này. Không phê chuẩn nhưng vẫn tôn trọng là được!..

Chuyện cổ điển là xưa nay, siêu cường hải đảo này đã liên kết với rất nhiều quốc gia trên thế giới để tham dự và can thiệp vào thiên hạ sự hầu bảo vệ quyền lợi của mình. Sau thời Chiến tranh lạnh và lại bị lôi vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, với hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ đang trở lại chiến lược liên kết cố hữu.

Tại Đông Á là với một chuỗi quốc gia hải đảo hay bán đảo, từ Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản tới Philippines, Malysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan và Úc Đại Lợi. Vì một vài nước còn nghi ngại thiện chí hay ý chí liên kết của Mỹ - trường hợp của Philippines và Việt Nam - Hoa Kỳ cần tăng cường sự cam kết của mình: tìm lại sự khả tín trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Nhìn từ Bắc Kinh, đấy là chuyện không thể chấp nhận được.

Trong lịch sử Trung Quốc, xứ này chưa khi nào cần thế giới bên ngoài bằng bây giờ, để có nguyên nhiên vật liệu và thị trường xuất cảng hầu nuôi sống một dân số quá đông - và không có đủ lương thực. Nhu cầu kinh tế thực sự sinh tử ấy dẫn tới đòi hòi an ninh: phải bảo vệ các nguồn cung cấp và các thị trường ngày càng mở rộng của mình. 

Từ bên trong nhìn ra và từ lịch sử nhìn lại, nhu cầu về an ninh ấy khiến một đế quốc như Trung Quốc phải xây dựng vùng trái độn quân sự - nay họ gọi là "khu vực quyền lợi cốt lõi" hay hạch tâm lợi nghĩa - đó là Tân Cương, cao nguyên Thanh Tạng, và Tây Tạng. Nhìn ra bên ngoài, khu vực quyền lợi cốt lõi ấy bao trùm lên Đài Loan và Trung Nam hải, biển miền Nam của Trung Hoa - mà ta gọi là Đông hải. Nói cho dễ hiểu, biển khơi của Việt Nam được Trung Quốc coi là vùng trái độn quân sự, khu vực quyền lợi cốt lõi tương tự như Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan. 

Chìm sâu bên dưới, Bắc Kinh còn có một tham vọng khác mà Hà Nội đã hiểu: vùng trái độn ấy bao trùm lên lãnh thổ Đông Dương. Chuyện dễ hiểu: vì địa dư hình thể, muốn bung khỏi lãnh thổ bằng bộ binh, vùng đất duy nhất của họ là... Bắc Việt. Lần thử nghiệm cuối cùng là vào năm 1979.

Từ 15 năm nay, Hải quân Trung Quốc lập kế hoạch phát triển theo hướng đó, là khống chế để kiểm soát được các vùng biển cận duyên - biển xanh lục - hầu tiến ra biển xanh dương, ra các đại dương. Muốn tiến hành việc đó, Trung Quốc liên kết với nhiều quốc gia từ Miến Điện tới Bangladesh, Pakistan và cả Sri Lanka để có căn cứ hải quân "hữu nghị" cho hạm đội của mình có thể qua eo biển Malacca tiến tới Ấn Độ dương vào Trung Đông, Phi Châu và Âu Châu. Song song, họ cũng chuẩn bị thiết kế hàng không mẫu hạm và lập hạm đội miền Nam tại đảo Hải Nam.

Về ngoại giao và chính trị, Trung Quốc dùng quyền lợi kinh tế để trung hoà phản ứng của các nước, từ Đài Loan tới Nam Hàn, Nhật Bản và khối ASEAN. Riêng với khối ASEAN, họ bẻ đũa từng chiếc khi mua chuộc từng nước và phá vỡ khả năng xây dựng lập trường thống nhất của toàn khối. 

Việc Hoa Kỳ tái xuất hiện và muốn xây dựng thế liên minh với từng quốc gia và với cả tập thể ASEAN tất nhiên cản trở kế hoạch này của Bắc Kinh.
***

Thuần về quyền lợi mà nói thì trong ngắn hạn, Hoa Kỳ và Trung Quốc tất nhiên có tranh chấp về mậu dịch và kinh tế. Vụ tranh chấp này chỉ tăng chứ không giảm khi Hoa Kỳ cần tiêu thụ it hơn, xuất cảng nhiều hơn và không thể chấp nhận chánh sách cạnh tranh bất chính bằng hối suất đồng bạc quá thấp của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng vậy, đang phải tập trung phát triển thị trường nội địa - nếu không thì loạn to - mà vẫn cần tới đầu máy xuất cảng và hai nhu cầu tương phản ấy đang gây vấn đề cho việc chuẩn bị Đại hội đảng khóa 18 vào năm 2012 này. Năm đó, Hoa Kỳ cũng có bầu cử!

Nhìn trong lâu dài, mâu thuẫn về quyền lợi cũng sẽ tăng chứ không giảm vì Trung Quốc cho là mình có quyền bành trướng, một cách chính đáng. Và càng phải bành trướng về an ninh lẫn quân sự để bảo vệ quyền lợi kinh tế bên trong, nếu không thì bên trong cũng sẽ loạn. Là một cường quốc Á châu khi Trung Quốc còn là con bệnh suy nhược hơn trăm năm trước, Hoa Kỳ thì không thể bị hạn chế ảnh hưởng và quyền tự do giao thương trên Thái bình dương. Vì vậy, phải cuốn lại cái lưỡi bò của Bắc Kinh, và bỏ vào nồi.

Hai cường quốc này đang trở thành hai cây cung căng thẳng. Ông Obama có muốn lùi cũng khó. Chỉ mong rằng lần này mũi tên mà bật ra sẽ không trúng vào Việt Nam. Hơi khó! 

Còn những ai mong rằng lần này nhờ Mỹ mà Việt Nam có thể bảo vệ được chủ quyền thì cũng nên thận trọng. Vì việc ấy gợi nhớ đến chuyện xưa, của miền Nam. Vả lại dù sao, vấn đề của chúng ta vẫn nằm tại Hà Nội....


Asia Clinic, 9h30', ngày thứ Tư, 26/01/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét