VÌ SAO TÔI CÓ MỘT TRIỆU LƯỢT TRUY CẬP?

Ngày đăng: [Tuesday, June 21, 2011]
Tôi bắt đầu viết blog ngày 10/3/2009 bên Mỹ theo mốc thời gian của Google, tức ngày 11/3/2009 ngày Việt Nam. Bài đầu tiên là nỗi niềm đau đáu của một dân tộc với cái tựa: Nhân cách cộng đồng và sự phát triển. Một bài viết ngắn về văn hóa, nhưng mãi đến hơn 10 tháng sau mới có được một bàn luận của một tiến sĩ khoa học bên ngành giáo dục. 

Từ đó đến nay số bài viết, bài dịch và sao chép về đã lên đến 580 bài. Số bài sao chép chủ yếu là để giới thiệu cho bạn đọc trên blog này những blog và bài viết hay. Số ấy khoảng 10 bài. Số bài dịch khoảng 30 bài cho đến nay. Phần còn lại là bài viết của tôi về các lĩnh vực: triết học tư tưởng, y học, giáo dục, văn hóa, kinh tế, kinh doanh, chính trị, xã hội, môi trường, v.v...

Để có được một khối lượng kiến thức còn sót lại sau những gì đã quên cho hơn nửa đời người là nhờ vào triết học. Một khoa học chung nhất cho các khoa học. Nó đã giúp tôi phân tích sự kiện có chút duy lý, sau đó hệ thống, sắp xếp được một khối lượng kiến thức tương đối lớn, mà không bị mất thăng bằng.

Đến 12h00 khuya đêm qua - 19/6/2011 - con số 1 triệu lượt người xem mới đạt được theo thống kê của Google bắt đầu từ tháng 5/2009 đến nay. Nếu không có những lần ném đá cá nhân qua chuyện bếp núc đời tư, thì không dễ gì có được con số này. Vì những bài viết của tôi không dễ "được lòng người dân Việt" hiện thời.

Nhìn top 10 bài được đọc nhiều nhất cũng thấy được nhiều điều trong dân tình Việt

Trong quá trình đó, khen cũng nhiều, mà chê cũng không ít. Và tôi cảm nhận được cái giá phải trả cho một người bắt đầu nổi tiếng là như thế nào? Mỗi một con người sinh ra và lớn lên, được đắm mình trong một không gian văn hóa, giáo dục và tự tiếp thu hoàn toàn khác nhau với các đối tượng khác cùng hoặc khác thời của mình. Cho nên, chuyện có những quan điểm bất đồng là điều không tránh khỏi. Song với tôi, chơi với một người là tìm cái tốt để chơi, và nên bỏ qua những cái xấu của người ấy. Đó là điều cần cho mỗi người biết vị tha và bao dung trên cõi đời ô trọc này.

Mười quốc gia có số truy cập nhiều nhất

Không ai sinh ra đời bằng nụ cười, mà chỉ bằng tiếng khóc. Không khóc thì đánh cho khóc để hệ hô hấp và tuần hoàn của nhũ nhi có thể bắt đầu tự sống riêng cho mình, mà không cần phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của dòng máu mẹ. Cho nên, bản chất của cuộc đời là khổ đau và bất hạnh. Không có gì phải cảm thấy buồn đau khi có ai đó bất đồng và đem chuyện bếp núc của mình phơi giữa bàn dân thiên hạ.

Duy chỉ có điều, thông qua đó mà tôi có thể thấy được những tiến triển về mặt văn hóa và dân trí cộng đồng Việt có những nét khá lạc quan. Một bộ phận rất nhỏ những ai bất đồng và đả kích tôi là người lớn tuổi có học, còn mang nặng văn hóa duy tình, mặc cảm và đố kỵ thua sút. Đại diện tiêu biểu lại là những "đồng nghiệp vô danh" khi khả năng và tầm của họ chỉ ở mức của tầng lớp thấp trong chuyên môn, kiến thức và giao tiếp cộng đồng. Thôi thì viết bài này cũng nên dẫn nguồn để họ được "thơm lây".

Song khi có những bất đồng và ném đá bằng chuyện bếp núc đời tư thì lúc ấy lại là lúc số lượt người xem cao nhất. Qua đó cho thấy tính hiếu kỳ của cộng đồng mạng Việt Nam chủ yếu nằm ở bản chất văn hóa chiến tranh, như trong một bài viết của tôi. Ngoài ra, nó cũng cho thấy cái cách vụng về của "trí thức Việt" trong cách chọn phương pháp để nâng mình lên với cộng đồng. Nó không khác gì các sao chịu hở hang, nút niết để được quảng cáo và tăng tiền thù lao cho một buổi diễn rẻ tiền.

Bộ phận lớn chiếm đa số là những người có học và có đủ tầm nhìn lại rất đáng yêu khi họ cảm nhận được nơi đây là một trường đại học thứ hai. Và có những bạn trẻ phải nói lên tâm sự rằng để hiểu được hết những gì tôi trình bày trên blog này thật khó. Và họ cũng đã từng hiểu nhầm, ghét, bỏ đi rồi quay lại sau những sai lầm để bây giờ thấy những gì tôi viết là đúng. Đó là một hạnh phúc lớn nhất trong quá trình "Chia sẻ kiến thức là con đường dẫn đến sự bất tử" mà ngài Đạt Lai Lạt Ma đã cố gắng cho đất Mẹ của Ông, khi bị rơi vào tay bọn khuyển dương Trung Hoa hơn nửa thế kỷ nay - vẫn bất thành.

Cuối cùng tôi thật sự cảm ơn cả hai luồng ý kiến đồng thuận và đả kích để lấy số má qua blog của tôi. Dĩ nhiên, sự trân trọng dành cho những bạn đã góp ý đúng cái sai của tôi, thứ đến là các bạn đã đồng cảm và hiểu được những trăn trở của tôi. Và cuối cùng là những đả kích có tính bếp núc để blog của tôi sớm được 1 triệu lượt truy cập hôm nay. Viết đến đây tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của bài Thử nói về hạnh phúc của nhà thơ Thanh Thảo:

"...Có những thằng con trai 18 tuổi,
Nhiều khi cực quá, khóc òa.
Nhiều lúc tức mình chửi bâng quơ
Phanh ngực áo và mở trần bản chất.
Mỉm cười trước những lời lẽ quá to,
Nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc..."

Thế hệ chúng tôi, thế hệ của những con người sinh ra trong loạn lạc, lớn lên trong lúc đất nước gian nan vì hôn quân bạo chúa, là như vậy. Nên tôi rất cảm thông và chia sẻ với những đồng cảm và cả những bất đồng có tính cực đoan.

Có người cho blog của tôi là lề trái, có người cho là lề phải. Tôi tự cho mình như một số bạn đọc đánh giá là blog không lề. Thôi thì nghiệp đã trót đeo mang vậy. Dù chỉ là một giọt nước rơi giữa ao bèo.

Asia Clinic, 10h26', ngày thứ Ba, 21/6/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét