BÌNH ĐỊNH KÊU GỌI ĐẦU TƯ DU LỊCH

Ngày đăng: [Tuesday, February 15, 2011]
 Bài 1: Bình Định kêu gọi đầu tư

Hôm nay xin tiếp tục loạt bài Bình Định kêu gọi đầu tư. Bài đầu tiên có tính tổng quan những điều mà Bình Định cần phải sửa đổi, dù đã có sự thay đổi tư duy, không ngồi lỳ một chỗ để người ta đến xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi. Khi các tỉnh lân cận đã vượt lên trước quá xa. 

Hôm trước trong ngày họp mặt tôi đã có một câu nói vui mà thực: "Đà Nẵng bây giờ dân có câu than trời là không còn biển để tắm nữa. Bãi biển Quy Nhơn còn có chỗ để tắm là một điều tốt. Nên đi sau chưa hẵn là thua." Bắt đầu từ bài này tôi sẽ trình bày đầy đủ các dự án đang cần kêu gọi đầu tư. Bắt đầu bằng ngành công nghiệp không khói, một thế mạnh còn thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ của Bình Định.

Nếu ai đã từng về Bình Định và đi tham quan dãi biển của Bình Định sẽ thấy bất kỳ đoạn nào của biển Bình định cũng mang bóng dáng của Công Quốc Monaco. Một thiên đường dành cho thượng lưu thế giới. Nhưng vì chưa biết khai thác, và chưa có tư duy tiến bộ, nên đất Bình Định vẫn còn hoang sơ, mặc dù nếu tính trên đầu ngón tay thì số đại gia đình đám của Bình Định là con số cao nhất nước, khi họ thành công ở nơi không phải chôn nhau cắt rốn của mình. Ngoài những dự án đã được có chủ còn lại 5 dự án du lịch còn lại đang kêu gọi đầu tư vào Bình Định:

Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại (Hải Hạc Đàm): Thị Nại Đầm là địa điểm của dự án nằm ở một nơi có lịch sử lừng danh trong cuộc Nam tiến thời Trịnh Nguyễn phân tranh và nhà Tây Sơn với Gia Long. Đầm Thị Nại ngày xưa có 2 cửa biển: Ngã Thử ở phía Bắc thông ra biển Đông và Hải Minh ở phía Nam giáp thông ra biển Quy Nhơn và biển Đông. Khi Đầm Thị Nại thất thủ cũng là lúc Chế Bồng Nga mất nước Chiêm Thành. 

Khi nhà Tây Sơn mất Đầm Thị Nại trong trận thủy chiến 1801 cũng là lúc nhà Tây Sơn sụp đổ. Bắt đầu một thời cực thính của nhà Nguyễn mở cõi nước ta đến mũi Cà Mau bây giờ. Vị trí Thị Nại cực kỳ quan trọng với kinh tế Nhà Nguyễn thời ấy. Đặt biệt cửa Ngã Thử ngày ấy là một cảng giao thương quan trọng, sầm uất nhất  khu vực, còn được gọi là Cảng Tân Châu (新州) do người Hoa Minh Hương di cư đến và lập nên. Nhưng sau trận thủy chiến 1801 thì cửa này bị bít lại do cát bồi đắp nên, làm phong thủy vùng đất địa linh nhân kiệt một thời mất mạch rồng. Từ ấy Bình Định không còn có người làm vương, mà chỉ còn tướng và quan.

 Cồn Chim

Đầm Thị Nại thời xưa còn có tên là Hải Hạc Đàm - có nghĩa là Đầm của Chim Hạc biển. Cách đây khoảng 35 năm, thời tôi còn mỗi hè về quê chở nước từ khe Củi, khe Đá ở Nhơn Hội về Vinh Quang bán kiếm tiền ăn học cho năm sau, Hải Hạc Đàm (tôi thích cái tên gọi này dùng trong bài viết) còn rất nhiều cánh cò, cánh Hạc, cánh Vạc trắng trời. Chim cò thời ấy nhiều đến nỗi mà ở giữa Đầm có một thoi đất nổi lên dân cư chung sống củng chúng có tên gọi là Cồn Chim. Đầm đầy tôm cá, hàu, lươn. lịch, chình, cá dược, cá chẻm, cá mú, etc... Nó nuôi cả một dãi đất quanh đầm với hơn trăm nghìn dân sống bằng chài lưới. bây giờ quê tôi - Thôn Vinh Quang, Xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - là nơi mà các nhà hàng có hải sản tươi sống số 1 ở Bình Định. Dù bạn có đi bất kỳ khách sạn, nhà hàng nào trong cả nước cũng không nếm được hương vị hải sản thơm, ngọt và tưoi sống như ở quê tôi. Các bạn có thể đọc thêm về quê tôi trong loạt bài: Một chút quá khứ và một chút hiện tại, mà tôi đã viết hồi năm ngoái trên blog này.

Diện tích quy hoạch khu du lịch sinh thái của Hải hạc Đàm là 800ha.  

Quy mô xây dựng dự án là xây 800ha khu du lịch sinh thái ngay trên Hải Hạc Đàm. Trong đó, có 200ha thuộc dự án bảo tồn rừng ngập mặn. Cải tạo và nâng cấp thành khu du lịch sinh thái đặc trưng.

