CÁC CUỘC THI ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH OLYMPIA CÓ CÒN Ý NGHĨA?

Ngày đăng: [Monday, June 14, 2010]
Vài năm trở lại đây cuộc thi tuyển chọn tài năng trẻ Việt do Úc tài trợ và tiến hành có tên rất kêu: Đường lên đỉnh Olympia. Thời kỳ đầu các cháu của trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, quê hương của cụ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đoạt giải 2 năm thứ nhất và năm thứ 3 tổ chức, gồm 2 cháu Trần Ngọc Minh năm 1999 và cháu Lương Phương Thảo năm 2001. Đã có lúc ngôi trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nơi được gọi là lò sản sinh ra những nhân tài. Có người cũng đã nhắc đến 2 câu sấm của Trạng Trình cách nay 500 năm: "Cửu Long thiên tử xuất/Bất chiến tự nhiên thành" để ví von cho câu chuyện thi Đường lên đỉnh Olympia.

Năm ngoái, tôi đã viết một bài về Nhận xét cuộc thi chung kết Olympia 2009. Một cuộc thi chung kết mà đề thi có đáp án mang tính cảm tính hơn là khoa học. Nói đúng nghĩa hơn, một loại câu hỏi đánh đố và đáp án theo người ra đề, có tính để triệt tiêu thí sinh khi cần, mà không phải loại câu hỏi dùng để tuyển chọn tài năng thực sự.

Câu chuyện không dừng ở đó mà còn phát triển theo một nghĩa mới, khi cô dẫn chương trình thi chung kết năm nay lại nhắc đáp án một cách thô thiển giữa bàn dân thiên hạ trong một câu tăng tốc bằng tiếng Anh cho thí sinh mà cuối cùng thí sinh đó giật giải quán quân.

Câu chuyện sẽ không đơn giản khi không ai để ý đến chỉ tiêu chia các trường luân phiên chia giải Olympia. Đành rằng các cháu vào đến chung kết cuộc thi này cháu nào cũng đáng để có học bổng du học dù bất kỳ nước nào trên thế giới. Nhưng oái oăm là ở cuộc thi, nó cũng giống như world cup đang diễn ra. Một và chỉ một người đạt giải thưởng 35.000 USD cho việc học đại học ở Úc theo chương trình tài trợ.

Dưới mắt của người từng trải và có kinh nghiệm sống, tôi cho rằng có cái gì đó không minh bạch trong những lần thi chung kết gần đây. Có nên chăng cần đặt vấn đề cuộc thi Olympia có còn ý nghĩa thực sự như tiêu chí ban đầu của nó, hay là chỉ để phân bố chỉ tiêu?

Dù đây chỉ là suy nghĩ chủ quan, nhưng chúng ta đang làm nhiệm vụ trồng người cho một thế hệ mới xứng tầm thời đại, thế thì chúng ta có cần công minh trong những cuộc thi có tính quảng bá cộng đồng như thế này không hay là chúng ta vẫn còn mang nặng tư duy chỉ tiêu và doanh số như thời bình quân chủ nghĩa?

Con người khi mới sinh ra nằm ở Đạo - Nhân tri sơ tính bổn thiện - Nhưng khi lớn lên, Đời kéo con người ra khỏi Đạo, mất đi tính thiện. Lúc đó cái ác và sự gian dối kéo con người vào nẻo tà. Chúng ta là người lớn - những kẻ đầy ắp tâm tà - chúng ta tổ chức cuộc chơi cho trẻ. Chúng ta cần giữ sự trong sáng của con đường chánh đạo. Chúng ta đem tâm tà vào những cuộc thi, thì làm sao chúng ta có thể xây dựng những thế hệ có tâm chánh đạo? Các nhà giáo dục tạo cuộc chơi Olympia hãy vì tổ quốc và dân tộc mà nghĩ dùm, khi còn chưa muộn.

Asia Clinic, 18h33' ngày 14/6/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét