NÓI MỘT LẦN CHO XONG (kỳ 3)


Báo chí vào cuộc ủng hộ dự án thay đổi sách giáo khoa tiểu học để làm gì? 

CUỘC ĐẢO CHÍNH NĂM 1995

Loạt bài lấy từ nguồn: Công Nghệ Giáo Dục

“Nếu khi đó người ta thực lòng nghĩ đến trẻ em, người ta không nghĩ đến sự làm mất thể diện lẫn nhau, thì sự thể đã khác!”

- Phạm Toàn

*************

“VTC chạy hàng chữ làm nốt nhấn: Cuối năm 1995, Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, đã không ủng hộ chương trình thực nghiệm - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Tôi nói: đó là cuộc đảo chính năm 1995. Khi đó, Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại đã lan ra 43 tỉnh và thành phố. Tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 60 phần trăm lớp 1 học sách tiếng Việt CNGD. Ở Lào Cai, giáo viên tiểu học dạy CNGD đi thi giáo viên giỏi đều đoạt giải. Thành tựu đặc biệt của CNGD là đã có mặt ở miền núi nơi có những học sinh dân tộc thiểu số: Hoà Bình, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Nguyên … Quảng Bình, Thừa Thiên, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Thuận … An Giang, Sóc Trăng… CNGD chẳng có biệt tài gì hết: chỉ vì hệ thống đó không cho giáo viên giảng giải, buộc học trò làm việc, nên nó dễ dàng thành công ở vùng dân tộc ít người. Có vậy thôi!

Nếu khi đó người ta thực lòng nghĩ đến trẻ em, người ta không nghĩ đến sự làm mất thể diện lẫn nhau, thì sự thể đã khác! Về mặt năng lực nghiệp vụ thì có thể thấy phân bố chiến tuyến như sau. Có một “phe” sau cuộc đảo chính đó đã cho ra đời được cái gọi là chương trình nổi tiếng một cách bi thảm có tên CT-2000, đẻ ra rồi mà vẫn không có tên gọi là “cải cách” hay là “thay sách” và vừa dùng mấy bữa đã đòi “giảm tải”, rồi “giảm tải sâu” (🚩xem ảnh chi tiết - admin). Có một phe thực nghiệm chưa hoàn thiện…

Một bên này tổ chức cho Hồ Ngọc Đại ăn quả lừa thật to. Họ bắn tin cho Nguyễn Kế Hào (khi đó chưa từ chức vụ trưởng tiểu học) là sẽ mở rộng CNGD ra cả nước. Một cuộc “Hội thảo khoa học” ba ngày được tổ chức ở nhà khách Hùng Vương. Nên nhớ tên của sự kiện là HỘI THẢO KHOA HỌC chứ không phải là Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn).

Bên ngoài Hội nghị, trên tập san Đại học và trung học chuyên nghiệp Nguyễn Minh Thuyết cho đăng bài báo hai kỳ chửi vỗ mặt “một ông tiến sĩ, chẳng hiểu là nhà khoa học, hay là người mắc bệnh tâm thần”… 

Bên trong hội thảo, ba báo cáo do ba người tung hứng nhau: Nguyễn Minh Thuyết, Phan Trọng Luận, và Nguyễn Kỳ (nguyên thứ trưởng giáo dục khi đó đã về hưu).

Các em giáo viên trường thực nghiệm CNGD bị đánh úp. Thủ trưởng của họ bị đánh úp. Hồ Ngọc Đại vớt vát chịu nhục ôm bộ sách CNGD xin vào họp với cái gọi là “Hội đồng” thành lập khi nào có Giời biết, chỉ cốt bỏ phiếu xoá tên CNGD và chuẩn bị cho ĐẠI DỰ ÁN CT-2000 (Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học 2000 - admin) ra đời. Họ đóng sập cửa trước mũi Hồ Ngọc Đại: “Xin lỗi, chúng tôi không mời ông”…”

(Lời thưa:

Trên đây là đoạn trích bài viết của nhà giáo Phạm Toàn phản bác lại ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết ngày 18/5/2012 được đăng trên VTC News. Đây là tư liệu chân thực của một người trong cuộc, nên được phổ biến lúc này bởi những người khác trong cuộc hiện tại vẫn đang khoẻ mạnh và họ có thể lên tiếng, đồng thời cũng được xem là tư liệu cho những ai cần nghiên cứu về CGD Hồ Ngọc Đại.

Bài được lưu giữ tại Thư viện Phạm Toàn tại thôn Hội Phụ, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội và được đăng trên facebook của dịch giả Phạm Anh Tuấn.)

*************

GS Nguyễn Minh Thuyết chủ nhiệm chương trình sách giáo khoa lớp 1 niên khóa 2020-2021(Ảnh của Báo Người Lao Động)

Để hiểu rõ hơn về bài báo hai kỳ của GS Thuyết, xin được trích đoạn mở đầu như sau (🚩 toàn văn mời xem chi tiết trong ảnh đính kèm).

VỀ CÁI GỌI LÀ “CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC” CỦA TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC

Đăng trên Tạp chí Đại học & giáo dục chuyên nghiệp – 3.98

“Từ 20 năm nay, ở nước ta bỗng có một người đi đâu cũng ồn ào công kích nền giáo dục dân tộc, đòi dỡ nó ra để làm lại từ đầu và quyết tranh bằng được cái quyền thầu xây lại “ngôi nhà giáo dục” đó. Người ấy chẳng phải ai xa lạ, đó là ông tiến sĩ Hồ Ngọc Đại.

Lý luận của ông Đại hấp dẫn một số người, nhất là một bộ phận cán bộ quản lý ngành, đang khao khát đổi mới giáo dục, vì nó được sơn một lớp sơn ngôn từ khá là “công nghiệp”, hợp thời thượng.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm đánh vật với cuộc sống, ông tiến sĩ lý luận vẫn không chinh phục nổi anh chàng “cây đời”. Hà Nội, nơi mở cửa hàng dịch vụ công nghệ giáo dục vẫn khăng khăng cự tuyệt món hàng được đưa đến tận nhà.

Còn các địa phương xa Thủ đô, sau mấy năm đầu hào hứng nhập công nghệ, đã thấy ngờ ngợ, ngập ngừng, rồi ngả nghiêng lập trường, để rồi cuối cùng ngao ngán thu hẹp phạm vi ứng dụng, thậm chí ngừng ngay việc triển khai CGD ở địa phương mình. Cuối năm 1995, cả 9 Hội đồng chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để đánh gái các chương trình giáo dục tiểu học đều thẳng thừng bác bỏ chương trình CGD này”

- Nguyễn Minh Thuyết

*************

2019, Công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại một lần nữa lại lan ra 48 tỉnh, thành phố.

Một lần nữa...

Xem thêm:

Kỳ 1: Đôi điều sự thật về trường Thực Nghiệm

https://bit.ly/2X805q3

Kỳ 2: Về hội đồng thẩm định cấp nhà nước năm 1990

https://bit.ly/2XawTik

Tư Gia, 22:02 Monday, 12nd Oct, 2020

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. vậy đó bác, cho 1 tên lưu manh chủ biên ra bộ sách thì sao học được

    Trả lờiXóa