CHUNG VÀ RIÊNG TRONG VĂN HÓA HỌC

Ngày đăng: [Sunday, August 30, 2009]

Tình cờ lang thang vào trang Văn Hóa và Thể Thao online thấy bài viết: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên có môn Hà Nội học. Thiển nghĩ, sao đất nước này lắm bộ môn thế? Chỉ với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội căn bản cùng với sự sai mục tiêu trong giáo dục đã đủ cho bao thế hệ trẻ con Việt còng lưng ra, nhưng trỡ thành những con robot biết nói, chưa đủ hay sao?

Cách nay hơn 10 năm, một dịp xuân về, hội dinh dưỡng học TpHCM có mời nhà văn Băng Sơn từ Hà Nội vào nói chuyện văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ông có nói: "Cái tự hào của ẩm thực giới quí tộc Hà Nội là ăn để thưởng thức, chứ không ăn để no; Người có trí ăn nhỏ nhẹ, vừa đủ, thức ăn dọn lên từng ít một, đựng trong những vật dụng cũng nhỏ và thanh tao. Kẻ phàm phu ăn bằng tô, uống bằng bát." Tôi có hỏi 1 câu: "Ông có tổng kết nào về tư tưởng con người cũng nhỏ bé theo diện tích, không gian ở và ăn uống cũng nhỏ bé như ở Hà Nội không?". Thú thật, lúc đó, mình còn trẻ, cái gì cũng sung, cũng ào ào. Hỏi một câu hơi sốc. Nhưng, khi đi ra ngòai cùng trời cuối đất, kể cả Kambodia, tôi chưa thấy nơi đâu mà một người dân phải ở một diện tích và không gian sống nhỏ hẹp như ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhiều khi suy nghĩ, không biết chính không gian ở quá chật hẹp làm tư tưởng của con người cũng nhỏ bé theo khg?

Người làm văn hóa là người phải biết đúc kết cái chung của văn hóa dân tộc. Qua đó, nói lên cái hồn của dân tộc. Vì một cộng đồng mất văn hóa là cộng đồng tuyệt chủng, dù cộng đồng ấy vẫn sống và tồn tại trên trái đất. Người làm văn hóa có tâm và có tầm không xé lẻ và đề cao cái mình đang làm. Mà phải biết khái quát hóa, vĩ mô hóa cái mình đang làm (dù chuyên sâu, dù đại diện cho cái riêng trong một tổng thể chung) để đưa nó lên thành cái đẹp, cái qui mô tầm vóc của cái chung. Hà Nội dù là thủ đô nghìn năm văn vật thì Hà nội cũng chỉ là 1 dấu chấm phết trong bức tranh tổng thể của Văn hóa học Việt Nam. Hà Nội không nên và không thể đại diện cho văn hóa Việt. Và cũng không vì có nhiều người viết về Hà nội mà phải thành lập hẳn một bộ môn để giảng dạy trong trường Đại học, mà chỉ nên là một phân ngành lẻ trong tổng thể môn Văn hóa Việt.

Hãy nhìn vấn đề theo nghĩa khoa học và duy lý, không nên nhìn vấn đề với duy ý chí và tầm vóc riêng lẻ. Vì sự riêng lẻ là 1 vế của cặp phạm trù chung riêng, thiếu riêng, chung sẽ mất ý nghĩa. Và thiếu chung cái riêng không thể tồn tại. Vì với trào lưu này, không lẽ, chúng ta lại có thêm những Hà nội học, Huế học, Tây Bắc học, Khu Tư học, Khu Năm học, Trung Nam bộ học, Đồng bằng sông Cửu Long học, Sài gòn học ... lũ khủ một mớ hổ lốn những bộ môn ra đời, dẫm chân nhau hay sao?

Đăng nhận xét

0 Nhận xét