CHUỘT LANG GIÁO DỤC III

Ngày đăng: [Tuesday, February 02, 2010]
 Bài liên quan:
+ Tư duy giáo dục phổ thông
+ Chuột lang giáo dục
+ Chuột lang giáo dục II

Hôm nay tình cờ đọc bài văn lạ(1) của học sinh lớp 11 trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình, mới thấy hết được sự quan trọng của giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ. 

Trong giáo dục, có 4 bộ phận đóng vai trò quan trọng đến trẻ theo thứ tự: bản thân, gia đình, xã hội rồi mới đến học đường. Lâu nay, ngành giáo dục nước nhà chỉ quan tâm đến những giáo điều khô cứng trong học đường. Ngành giáo dục đã biến nhà trường thành cái loa sáo rỗng, mà không gắn liền với cuộc sống chung quanh trẻ rất sôi động và chính là nơi tác động một cách hiện thực đến tâm lý phát triễn của trẻ.

Đứng về mặt đời, ông bà mình thường bảo: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" hay "Nhân tri sơ, tính bản thiện". Trẻ con và người già luôn chân thật. Vì trẻ con như tờ giấy trắng, chưa nhiễm thói hư tật xấu của cuộc sống xung quanh. Còn người già thì đã kinh qua bao sự dối trá cuộc đời, họ hiểu bản chất của một đời người là cần sự chân thật, sau những thăng trầm của cuộc đời mà họ phải trả giá, nên họ chỉ biết nói thật.

Trên phương diện phân tâm học, trẻ con chỉ biết tư duy một bước. Có nghĩa là trẻ con chỉ biết ghi nhận một cách hiện thực của cuộc sống xung quanh như những gì đã được tiếp xúc. để nắm bắt cuộc sống. Từ lúc sinh ra đến tuổi teenager trí não của trẻ chỉ làm công việc ghi nhận và mô tả sự thực của vấn đề. Đến giai đoạn teenager, trẻ bắt đầu tư duy 2 bước: ghi nhận xong thì đến phân tích đúng sai những gì đã ghi nhận của giai đoạn trước. Cho nên ông bà mình mới có câu: "Cái tuổi học ăn, học nói, học gói, học mở". Và trong giáo dục, nếu ban tu thư viết sách giáo khoa chuẩn, luôn viết chương trình giáo dục đúng với sự phát triễn tư duy của trẻ theo lứa tuổi. Không bắt trẻ phải tư duy quá với sự phát triễn trí não của trẻ. Vì làm như thế là không có vệ sinh trí não. Lĩnh vực này gọi là vệ sinh học đường.

Vệ sinh học đường không chỉ có những tiêu chuẩn: trường của các trẻ phải thoáng, ánh sáng phải đủ, sân chơi phải rộng, có nhiều bóng cây, etc... Mà vệ sinh học đường phải thêm những tiêu chuẩn cái bàn, cái ghế của trẻ học cấp một cao bao nhiêu? Phòng học phải rộng bao nhiêu để dãy bàn của trẻ cuối lớp không ảnh hưởng đến tầm nhìn và thị lực trẻ. Và chương trình soạn sách giáo khoa cho trẻ cũng phải đúng với khi nào tư duy một bước, và khi nào nâng lên tư duy 2 bước. Đó mới là chương trình giáo dục cho trẻ có vệ sinh học đường.

Tôi còn nhớ ngày xưa, trước 1975, ở những ngày cuối lớp Nhất, là lớp năm bây giờ. Ông giáo chủ nhiệm ngày ấy có một buổi nói chuyện trước lúc nghỉ hè, chia tay lớp để chuẩn bị kỳ thi Đệ Thất vào trung học(cấp II bây giờ). Điều ông nói rất đơn giản là ông nói về 1 bài toán động tử (nếu ai có học trước 1975 sẽ hiểu tóan động tử) về 2 xe chạy ngược chiều nhau trên 1 khoảng cách có sẳn với 2 vận tốc khác nhau có sẳn. Câu hỏi là sau bao lâu 2 xe sẽ gặp nhau? Nếu chỉ dùng số học để giải thì với chương trình tiểu học chúng tôi nhìn ra ngay đáp số. Nhưng thầy tôi lúc ấy, nói cho chúng tôi hiểu rằng: Khi lên trung học, các con sẽ được học một chương trình toán mà ở đó mọi sự biểu thị cụ thể bằng con số sẽ được thay bằng chữ số. Nó trừu tượng hơn, khó hiểu hơn, nhưng nó đúng với lứa tuổi của các con. Nó sẽ giúp các con giải quyết vấn đề lý luận tốt hơn để vào đời". Đã hơn 40 năm, nhưng tôi còn nhớ mãi ấn tượng ngày ấy cho đến bây giờ. Khi ông biểu thị vận tốc xe chạy chậm hơn là x, vận tốc xe chạy nhanh hơn là (x+i)km, đường dài là s và thời gian là t. Rồi ông lấy đường dài s chia cho tổng (2x+i)km và ra đáp số thời gian t để 2 xe gặp nhau. Chúng tôi, một số đứa học giỏi, hiểu lờ mờ. Còn lại những đứa học chưa giỏi thì hầu như không hiểu x là gì? Và lắc đầu ù tai theo kiểu giải bài toán theo kiểu mới.

Và tôi vẫn còn nhớ, cứ mỗi cấp lớp đều có mục tiêu giáo dục rõ ràng. Lớp 4 học gì, hiểu gì? Lớp 5 cần học gì, hiểu gì? Cấp 2 cần học gì? Cấp 3 sẽ học gì rất rõ ràng. Cứ thế giáo viên dạy theo cái chương trình và sách mà họ muốn dạy làm sao cho trẻ dễ hiểu nhất. Giáo viên không cần phải dạy theo bất cứ một áp đặt nào của bộ.

Tại sao người ta phải chia ra 3 cấp học phổ thông? Đó là vì theo tâm lý lứa tuổi. Cấp I trẻ chỉ biết tư duy một bước. Lứa tuổi cấp II, tư duy trẻ bước vào tư duy hai bước: ghi nhận và phân tích vấn đề. Đến cấp III, tâm lý trẻ sẽ phát triễn tư duy phản biện (critical thinking: tư duy tới hạn): ghi nhận, phân tích và đưa ra giải pháp một cách logic theo nhận thức của trẻ. Trong khi đó, sách toán cấp I của Việt Nam ngày nay đã bắt trẻ tư duy toán học từ hai bước đến ba bước! Có lẽ, các người viết sách là để cho họ học chứ không vì trẻ học chăng?

Mỗi thời đại có mỗi tư duy khác nhau về nhân sinh quan và thế giới quan với cuộc sống. Song về giáo dục có lẽ không khác nhau về chuẩn mực của chương trình. Vì làm giáo dục là làm kỹ sư tâm hồn để trồng người. Nên thiết nghĩ, cái chung và cái riêng trong giáo dục không nên thay đổi vì bất kỳ một mục đích nào khác được.

Thế đây, tư duy một bước khi chuyển sang tư duy 2 bước là cả một vấn đề. Thế nhưng ban soạn thảo sách giáo khoa cho trẻ bây giờ nghe bảo rằng: Bài của con, mẹ làm mãi mới ra đáp số!(2). Tôi không hiểu các nhà làm sách giáo khoa cho bộ giáo dục đào tạo bây giờ họ gồm những ai? Hay nói cách khác là ban tu thư của bộ sách giáo khoa là gồm những chuyên ngành gì? Tuy ngày xưa còn nhỏ, nhưng cứ mỗi lần hè đến, là chúng tôi được các thầy giới thiệu những bộ sách giáo khoa do các ban tu thư tư nhân thành lập để viết. Nó ngoài bộ sách của bộ giáo dục quốc gia. Trong ban tu thư không chỉ có thầy giáo, mà còn có nhà tâm lý học, nhà y học, luật sư, etc... Nên bộ sách luôn đúng lứa tuổi của chúng tôi. Nhà trường là nơi cho trẻ những gì không chỉ kiến thức mà còn cho trẻ một vệ sinh trí não phát triễn lành lặn.

Quay lại bức thư lạ của trẻ lớp 11 ở đầu bài viết này. Gia đình rất quan trọng, và là quan trọng số một trong tuổi mới lớn. Thế nhưng, cuộc sống gia đình của trẻ đã cho trẻ tiếp nhận những điều mà tư duy 2 bước của trẻ thấy rằng những gì trong tư duy tiếp nhận ở bước một là không đúng. Nên mới có những tình trạng trẻ hoặc là từ bỏ cuộc sống ví quá thất vọng, hoặc là trẻ sẽ chống lại và trỡ thành người xấu. Nếu trẻ không đủ nghị lực chịu đựng những sai trái do người lớn làm ra mà bị trẻ cho là lừa dối trẻ.

Cuộc sống sôi động từ miếng cơm manh áo đã cuốn trôi tất cả những giá trị đạo đức chuẩn mực đời thường. Chính chúng ta, những người được cho là lớn cứ mai một dần và trỡ thành đứa trẻ nhiều tuổi biết nói dối lúc nào không biết. Chính nó đã làm cho trẻ thất vọng và có nhiều tha hóa. Đừng bắt trẻ phải sống quá lứa tuổi của chúng với chính gia đình mình. Nơi mà luôn ôm ấp chúng, không chỉ bằng vật chất mà cả tâm hồn đẹp.

Nếu các nhà quản lý ngành giáo dục và cha mẹ học sinh không thấy được vai trò gia đình và xã hội tác động về tư duy nhiều bước và một bước của trẻ, để đưa ra những đổi thay cấp bách cho giáo dục nước nhà. E rằng chúng ta sẽ có những thế hệ tương lai chai sạm trong tình cảm, thực dụng trong cuộc sống và thiếu nhân bản trong xử thế với đời.

Asia Clinic, 16h40 PM ngày 02/02/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét