THOÁT TRUNG LUẬN 4

Ngày đăng: [Wednesday, January 14, 2015]
Bài đọc liên quan: Ba bài Thoát Trung Luận

Hồi tháng 6/2014, tôi tiếp xúc với 1 chuyên gia kinh tế đáng kính. Tôi cho rằng ở Việt Nam bây giờ chỉ có người này là đáng kinh và có trình độ thực sự. Nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ, và cũng bàn quanh chuyện làm sao để GO WEST Foundation thực hiện được nhiệm vụ của nó? 

Chuyên gia kinh tế này giờ đã lớn tuổi, nhưng mỗi ngày làm việc từ 18 - 20 giờ đồng hồ, chỉ vì thực hiện nổ lực cho một đề tài lớn: "Làm sao để thoát sự lệ thuộc kinh tế Trung Hoa?". Vấn nạn Việt nam hôm nay là nguy cơ mất nước từ vấn nạn lệ thuộc Trung Hoa.

Theo tôi, không phải lãnh đạo Việt Nam không biết, không hiểu những gì nền kinh tế chính trị Việt đang yếu kém. Nhưng hiện tình Việt Nam đang bị mắc vào một cái bẫy lớn với Trung Hoa sau Hội nghị Thành Đô 1990 là: bị phụ thuộc cả chính trị và kinh tế. Để thoát ra khỏi sự phụ thuộc này là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nổ lực của cả dân tộc và của cả đảng cầm quyền hiện nay. Vì sự phụ thuộc hiện nay đã hình thành từ 25 năm chứ không phải chỉ một ngày hay một tháng.

Sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Hoa vì hàng giá rẻ không chỉ một vài nước bị như Việt Nam, mà ngay cả Hoa Kỳ cũng bị lún vào tình trạng này, nếu các bạn có đi Hoa Kỳ và vào những siêu thị lớn và nhỏ như Costco hay Walmart etc, các bạn sẽ thấy tràn ngập hàng tiêu dùng có nhãn Made in China, nhưng hàng có chất lượng tốt, mà giá cực rẻ.

Khác với Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Việt Nam có một biên giới dài ở phía Bắc giáp với Trung Hoa. Lại thêm hông sườn Tây có Lào và Cambodia yếu kém có thể ngã về Trung Hoa, khi Trung Hoa sử dụng chiêu bài kinh tế và văn hóa để chiêu dụ. Nên việc thoát Trung Hoa vô cùng khó khăn, nếu chính quyền Việt Nam không đoàn kết và đồng lòng.

Khó khăn nữa là, với chính quyền Việt Nam hiện nay là chưa có 1 lãnh tụ xứng tầm, để có đủ về cả uy tín và tài năng tập hợp lực lượng quanh mình nhằm làm việc Thoát Trung Hoa.

Việc Thoát Trung Hoa là việc cần làm cấp kỳ và ưu tiên số một. Trong tiến trình Thoát Trung Hoa có 2 vấn đề là Thoát kinh tế và Thoát chính trị. Kinh tế là chính trị, nên mới có môn kinh tế chính trị học là vậy. 

Về chính trị

25 năm sau hội nghị Thành Đô, bên Trung Hoa đơn nguyên tập quyền đi theo màu sắc Trung Hoa, thì Việt Nam cũng đơn nguyên tập quyền đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ khác nhau ngôn ngữ, chơi chữ với nhau, thực chất là rập khuôn Trung Hoa.

Rập khuôn chính trị đơn nguyên tập quyền chưa đủ, Việt Nam còn rập khuôn cả sở hữu công mà Trung Hoa đang sử dụng. Một đất nước muốn lớn mạnh cần phải giải phóng hết tiềm năng của con người. Muốn giải phóng được tiềm năng của con người thì phải có nền chính trị công nhận và khẳng định sở hữu riêng tư từ trí tuệ đến lao động giản đơn, và cả vật chất, của cải họ làm ra.

Tôi không thể làm lụng suốt đời để nua 1 mảnh đất, xây 1 căn nhà mà tôi chỉ được quyền sử dụng mà không được quyền sở hữu nó. Trong khi đó, mảnh đất mà có căn nhà của tôi đã mua và xây dựng đó có thể bị chính sách bứng đi lúc nào cũng được, mà tôi không có quyền định đoạt. Tôi cũng không thể sáng kiến phát minh để rồi sáng kiến phát minh đó tôi không được bảo vệ về quyền lợi cho riêng mình.

Một nền chính trị đơn nguyên không có bộ lọc là miền đất cho độc tài và tham nhũng nảy mầm tốt. Rồi chính độc tài và tham nhũng sẽ là yếu tố làm phá tan luật pháp, suy yếu quốc gia. Họa mất nước dưới tay Trung Hoa cũng từ nền chính trị đơn nguyên tập quyền mà ra.

Một nền chính trị đơn nguyên có mặt hầu hết các ngành nghề tronhg xã hội, nhưng không thúc đẩy các ngành nghề mà phát triển, giải phóng sức lao động và sáng tạo, mà chỉ để rình mò người dân và xem dân là kẻ bị trị, thậm chí là thế lực thù địch, dù chỉ là tư duy cấp tiến và khai phóng.

Nền chính trị đơn nguyên tập quyền bóp chết nền giáo dục, thì không thể tạo ra nhân tài phục vụ cho đất nước. Một nền chính trị tốt là nền chính trị phải tạo ra một nền giáo dục tự chủ và khai phóng tư tưởng mới làm ra nhân tài và sáng tạo.

Một nền chính trị đơn nguyên đến giai đoạn thoái trào, nên đã đẻ ra một bộ máy cồng kềnh để bao vệ ngai vàng cho giai cấp cầm quyền. Nó ngốn tiền chính sách quá lớn, buộc phải đẻ ra chính sách để khoan sức dân bằng bao nhiêu thuế, phí đè lên người dân trong khi nền kinh tế đang suy thoái cũng vì chính trị yếu kém.

Muốn thoát Trung Hoa phải thoát ra khỏi nền chính trị đơn nguyên và tập quyền, để hình thành một thể chế giải phóng sức dân và tư liệu sản xuất có luật pháp nghiêm minh. Từ đó, mới có một quốc gia tự lực, tự cường như Hàn Quốc, Đài Loan đủ sức để sống bên cạnh Trung Hoa.

Về kinh tế

Nền chính trị đơn nguyên và sở hữu cong tư liệu sản xuất đã làm cho nền kinh tế ngày càng yếu kém. Do nền chính trị đơn nguyên đã làm phá vỡ quy luật cung cầu, và cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế thị trường. Sau 25 năm năm cởi trói, nền kinh tế Việt Nam sao y bản chính kinh tế Trung Hoa - bán tài nguyên và sức lao động để sống, cộng thêm lượng kiều hối của Việt kiều gửi về là chính.

Tăng trưởng kinh tế 25 năm sau cởi trói bản chất là nhờ vào đổi tài nguyên, môi trường và đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng. Bài học kinh tế này được sao y bản chính từ Trung Hoa thời Giang Trạch Dân. Hậu quả của nó hôm nay cả Trung Hoa và Việt Nam đang trong tình trạng nợ công vì đóng băng bất động sản. Nhưng Trung Hoa là một thị trường lớn 1,4 tỷ dân, có một nền công nghiệp phụ trợ vững mạnh, các đại học Trung Hoa được khai phóng hơn Việt Nam, nên bài toán của Trung Hoa dễ giải hơn Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam thì công nghiệp phụ trợ cho đến nay là con số không tròn trĩnh. Vì không có sáng kinh và phát minh làm ra sản phẩm.

Sản xuất để xuất khẩu của Việt Nam chỉ là gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoại trừ những gì người nông dân và ngư dân làm ra.

Doanh nhân Việt Nam đa phần làm dịch vụ - cò mồi. Một số rất ít doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng mang tính thủ công và công nghiệp nhẹ. Từ tư duy cò mồi đó, sản sinh ra một văn hóa doanh nhân Việt chỉ làm ăn chụp giật, ngắn hạn, lừa đảo, đến nỗi ngay cả những doanh nhân đang là quan lớn của đảng cầm quyền cũng làm ăn chụp giật và lừa đảo, mà tìm kiếm một doanh nghiệp có tính vững bền như tìm sao trên trời giữa ban ngày.

Muốn thoát Trung Hoa về kinh tế, nếu là doanh nghiệp thì không tiếp tay nhập lậu hàng dõm của Trung Hoa vào Việt Nam, mà phải xuất hàng Việt Nam sang Trung Hoa nhiều hơn nữa, và chọn lựa hàng tốt của Trung Hoa để nhập về.

Nhiệm vụ của doanh nghiệp còn có nhiệm vụ phải phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ, và sản xuất hàng tiêu dùng cho xã hội với chất lượng tốt.

Doanh nghiệp cần có văn hóa hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu để tài trợ thúc đẩy khoa học kỹ thuật nước nhà phát triển đi đến tự lực các mặt hàng tiêu dùng trước mắt, và tương lai là khoa học công nghệ phát triển. Đỉnh cao của văn hóa doanh nhân là hiến tặng tài sản cho các trường đại học nghiên cứu, làm ra sáng tạo phục vụ cộng đồng, ở Việt Nam chưa bao giờ có. Ngay bây giờ phải cần tạo dựng, thay vì xây đền đài chùa chiền để buôn thần bán thánh, tư lợi.

Bên cạnh cải tạo doanh nghiệp, cần phải cho dân tiêu dùng cần chọn lọc hàng Trung Hoa mà dùng chứ đừng thấy rẻ mà lợi bất cập hại. Bản thân tôi đã từng dùng quần sooc sản xuất ở Trung Hoa, nhưng cùng 1 sản phẩm sản xuất ở Trung Hoa thì mua ở Việt Nam thì mặc bị dị ứng ngứa khắp người, trong khi đó, quần mua ở Hoa Kỳ cũng sản xuất ở Trung Hoa thì không bị dị ứng. Điều này cho thấy, không phải sản phẩm nào của Trung Hoa cũng xấu, mà xấu là do doanh nghiệp nhập hàng từ Trung Hoa không có đạo đức.

Cái nhìn Thoát Trung sau hội nghị trung ương 10 khóa XI

Tổng kết hội nghị trung ương đảng cầm quyền khóa XI hôm 12/01/2015 vừa qua, kết luận của tổng bí thư là, hội nghị thống nhất đổi mới chính trị, không phải thay đổi chế độ. Trong đó, bản chất của đảng và nhà nước cầm quyền là không thay đổi, đảng cầm quyền độc quyền thông tin truyền thông và quân đội.

Chế độ được định nghĩa là chỉnh thể chính trị, kinh tế, văn hoá hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định. Chế độ hiện nay là được hình thành do hoàn cảnh lịch sử Việt Nam nội chiến sau bị đô hộ trăm năm của người Pháp.

Lịch sử thế giới và nước Việt từ khi có con người cho thấy rằng, dù là bất kỳ chế độ nào đi nữa, thì cũng phải vì quốc gia và dân tộc. Quốc gia dân tộc là trường tồn và vô hạn, chế độ là nhất thời và hữu hạn. Bảo vệ tổ quốc và dân tộc mới là mục tiêu chân chính của một chế độ, chứ không phải bảo vệ chế độ là mục tiêu tối hậu. Một đảng phái chỉ biết bảo vệ chế độ do đảng ấy lập ra thì chắc chắn đảng phái chính trị ấy sẽ mất lòng dân và sụ đổ.

Chế độ hiện tại là chế độ sao y bản chính từ Trung Hoa như đã trình bày, thế thì đổi mới chính trị là đổi mới cái gì? Không thay đổi chề độ thì làm sao thoát Trung Hoa, và làm sao để tự lực tự cường?

Chính trị là một nghệ thuật của sự có thể. Chính khách lưu danh sử sách là chính sách sử dụng nghệ thuật này hiệu quả nhất cho quốc gia và dân tộc, chứ không phải loại chính khách bảo vệ chế độ để phục vụ cho quyền lợi cá nhân và nhóm quyền lợi của đảng cầm quyền.

Asia Clinic, 15h46' ngày thứ Tư, 14/01/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét