VẤN ĐỀ SỮA VÀ NHŨ NHI

Hỏi bệnh giúp 80% chẩn đoán tất cả các bệnh tật

Bài đọc liên quan:

Chỉ mới làm việc chưa đầy một tháng sau 3 tháng ra tù, nhưng có nhiều vấn đề Y học cần viết dành cho các bạn trẻ đã và đang theo đuổi nghề Y. Vấn đề hôm nay tôi xin có vài lời là Sữa và nhũ nhi - trẻ còn bú sữa.

Trong tuần qua tôi có 4 bệnh nhi rắc rối về vấn đề sữa cho trẻ còn đang bú - nhũ nhi - nhưng Mẹ trẻ lại đi làm, không có thời gian chăm trẻ. Thế là rắc rối xảy ra, khi Mẹ nghe theo lời truyền miệng hoặc quảng cáo trên truyền thông đại chúng đổi sữa cho trẻ.

Ba trong 4 trẻ bị tình trạng táo bón đến 5 ngày không đại tiện. Một trẻ còn lại thì tiêu chảy. Tất cả 4 trẻ đều phải đi khám và tư vấn dinh dưỡng ở nơi uy tín, nhưng về nhà trẻ vẫn thế sau khi dùng thuốc của các nơi tư vấn. Thế là, các Mẹ đưa trẻ đến tôi.

Khi hỏi bệnh mới biết rằng trẻ vừa được Mẹ cho thay đổi sữa cho trẻ, và táo bón hoặc tiêu chảy xuất hiện. Nhưng các nơi khám trẻ trước đây không hề chú ý. Cuối cùng trẻ bị tình trạng này suốt hơn nửa tháng. Tội cho trẻ, mà người làm nghề Y cũng có tội vì không khám kỹ bệnh nhi.

Trong Y học, việc khám bệnh dù Đông hay Tây Y đều được dạy rất kỹ khi được học Triệu chứng học - Symtomatology. Trong thăm khám lâm sàng như một bài viết của tôi: "Y khoa là ngành khoa học gì?", tôi có viết:

Trong Đông y có vọng, văn, vấn và thiết - nhìn, nghe, hỏi, khám - thì trong Tây y có Hỏi, Nhìn, Sờ, Gõ và Nghe, thậm chí phải Ngửi, và ... Nếm khi cần.
 Hỏi bệnh chiếm 80% trong chẩn đoán, khám bằng Nhìn, Sờ, Gõ, Nghe và xét nghiệm góp thêm 20% còn lại. Có nhiều bệnh, chỉ cần hỏi là đã xong 100% chẩn đoán xác định bệnh tật.

Trẻ nhũ nhi đang ở chữ KHÔNG. Trong đó, không biết nói là một chữ không và nhiều chữ không khác.Trẻ nhũ nhi chỉ khóc hoặc từ chối những gì chúng thấy sẽ làm chúng không an toàn. Làm Cha Mẹ, đặc biệt làm nghề Y phải cố gắng hỏi người nuôi hoặc chăm trẻ trực tiếp càng nhiều thông tin càng tốt trong chẩn đoán bệnh cho trẻ.

Tôi luôn nhắc nhở các bạn trẻ làm chung với tôi rằng: "Bệnh nhân là Thầy của thầy thuốc. Vì những lý do sau: 

1. Làm thầy thuốc mà không có bệnh nhân thì làm sao có thể có kinh nghiệm phải không? Vì lý thuyết chỉ là một màu xám, còn cây đời vẫn mãi xanh tươi như Đại Văn hào Johann Wolfgang von Goethe đã nói.

2. Bệnh nhân họ mới dạy cho thầy thuốc cái bệnh họ đang mang có những vấn đề gì. Phải hỏi kỹ, khám kỹ thì mới tìm ra những điều mới mẻ, mà có thể người khám trước có thể sót, có thể vì quá đông bệnh hoặc vì một lý do nào đó ngoài ý muốn mà để sót.

3. Chỉ có Người bệnh chứ không có cái bệnh. Vì cũng bệnh viêm dạ dày, nhưng ở người bệnh này biểu hiện khác, người bệnh kia biểu hiện khác. Nên chính những người bệnh mới dạy thầy thuốc sự đa dạng, phức tạp và rắm rối của bệnh cảnh lâm sàng. Nó sẽ giúp thầy thuốc có kinh nghiệm, có cái nhìn tổng thể về một bệnh lý, chứ không chỉ có cái bệnh mô tả trong sách vở nhà trường Y khoa.

Quay lại vấn đề 4 trẻ nhũ nhi đã nói ở trên, khi tôi khám, tôi không cho thuốc, chỉ dạy Mẹ của trẻ cách sử dụng sữa, thêm gì, bớt gì trong sữa đang dùng gây trẻ táo bón hoặc tiêu chảy, và khuyên Mẹ của trẻ sau khi hết lô sữa mới thì, nên cho trẻ quay trở lại sữa trước kia trẻ đã dùng, thế là trẻ hết táo bón hoặc tiêu chảy chỉ sau 3 ngày.

Hãy yêu thương và xem người bệnh như là chính mình, lúc ấy các bạn sẽ trở thành thầy thuốc giỏi. Đây là lời chân thành của người vào nghề Y đã 37 năm tính đến hôm nay.

Chúc các bạn trở thành thầy thuốc của lòng dân, không nên là thầy thuốc với danh xưng to tác.

Đa khoa Phước Sơn, 11:22, 16 July, 2020

Đăng nhận xét

0 Nhận xét