CHUYỆN CHÚNG TÔI 1

Trường PTTH Trưng Vương thành lập do bà Trần Lệ Xuân vợ ông cố vấn Ngô Đình Nhu vào năm 1957 là một chi nhánh của Trường nữ Trung học Đồng Khánh ở Huế, với tên gọi đầu tiên là Trường Tư thục Tân Bình. Năm 1964 trường đổi tên thành Nữ Trung học Quy Nhơn. Năm 1974 trường đổi tên  thành Trường Ngô Chi Lan. Sau năm 1975, trường mang tên Trường PTTH Trưng Vương, rồi Trường THPT Trưng Vương bây giờ.

CHƯƠNG I: TÔ MÌ TÔM VÀ NHỮNG KỶ NIỆM NGÀY 17/2 NĂM ẤY

Sau chuyến bay từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, trưa nay 17/2/2024 không ngủ được vì chuyện cậu GoRide, rồi cũng thiếp đi đến giờ thức dậy bụng đói meo vì phải coi phòng khám ngoài giờ.

Chạy vội ra Bách Hoá Xanh vơ đại một hộp mận, một miếng mít và về làm tạm một gói mì tôm và cái trứng, thế là xong bữa ăn chiều, bây giờ thấy tạm ổn mới sực nhớ ngày mà Đặng Tiểu Bình dạy cho Việt Nam một bài học cách nay 45 năm trước. Tôi chợt nghĩ, đã đến lúc cần ghi lại những điểm chính lịch sử của thế hệ chúng tôi, nên có loạt bài này.

Ngày đó, thế hệ chúng tôi vừa vào học kỳ hai lớp 10 được 1 tháng thì thầy trò phải đào hầm kín cả sân trường phổ thông Trung học Trưng Vương ở số 26 đường Nguyễn Huệ nhìn ra biển Quy Nhơn. 

Cả nước đang tràn ngập cơn đói vì hợp tác xã giăng mọi nẻo đường từ thành thị đến thôn quê, chiến tranh vừa dứt, tấm khăn sô cho những người mẹ và các thiếu nữ cho chồng cho con chưa kịp ngã màu, thì tiếng súng lại vang khắp nơi.

Dù là lớp 10, nhưng thế hệ tản cư của chúng tôi có đứa đã 19 đôi mươi vì học trễ,  nên cũng phải đi khám sức khỏe cho đợt tuyển quân đi lính. Nhưng lứa học sinh ở miền Trung chúng tôi không đứa nào phải nghĩ mình phải ra chiến trường để bảo vệ ai! Cứ sáng sớm là ít nhất nửa lớp vắng mặt vì tụi nó bỏ sang Hải Minh - Khu Du lịch Kỳ Co và Eo gió bây giờ ở Quy Nhơn - để đi vượt biển tìm đường sống, chứ không chịu chết vì bom đạn như cha ông để rồi đói khổ như hiện tại. Không đi được thì tiết học thứ hai có mặt, hôm sau lại như thế.

Lên lớp 11, mỗi lớp từ sỉ số 60 chỉ còn 25-30 học sinh vì vượt biển biệt tăm cá, phải nhập 2 lớp thành 1 cho đủ sỉ số học sinh. 

Ngày 17/2/1980, một năm sau đó Phan Văn Cư viết thư bằng máu tình nguyện đi lính. Cả lớp tổ chức liên hoan đến nửa đêm đốt lửa trại chia tay nó. Tội nghiệp Diệu Hương khóc sưng cả mắt vì 2 đứa đã mến nhau từ trước nhưng không dám nói ra. Nhưng sáng hôm sau Phan Văn Cư biến mất không nhập ngũ, một tuần sau mới hay tin nó đã đi vượt biển ngay trong đêm ấy, không biết sống chết thế nào? Một năm sau nó gửi thư về đang ở Na Uy và đang là một hậu vệ cho đội bóng đá trẻ Na Uy, số là nó đá bóng rất hay đã từng là đội năng khiếu bóng đá tỉnh Nghĩa Bình - sau 30/4/1975 thì 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi nhập thành Nghĩa Bình.

Lên lớp 12, mới học kỳ 1 thì 2 đứa Lê Thay và Đào Tăng Dũng cũng viết huyết tâm thư lên đường vào bộ đội biên phòng canh biển Quy Nhơn tránh đi sang Cambodia phơi xác. Trường phải làm lễ tốt nghiệp sớm 1 học kỳ cho hai đứa nó. Phần còn lại chỉ có Phan Thanh Hoa là đi Cambodia 5 năm trở về với thương tật nhẹ ở tay trái.  

Tốt nghiệp phổ thông tôi đi thi Y khoa Huế, nhưng khi về đến nhà thì Má đã chuẩn bị sẵn ba lô và ngồi chờ trước ngõ mỗi tối. 20:00 ngày 09/7/1982, tôi chưa kịp bước vào nhà, Má khoác lên vai tôi chiếc ba lô và bảo: “Con đi mau xuống nhà cậu Trần Mân ba của Trần Điền trốn đỡ vài ngày rồi Má tính tiếp, chứ ở đây đêm nào phường đội cũng vào tìm con để bắt trình diện khám sức khỏe lên đường!”

Chưa kịp ăn uống gì, tôi phải đến nhà bạn Trần Điền để trốn lính và cũng một tô mì tôm như hôm nay mà mợ Mân má của Điền làm cho tôi đêm ấy. Ở nhà Điền được 5 hôm thì mợ Mân sợ phát hiện, thế là tôi đến nhà Diệu Hương ở thêm 2 tuần, sau đó là đi lên thôn 3, xã Liên Sơn, huyện Lak, tỉnh Daklak tính chuyện thi tiếp vào Y khoa Sài Gòn.

CHƯƠNG 2; XÓM TRẠI

Xóm Trại nằm trong khu vực Tháp Đôi Quy Nhơn

Xóm Trại là một khu vực nhỏ nằm giữa sông Hà Thanh phía Bắc, đường Tháp Đôi phía Đông, khu sửa chữa ô tô Kim Ngọc phía Nam và hòn núi Một ở phía Tây. Xóm Trại thuộc một khu vực lớn hơn gồm nhiều xóm gọi là khu vực Tháp Đôi thuộc phường Trung Thiện trước biến cố 30/4/1975, sau tháng 7/1976 phường Trung Thiện đổi tên thành phường Đống Đa bây giờ của thành phố Quy Nhơn.

Như đã viết tháng 4 năm 2010 trong loạt 4 bài: "Một chút quá khứ và một chút hiện tại", Má và chúng tôi bỏ làng Quang Hiển, thông Vinh Quang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định xuống Quy Nhơn ở khu vực chợ Đầm đến sau khi Ba chúng tôi bị bạn cùng làng của ông theo Việt cộng bắn chết vào ngày mùng 8 tháng Giếng năm Mậu Thân, tức ngày 07 tháng 2 năm 1968, thì Má tôi chuyển lên Khu Định Cư Phật Giáo, ở trong một khu ấp chiến lược thời cố tổng thống Ngô xây dựng, mặc dù gia đình tôi là gia đình Quốc Gia Nghĩa Tử. Khu vực này còn có tên là Xóm Trại thuộc phường Trung Thiện, thị xã Quy Nhơn ngày ấy - bây giờ là tổ 13, khu vực 3, phường Đống Đa Tp. Quy Nhơn.

Gọi là Xóm Trại vì đây là khu vực dành cho dân tản cư ở khắp mọi nơi trong tỉnh Bình Định quy tụ về: các huyện từ Tam Quan, Bồng Sơn, An Lão, Phù Cát, Phù Mỹ, Phước Thành, Tây Sơn, An Khê ... Hầu hết là những gia đình ly khai với Việt cộng, bị Việt cộng đe dọa phải bỏ làng ra đi. Có nhiều bạn bè cùng lớp với tôi tản cư từ năm này qua năm khác việc học hành giá đoạn, nên mãi đến 10 tuổi hoặc hơn mới vào học lớp 1 với tôi. Bản thân tôi cũng bị trễ học 1 tuổi.

Xóm Trại cũng vì ở đây chính quyền VNCH cất những căn nhà dựng liên kế nhau chỉ bằng tôn. Mái cũng tôn, vách cũng tôn cấp cho người tản cư đến ở, rất nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Họ gọi những căn nhà tôn này là những cái trại tạm cư, chứ không phải nhà, dù nó rộng 4m và sâu 12m. Vì nóng nực quá, Má tôi và ông bà Ngoại cũng từ quê bỏ căn nhà ngói 5 gian, to đùng xây năm 1961 nằm ở bờ đê Vinh Quan - bây giờ là cả khu nhà hàng Hải sản Huệ Loan - xuống và dời ra dọc sông Hà Thanh ở trong khu ấp chiến lược.

Xóm Trại có 2 khu, một khu bên trong ấp chiến lược nằm ở ven sông Hà Thanh nhìn qua làng Hưng Thạnh cách con sông, có 100% gia đình theo Việt cộng. Một khu ở ngoài ấp chiến lược nằm trong khu định cư Phật giáo giáp ranh với xóm nhà Thờ Quy Đức. Không hiểu vì lý do gì mà các nhóm trẻ khu định cư Phật giáo và nhóm nhà thờ Quy Đức luôn mất đoàn kết và đánh nhau vì tôn giáo. Ai chấp nhận nóng nực thì ở ngoài ấp chiến lược. Ai cần mát mẻ thì ở trong khu ấp chiếc lược.

Cùng lớp chúng tôi ở Xóm Trại có nhựng đứa sau: Phan Văn Cư. Phan Văn Quang là đứa thân nhất với tôi, nó là em chú bác với Phan Văn Cư cùng tuổi với tôi. Nguyễn Huy con cô Bảy làm sở Mỹ, Huy sinh năm 1960. Đặng Vinh cùng tuổi tôi con cậu Bốn Vinh đi cảnh sát quốc gia. Nguyễn Loan cùng tuổi tôi cũng có ba là cảnh sát quốc gia. Đoàn Văn Ơn, Trương Văn Tầm từ Tam Quan vào. Lê Tự, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Thanh, Lê Lý, Huỳnh Minh, Trần Văn Trí. Riêng 2 người là Huỳnh Văn Tám sinh năm 1960 cậu bên ông Ngoại của tôi, chị em chú bác với Má tôi, và Huỳnh Văn Sen sinh năm 1962 cũng là cậu anh em chú bác với Má tôi cũng cùng học lớp tôi. 

Sau năm 1972 thì gia đình cậu Trần Mân từ An Khê về có con trai là Trần Điền cũng vào xóm Trại, nhưng ở nhờ nhà ông bạn của cậu tại nhà máy sản xuất Oxygen cũng học cùng lớp tôi. Sau năm 1978, cậu Trần Mân làm ăn bên thầu xây dựng có tiền mua nhà ở đường Bạch Đằng khu chợ Đầm Quy Nhơn, là nơi mà tôi chạy trốn bắt lính đêm 09/7/1982. Cậu Trần Mân với Má tôi là bà con bên bà Ngoại tôi.

Cùng lớp với chúng tôi còn có Lê Thay ở khu vực cầu Đôi. Mai Xuân Thưởng ở khu vực đèo Son phía núi Bà Hỏa. Nguyễn Văn Truyện cũng khu vực núi Bà Hỏa, nhà Truyện có hàng cây tre xanh um, là người cung cấp roi tre cho các thầy tót đít con trai và vai con gái khi không thuộc bài, chúng tôi thù nó nhưng vẫn chơi thân như anh em. Đào Tăn Dũng ở mặt đường Trần Hưng Đạo đối diện nhà thờ Quy Đức. Sau này má tôi đưiợc bà Ngoại thôn Thọ Lộc, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn làm má nuôi thì mới biết Đào Tăng Dũng gọi bà ngoại nuôi cũng là bà ngoại họ. Còn nhiều đứa nữa cùng lứa tôi nhưng học khác lớp sau này lên cấp 2, hoặc cấp 3 mới cùng lớp cùng trường, tôi sẽ liệt kê sau.

Hầu hết tất cả lứa chúng tôi ở xóm Trại sau này chỉ duy một mình tôi vào đại học. Tất cả họ đứt gánh giữa đường ngay sau 30/4/1975 hoặc đến hết cấp 2 và cấp 3, vì nhiều lý do: tản cư sau 30/4/1975, kinh tế đói kém phải bỏ học, đứa đi làm, đứa đi lính, v.v... Dù vậy, bây giờ có nhiều đứa giàu có vẫn còn làm việc.

Khi lên xóm Trại, tôi bắt đầu đi học mẫu giáo ở trường làng của Thầy Ban và sau đó là Thầy Già, cả 2 thầy đều ra người thiên cổ từ những năm 1980. Khu vực Tháp Đôi của nơi tôi ở chỉ có 2 trường làng này. Cái hay của giáo dục VNCH là bạn không cần học trường công cho đến khi nào bạn thi vào đậu ở bậc lớp nào hằng năm thì học tiếp tục. Học bạ của trường làng vẫn công nhận. 

Trường làng là trường mà ở đó chỉ có 1 phòng học rộng và dài có hai dãy bàn ghế 2 bên chừa đường đi ở 3 lối giữa, phải và trái để thầy đi xuống kiểm tra và phạt trò. Trong trường có đủ 5 lớp học từ 1 đến 5. Trường có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 - ngày ấy gọi là lớp Năm(lớp 1 bây giờ), lớp Bốn(lớp 2 bây giờ), Lớp Ba, Lớp Nhì(lớp 4 bây giờ) và lớp Nhất là lớp 5, ngược lại với bây giờ. Nhỏ nhất là lớp 1 ngồi những hàng ghế đầu gần bảng đen, thứ tự lớn dần ngồi xa hơn và lớp 5 hay lớp Nhất ngồi những dãy bàn ghế cuối xa bảng đen. 

Mỗi ngày vào lớp và hết giờ ở trường làng bằng tiếng trống trường hoặc chuông điện. Sau khi vào lớp thầy chia tấm bảng thành 5 ô dọc từ trái sang phải. Góc trái mỗi ô là sỉ số và hiện diện để điểm danh vắng mặt. Sau đó là thầy dò bài hôm trước mổi lớp từ 1 đến 3 học trò. Sau khi dò bài và phạt trò không thuộc bài là thầy ra bài học ngày hôm đó cho từng lớp từ 1 đến lớp 5. 

Ngôi trường làng lúc nào cũng như bầy ong vỡ tổ, vì lớp 1 thì đồng thanh đọc bảng cửu chương, lớp 2 thì đồng thanh đọc bài tập đọc, lớp 3 thì đồng thanh học bài học thuộc lòng lục bác. Lớp 4 thì đọc tập làm văn. Lớp 5 thì làm toán đó hoặc làm văn bình luận, phân tích. Dĩ nhiên, mỗi ngày thầy chỉ dành cho 1 khối lớp làm bài ồn ào như đồng thanh cửu chương, các lớp còn lại làm trong yên lặng. Thế mới thấy những ông thầy trường làng ngày xưa làm việc rất khoa học. Họ đã cho ra những đứa trẻ ngoan có chất lượng mà bây giờ không dễ làm được.

Học phí trường làng của 2 thầy không nhiều, mỗi tháng chỉ từ 25 đồng đến 30 đồng VNCH vào thập niên 1970, nhờ vào số học sinh đông hơn 100 đứa, nên thu nhập mỗi tháng của mỗi thầy khoảng 3.000 đồng thời đó cũng là sống dư dã để nuôi vợ con.

Thầy Ban cũng là dân ở thôn Dương Thiện, huyện Tuy Phước tản cư. Trường của ông dựng trên một khu đất gần nghĩa địa xóm Trại - nghĩa địa này bây giờ đã bỏ và dân cư chiếm ở - nên trường vẫn để nền cát. Thầy phạt trò bằng roi tre vót bằng rựa rất tròn và dài thuôn nhỏ từ cán đến mũi roi. Thường không thuộc bài lần 1 thầy đánh 1 roi, nếu tái phạm thêm lần sau thì thêm 1 roi, cứ thế tăng lên đến khi trò không dám tái phạm hoặc bỏ học, hoặc chuyển sang trường làng khác.

Thầy Già ngôi trường ở ngay chợ Tháp Đôi, rộng hơn, nền tráng xi măng và danh tiếng hơn Thầy Ban. Dĩ nhiên học phí cũng đắc hơp. Tính cách của thầy cũng xưa cũ hơn. Thầy phạt học sinh không chỉ đánh roi, mà còn cho quỳ xơ mít, hoặc quỳ nền xi măng cầm gạch đưa khỏi đầu. Chúng tôi sợ nhất là 2 trò quỳ gối này, quỳ xơ mít thì đau đầu gối vì gai nhọn của vỏ trái mít, còn quỳ nền xi măng cầm 2 cục gạch đưa lên đầu thì mỏi nhừ 2 tay. Mỗi lần quỳ như thế phải 5 phút, nếu không chị được thì ăn thêm 5 roi tre. 

Sau trùng tu tháp Đôi làm di tích lịch sử và điểm thăm quan du lịch thì chợ Tháp Đôi dòi về đường Hoa Lư gần sông Hà Thanh. Hai ngôi trường làng này ngay sau ngày 01/4/1975 khi Bắc Việt chiếm tỉnh Bình Định thì cũng bị đóng cửa luôn.

Đón đọc: TÔI VÀO TRƯỜNG TIỂU HỌC CỘNG ĐỒNG NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Sài Gòn 14:06 Sunday, 18th Feb 2024


Đăng nhận xét

1 Nhận xét