NHẤT VÀ TÔI

Trương Duy Nhất trong ngày phúc thẩm 14/8/2020 - Hình của Lê Nguyễn Hương Trà.

Bài đọc liên quan:

- Đạo và đời - Không và có

- Thời suy quỷ lộng - Đất động chó tru

Vào ngày 14 tháng 8 năm 2020, Trương Duy Nhất vừa mới bị tuyên y án 10 năm với tội danh "Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" khi còn làm ở Báo Đại Đoàn Kết chi nhánh Đà Nẵng.

Tôi cũng bị bắt ngày 02 tháng 11 năm 2016, đến ngày 01 tháng 02 năm 2018 tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tội "Tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" với án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế tại địa phương.

Hai đứa cùng thế hệ 196x, tôi sinh ra ở miền Nam trước 30 tháng 4 năm 1975, nên được tắm mình trong một nền giáo dục, văn hóa sống, và ảnh hưởng tư duy sao chép khác biệt với những gì đã được dạy sau ngày đất nước thống nhất. Nhất sinh ra ở miền Bắc vì theo Cha tập kết, nhưng học trung học ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

Dạy trẻ ở giai đoạn tư duy sao chép như thế nào?

Hai đứa cũng từng làm việc cho nhà nước sau khi tốt nghiệp đại học. 

Tôi làm bác sỹ tại Bệnh viện Chợ Rẫy rồi sau đó bỏ ra lập cơ sở tư nhân làm việc, viết blog BS Hồ Hải, về nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, triết học, tư duy, kinh tế, chính trị, quốc tế, và hiện tình đất nước trong lúc nhiễu nhương. Rồi bị bắt chỉ vì yêu nước.

Nhất làm ký giả cho Báo Đại Đoàn Kết, rồi trả thẻ nhà báo, ra viết blog, sau 2014 thì là facebook với cái tên: "Trương Duy Nhất (Một góc nhìn khác)". Rồi bị bắt năm 2013, và đầu tháng Ba 2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng phạt Nhất 2 năm tù, cáo buộc Nhất tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước vì đã viết 11 bài đăng trên trang blog "Một góc nhìn khác" của Nhất, như các bài có tựa đề  "chấm điểm Thủ tướng", hoặc bài yêu cầu "Tổng bí thư phải ra đi"... Động cơ của Nhất cũng chỉ vì yêu nước.

Trong số những người quan tâm khi tôi vào tù thì, chỉ có Nhất viết bài về tôi và Nguyễn Đình Ngọc là bài tôi thấy đàng hoàng nhất, sau đó là bài BS Hồ Hải của Bùi Thanh Hiếu.

Tôi ngay sau phiên xử án ngày 01/02/2018 - Hình của Báo Tuổi Trẻ.

Ai sống ở Việt Nam sau sự cố 30 tháng Tư năm 1975 là một diễm phúc, chứ không là một bất hạnh. Vì không có khổ đau làm sao thấy được sung sướng; không có bất hạnh làm sao thấy được hạnh phúc; không có nước mắt làm sao hiểu được nụ cười quý giá biết nhường nào? Đó là nhị nguyên luận trong triết học, hay có thể hiểu là 2 mặt của một vấn đề.

Ai chưa đi tù làm sao hiểu được tự do như thế nào? Ai chưa sống với gông cùm làm sao hiểu hết ý nghĩa của tự do dân chủ? Ai chưa sống với giang hồ tứ chiến làm sao hiểu được sự tử tế của bậc thánh nhân? 

Vì thế, với tôi, và dĩ nhiên với Nhất việc đi tù không còn là việc phải lăn tăn, hay lo lắng. Tù mà cũng như không, tôi chắc chắn thế. Vì chỉ những ai đã từng đi tù, sẽ hiểu khi đi tù ta nên làm gì để đạt đến nhất thể, rồi đi đến chỗ Hư Không; trong khi ở đời thường ta lại đi từ lưỡng nghi - nhị nguyên - đến tứ tuyệt, và hằng hà sa số những bất toàn. Ấy mới thấy tại sao khi nói lời cuối cùng trong phiên tòa phúc thẩm Nhất đã rất cương trực rằng: 

"Cuối cùng, để khép lại phần lời nói sau cùng trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xin được đọc bốn câu thơ mà tôi viết vội đêm qua :

Ôi đất nước thuở nhóm lò loạn lạc

Lú cũng lên ngôi, quẹo cũng xưng hùm

Mẹ tổ quốc hay chúng mình có lỗi

Trí nhân đâu rặt một lũ điên khùng"

Còn tôi, khi tòa hỏi tôi có nói lời cuối cùng gì không trong phiên xử ngày 01 tháng Hai năm 2018, tôi chỉ một tiếng: "Không!" Vì tôi đã chấp nhận việc mình làm sẽ đến chỗ tù đày, và có thể cả việc mất mạng. Có gì hạnh phúc bằng nằm xuống vì Tổ quốc và Dân tộc?

Thế hệ sinh ra ở miền Nam hay ở miền Bắc trước sự cố 30 tháng Tư năm 1975 của chúng tôi là như thế đấy! Một thế hệ sinh ra trong nội chiến khổ đau, lớn lên trong loạn lạc và nhiễu nhương. Giờ đến tuổi xế chiều, sao không vì một lần, thậm chí nhiều lần tù đày hoặc chết cho sự tử tế để Tổ quốc và Dân tộc ngẩng cao đầu?

Đa Khoa Phước Sơn, 14:14 Chủ nhật, 16 Aug, 2020

Đăng nhận xét

0 Nhận xét