CHUYỆN Ở TRẠI GIAM XUYÊN MỘC 1 & 2

Hình Nguyễn Thanh Nghị bên trái, ông Nguyễn Phú Trọng thứ hai từ phải qua trong chuyến vi hành ở Kiên Giang 2 ngày 13 và 14/4/2019 của Thông Tấn Xã Việt Nam.

CHUYỆN Ở TRẠI GIAM XUYÊN MỘC 1

16:00 chiều ngày 14/4/2019, cán bộ DĐA vào khu A4 - khu giam tù chính trị của trại giam Xuyên Mộc - đến phòng số 1 gọi tôi ra cửa và báo rằng, ông Trọng bị tai biến ở Kiên Giang.

Tôi bảo, giả chết bắt quạ thôi, cán bộ. Đôi mắt cán bộ tròn xoe ngạc nhiên và hỏi.

Bác sĩ nghĩ sao mà nói vậy? Tôi trả lời,

Tại sao không tai biến ở đâu mà lại tai biến ở căn cứ địa của cha con ông Dũng? Cán bộ có xem ông Trọng phát biểu trước hội nghị không? Sức khỏe con người nói thì rất dài dòng, nhưng trong y khoa đúc kết rất đơn giản: “Nhất thanh, nhì sắc”. Muốn biết người đó khỏe hay yếu chỉ cần nghe thanh âm họ nói và sắc diện của khuôn mặt. Ông Trọng phát biểu trước hội nghị cả tiếng đồng hồ mà giọng cứ sang sảng thì bệnh tật ở đâu ra?

Cán bộ nghe xong gật gù và ra ngoài khu trại giam A4, không quên nói thêm, sáng sớm mai tôi mời bác sĩ cà phê nhé. Tôi đồng ý.

Chuyện sáng hôm sau 15/4/2019 sẽ viết ở phần 2 vào ngày mai. 

Sài Gòn, 16:39' Monday, 28th Aug 2023

CHUYỆN Ở TRẠI GIAM XUYÊN MỘC 2

Hầu hết cán bộ ở 4 trại giam mà tôi đã đi qua trong 4 năm đầy oan nghiệt là: PA92 ở số 4 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh, TPHCM; khu tử tù Khám Chí Hoà quận 10, TPHCM; trại giam và phân phối Bố Lá ở Bình Dương; và Trại giam Xuyên Mộc ở Bà Rịa Vũng Tàu  - đều ngạc nhiên về tôi.

Họ bắt đầu từ khinh thường tôi là thằng phản động, đến nghi ngờ rồi chuyển sang kính trọng và quý mến từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói và lắng nghe đề đạt những ý kiến của tôi về cuộc sống trong tù.

Họ khinh thường vì họ nghĩ rằng tù nhân chính trị ai cũng như ai. Riêng tôi, ngay từ khi chưa bị bắt, tôi đã từng nói với gia đình mình là, nếu tôi có bị bắt thì không có ai trong gia đình được làm bất cứ hành động, lời nói nào với người khác về thông tin tôi ở trong tù. Mọi việc tôi tự lo, khi cần tôi sẽ có thông tin ra ngoài dù có đang bị biệt giam.

Sau một thời gian điều tra, họ bắt đầu ngạc nhiên về tôi. Họ hỏi, sao cái gì tôi cũng nhận mình làm mà không chối cãi, gây khó cho điều tra như những người tù khác? Tôi bảo:

“Lòng yêu nước không có cái gì cân đong đo đếm được, tại sao tôi phải chối bỏ lòng yêu nước của mình hả cán bộ?Những gì tôi làm là lòng yêu nước thôi thúc tôi phải làm, tôi không làm là tôi có tội với đất nước và dân tộc này, thế sao tôi phải chối bỏ?”

Từ đó, họ đổi cách xưng hô không còn tôi và anh mà là tôi và bác sĩ với tôi. Lời đồn từ PA92 sang Khám Chí Hoà, đến Bố Lá và cuối cùng là Xuyên Mộc, tôi được tôn trọng và tin tưởng như một người trong gia đình. Chính vì thế mọi thông tin bên ngoài quan trọng, tôi được gọi ra và thông báo trước khi báo chí và truyền hình đưa tin.

Trong tù, cán bộ đau bệnh thường yêu cầu tôi cho toa thuốc, nhưng tôi xin ra khám bệnh cho người tù thì không được phép vì có lệnh ở trên phải giam tôi trong buồng giam, không được ra ngoài vì sợ tôi tuyên truyền kích động, lôi kéo.

Quay lại câu chuyện, đúng 8:00 sáng 15/4/2019, tôi được mở cửa buồng giam ra ngoài được cán bộ DĐA mời cà phê ở phòng tiếp tù nhân khu A4 trại giam Xuyên Mộc. Câu đầu tiên cán bộ hỏi tôi là, bác sĩ thấy ở đây tốt không?

Tôi, ở tù làm sao bằng ở ngoài, nhưng ở đây không khí trong lành, khí hậu tốt hơn ở Sài Gòn, yên tĩnh và có thời gian để làm nhiều việc mà 30 năm qua tôi không có thời gian để làm, ví dụ như, thiền, tập thể dục, đọc sách, viết nhật ký, viết sách, viết thư dạy các cháu ở nhà, nói chung ở đâu tôi cũng bận, nhưng khác nhau là nội dung bận trong ngày, nên không thấy chán.

Cán bộ, theo bác sĩ thì đất nước mình cần những gì?

Tôi, cần gì thì tôi đã viết hết trong hơn 2.000 bài viết trên bshohai.com rồi, nhưng có một vấn đề rất khác nhau giữa một quốc gia chậm tiến và quốc gia phát triển là lãnh đạo. Lãnh đạo quốc gia phát triển thì thực hiện những gì cho đất nước ấy phát triển, còn lãnh các nước chậm tiến chỉ ngồi nghĩ ra làm sao cho ở cấp dưới đấu đá nhau quên đi việc tranh đoạt ngai vàng của mình.

Cán bộ, bác sĩ nói thế thì lãnh đạo nước ta không yêu nước?

Tôi, không phải không yêu nước, mà họ yêu cá nhân họ hơn yêu nước.

Cán bộ, à câu chuyện hôm qua, theo bác sĩ ông Trọng có qua khỏi không? Tôi nghe nói phải dùng chuyên cơ về BVCR cấp cứu, chắc ổn mới về Hà Nội.

Tôi, bệnh tật gì đâu mà lo. Cán bộ chờ xem tôi nói có đúng không? Cán bộ xem thử lịch trình làm việc với nước ngoài của ông Trọng sắp tới như thế nào sẽ rõ.

Cán bộ, 24 đến 28/4/2019 này cụ đi Trung Quốc!

Tôi, à! Thế là nguyên nhân ở đây. Cụ muốn người khác đi thay. Cũng là cái rất hay đấy. 

Cán bộ, suy nghĩ và hỏi, theo bác sĩ sức khỏe ông Trọng đủ để đảm nhiệm vai trò không?

Tôi không có thông tin ở ngoài nhiều, nhưng tôi chắc rằng ông ngồi mãi không về đâu. Tôi thấy, khi nào ông yên lặng một thời gian dài là chuẩn bị có sóng gió cho những người khác. Ân oán nhiều, khó về lắm. 

Tôi kể cán bộ nghe, hồi tôi còn làm ở BVCR, cuối năm 1993, thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm và cùng giao ban cuối tuần với các bác sĩ về hoạt động chuyên môn và hành chánh, nhưng cái chính là để đưa quyết định về hưu cho giám đốc GS Trịnh Kim Ảnh.

Giao ban xong thì, GS Ảnh đi từ bàn chủ trì giao ban xuống chỗ ghế ngồi của thủ tướng, phải xuống 3 bậc Tam cấp, vừa đi xuống, GS Ảnh vừa nói: “Già rồi, đi lên thì dễ, nhưng đi xuống khó quá, khớp xương nó không chịu được, anh Sáu cùng tuổi với tôi vẫn còn làm thủ tướng, tôi chỉ làm giám đốc một bệnh viện thôi mà phải không anh Sáu? Anh còn nhớ lúc Trần Văn Ơn nó bị bắn, tôi là lãnh đạo sinh viên Việt Nam không? Chúng mình cùng tuổi, cùng lo vận nước vậy mà ổn hơn tụi nhỏ sau này anh Sáu à!”

Sau đó, nghe nói thủ tướng rút lui quyết định. Chuyện lan man đến 9:00 tôi về buồng giam.

Ảnh của phóng viên Tuyết Mai báo Tuổi Trẻ chụp ngay trước phòng xử án của tòa án nhân dân TPHCM sau khi phiên tòa xử án tôi một cách yên ã ngày 01/02/2018 nhằm rằm tháng Chạp năm Mậu Tuất sắp chuyển sang năm Kỷ Hợi sau khi biệt giam trong buồng tối 25 tháng!

Sài Gòn, 16:33' Tuesday, 29th Aug 2023

Đăng nhận xét

0 Nhận xét