Hình thức đầu tư của khu du lịch sinh thái Hải Hạc Đàm là mọi hình thức đầu tư dành cho người trong và ngoài nước.

Vốn đầu tư theo dự tính là 120 triệu đô la Mỹ.

Khu du lịch Hội Vân: Đây là địa điểm cửa Ngã Thử bị bồi đắp thành một nơi mà cảng Tân Châu ngày xưa, bây giờ thành nơi cát bồi thành - xã Cát Hiệp, huyện Phú Cát. Cái tên cũng nói lên đây là nơi làm mất đi phong thủy của Hải Hạc Đàm. Khu du lịch này có một suối nước khoáng Hội Vân, đã được tỉnh Bình Định quy hoạch và xây dựng một quần thể dưỡng bệnh. Hình ảnh suối nước khoáng, nóng Hội vân đang bốc hơi kèm theo để minh hoạ cho khu quy hoạh này.

Diện tích quy hoạch là 30ha.

Quy mô dự án: xây dựng khu resort kết hợp khám chữa bệnh với suối nước khoáng nóng và dịch vụ du lịch kèm theo.

Vốn đầu tư dự trù: 10 triệu đô la Mỹ.

Khu du lịch Tam Quan:  Đây là một bãi biển rất thơ mộng còn hoang sơ chưa khai phá của con người, nằm ở xã Tam Quan Bắc, thuộc huyện Hoài Nhơn, một huyện phía bắc tỉnh Bình Định.

Quy mô xây dựng dự án: xây dựng các khách sạn, dịch vụ du lịch sinh thái, tham quan, tắm biển và vui chơi giải trí.

Vốn đầu tư dự trù: 50 triệu đô la Mỹ.

Bình Định có câu ca dao rất nổi tiếng cho xứ dừa Tam Quan: "Công đâu, công uổng, công thừa/Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan". Nhưng Tam Quan không chỉ có rừng dừa, mà Tam Quan còn có biển. Một bãi biển đầy thơ mộng và hoang sơ như hình đã được tôi dẫn chứng. Tam Quan nổi tiếng với bánh tráng nước cốt dừa, ai đã ăn một lần không thể quên hương vị thơm, ngọt của nó.Đây cũng là một nơi hứa hẹn nhiều tiềm năng cho du lịch sinh thái vùng biển với nhiều đặc sản nông hải sản ít nơi nào trong toàn quốc có được.

Khu du lịch Hồ Núi Một: Hồ núi một là một hồ nước ngọt lớn khoảng 1200ha thuộc xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn. Xung quanh là các suối, thác và rừng nguyên sinh với đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới, tạo nên một phong cảnh hữu tình. Dân sống ở đây chủ yếu là dân tộc Bana. Là một khu văn hóa dân tộc ít người trong các dân tộc đang sinh sống tại Việt nam. Ở Bình định có 2 địa danh trùng tên là Hồ Núi Một.

Còn một địa danh nữa ở quận Nhơn Bình của Quy Nhơn, nằm phía Tây thành phố cũng có tên là Hồ Núi Một. Nhưng là một Hồ nước ngọt và nước lợ do 2 dòng nước ngọt từ rừng phía tây thành phố Quy Nhơn đổ về và nước mặn của con sông Hà Thanh chảy từ Hải Hạc Đàm hòa vào theo nước thủy triều. Núi Một là cái tên đặt cho những hòn núi nằm lẻ loi một mình so với dãy Trường Sơn, khi chìa ra biển Đông hay chạy về phía Nam tổ quốc. Nhưng ở đây chỉ viết về

Diện tích xây dựng: 120ha.

Quy mô xây dựng dự án: khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, cắm trại, câu cá, leo núi, bơi thuyền và dã ngoại.

Vốn đầu tư dự trù: 100 triệu đô la Mỹ.

Đây là một nơi có thể thu hút du lịch với nhiều loại hình sơn thủy rất hữu dụng chưa được khai phá. Hứa hẹn nhiều tiềm năng sinh lợi cho nhà đầu tư trong tương lai.

Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống: Gìn giữ và phát huy những làng nghề thủ công truyền thống, những lễ hội cổ truyền đặc trưng của văn hóa Bình định để thu hút khách tham quan, nghiên cứu văn hóa sống. Địa điểm các làng nghề gồm có: các xã thuộc thị trấn Đập Đá có làng nghề dan lát nón.  Đặc biệt nón Gò Găng là loại nón mà trong cả nước hầu như đã thất truyền với hoa văn cho các quan thời Phong Kiến. Các làng nghề dệt thổ Cẩm của dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh.

Hình thức đầu tư: cho mọi hình thức đầu tư trong và ngoài nước.

Vốn đầu tư dự trù: 20 triệu đô la Mỹ.

Tất cả các thông tin trên các bạn trong và ngoài nước có thể liên hệ với Trung Tâm xúc tiến đầu tư Bình Định. Địa chỉ số 35 Lê Lợi, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình định, Việt nam. Điện thoại số: 0563 818888 hoặc 0563 818887. Hoặc qua e-mail: ipcbinhdinh@vnn.vn. Hoặc qua website: http://www.binhdinhinvest.gov.vn .

Hy vọng với bài viết này có thể giúp gì cho tỉnh nhà và mang thông tin đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Asia Clinic, 13h28', ngày thứ Ba, 15/02/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét