KÝ SỰ HOA KỲ 5: MUÔN NẺO DU SINH VIỆT

Ngày đăng: [Saturday, March 08, 2014]
Bài đọc liên quan:
+ Ký sự Hoa Kỳ 1: Người Việt và Hoa Kỳ
+ Ký sự Hoa Kỳ 2: Sự khác biệt của Hoa Kỳ
+ Ký sự Hoa Kỳ 3: Giải quyết những bất cập
+ Ký sự Hoa Kỳ 4: Vì dân, do dân và của dân

Một xã hội tốt đẹp thì công dân được tôn trọng. Ngược lại một xã hội tồi, thì công dân bị khinh miệt. Vài năm gần đây, tiên phong là, ông Linh mục Ngô Quang Kiệt phát biểu, cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu là người Việt Nam đi ra nước ngoài bị ngoại quốc khinh rẻ do chính quyền đã phá nát văn hóa sống và nhân cách người Việt. Đầu năm nay, ông thủ tướng chính thức nhắc nhở, các quan làm ngoại giao đừng để phải xấu hổ khi đi công cán nước ngoài. Gần đây báo chí Nhật thống kê người Việt chiếm 40% tổng số việc ăn cắp của người ngoại quốc tại Nhật. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ Việt có một làn sóng thức tỉnh phải xuất dương.

Chuyến đi con thoi 7 ngày nước Mỹ vừa qua, tôi tranh thủ làm một khảo sát nhỏ về du sinh Việt tại Hoa Kỳ. Có những niềm vui và nỗi đau của thân phận một thế hệ trẻ sống trong quốc gia nhược tiểu, họ cố vùng vẫy để thoát khoải tổ quốc nhục nhằn và đớn hèn. Dạo một vòng các du sinh Việt tại California - thủ phủ của người Việt và cả du sinh Việt - có những đúc kết rất đáng để các bạn trẻ phải suy nghĩ về kế hoạch cho con đường tương lai của mình. Hầu hết các du sinh Việt Nam - nếu không nói là hơn 90% - là du học với mục tiêu thoát khỏi nước Việt. Chính mục tiêu này mà, có những hạnh phúc và nỗi đau đè lên những thế hệ trẻ hôm nay, vì phải vật lộn với xứ Cờ Hoa - không phải thiên đường, chả phải địa ngục, mà là chiến trường của mọi toan tính rất logic và khoa học cho cuộc đời.

Điểm lại du sinh Việt sang Hoa Kỳ có thể chia làm 4 loại.

Loại đầu tiên là con của các nhà giàu - có thể nhà giàu có cả các con ông cháu cha. Họ ra đi để trở về lo cho sự nghiệp của họ và gia tộc đang trên ngai vàng quyền lực hoặc của cải. Loại này, đa phần học hành đàng hoàng, vì họ được sự định hướng trước, và trách nhiệm của gia đình, dòng tộc làm họ không xao nhãng.

Loại thứ hai là nhà giàu mới nổi. Loại này có nhiều lý do để ra đi. Người ra đi để trở về lo cho doanh nghiệp của gia đình. Kẻ ra đi để tạo dựng một cơ nghiệp tại Hoa Kỳ, sau đó mang theo gia đình đi theo. Còn những kẻ ra đi để tìm đường tỵ nạn giáo dục, vì ở nhà có nhiều cám dỗ, thì sang Hoa Kỳ còn lắm cám dỗ chết người hơn - và họ thất bại.

Quảng cáo sex ở thành phố cờ bạc Las Vegas bằng xe bus chạy vòng quanh thành phố. Cứ 3 phút có một chuyến xe chạy qua, với hình ảnh, số điện thoại và địa chỉ website. Nếu tuổi trẻ không nghị lực, bản lĩnh mà thừa tiền thì chưa nói đến cờ bạc, heroin, thì các nơi này cũng là nơi để sa ngã.

Loại thứ ba là những bạn trẻ sinh ra trong gia đình mô phạm, có truyền thống học hành, nhưng giàu có. Họ được cưng chiều ở trong nước. Dù họ có khả năng, nhưng vì quá đủ điều kiện khi sang du học, nên họ kém kỹ năng mềm. Họ học rất tốt, nhưng ra trường không tìm được việc. Họ cứ học mãi, từ trung học lên hết đại học, không tìm được việc, họ sợ quay về sẽ khó có thể được cấp visa đi học tiếp. Cứ thế học học cao học, rồi tiến sĩ, nhưng công việc tìm được cũng chỉ là làm chui ở các quán phở hay tiệm ăn. Đây là một bi kịch cho những bạn trẻ thiếu kỹ năng mềm.

Loại cuối cùng là loại tự lực cánh sinh bằng con đường học bổng. Đa phần loại này thành công. Vì họ đã được chuẩn bị đầy đủ mọi kỹ năng học và sống trước khi đến Hoa Kỳ. Họ không thành công ở Hoa Kỳ thì về lại nước nhà, họ cũng luôn năng động và gặt hái thành công.

Tôi có tiếp xúc tất cả 4 loại du sinh Việt mà tôi phân loại ở trên. Có người vì nhà giàu cưng chiều con cái. Gia đình mua nhà cửa xe hơi để các cháu ăn học nên người. Nhưng các cháu lại gây phiền toái cho gia đình vì tai nạn giao thông, tốn kém cho gia đình đến bạc triệu đô la cho y tế và thương tật, giờ thân tàn ma dại chả biết học gì. Có trẻ, mua cả một chiếc mobihome - nhà di động trên xe - trang bị đầy đủ đồ chơi có thể liên lạc khắp toàn cầu chỉ để ăn chơi, và lúc nào muốn học thì ghé qua trường để "tham quan" chụp hình đưa lên mạng, nhằm chứng minh với gia đình là mình có đi học!

Đau khổ hơn là những trẻ không đủ tự tin, và khả năng ngoại ngữ, vì đi học là do gia đình sợ ở quê nhà sẽ hư đốn hoặc không thể cạnh tranh vào đại học, nên ép chuối non sang Hoa Kỳ học tập. Thiếu khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, thiếu kỹ năng mềm giao tiếp, thiếu cả hiểu biết văn hóa để hội nhập, hậu quả là tự kỷ ám thị và tâm thần phải đi điều trị bỏ dở việc học, nhưng không dám về, vì sợ sẽ không được quay lại học tập ở Hoa Kỳ.

Có trẻ học hành rất tốt, nhưng phần vì lo sợ sẽ không được cấp visa quay lại Hoa Kỳ, nên cứ ở và học lỳ từ cấp này đến cấp nọ mà không cập nhật visa khi chuyển từ trung học hay community college lên đại học 4 năm, và chỉ sống ở Hoa Kỳ bằng tấm giấy I-20 của nhà trường. Cuối cùng xin việc không được mà về cũng không xong, gia đình phải viện trợ để sống sau gần 10 năm học tập ở Hoa Kỳ tốn kém cả triệu đô la, mặc dù, trẻ cũng biết phụ giúp gia đình bằng cách đi làm phục vụ viên chui ở các quán phở, nhà hàng.

Thành công nhất các trẻ thuộc loại 1% đi du học bằng học bổng, và chứng tỏ tài năng để hãng xưởng cho công ăn việc làm và thẻ xanh thường trú nhân ở Mỹ. Nhưng không phải dễ dàng để có được thành công này. Hầu hết những trẻ có thành công này đều chứng tỏ năng lực vượt trội của mình khi còn trên ghế nhà trường. Từ đó giáo sư sẽ đảm bảo, giới thiệu việc làm, và chứng minh năng lực với hãng xưởng.

Thành công thứ hai là trẻ nhà giàu có doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ để kiếm thẻ xanh. Nhưng không phải trẻ nào cũng có thể làm tốt nhiệm vụ này với gia đình. Nếu gia đình không có đủ kinh tế to lớn thì việc giữ cho doanh nghiệp tồn tại nuôi quân bằng đồng lương ở Mỹ ít nhất 10 nhân công trong 5 năm thì cũng sạt nghiệp và quay trở về, khi chưa có được là công dân Hoa Kỳ.

Thành công thứ ba, tuy thực dụng, nhưng hiệu quả nhất, và chấp nhận hội nhập với văn hóa Mỹ lại là các cô gái trẻ du học và lấy chồng Tây để "được" ở lại đàng hoàng như một công dân thực thụ. Cũng có những chàng trai lấy cô gái Việt ở xứ Cờ Hoa để ở lại. Nhưng bất cập nhất là những chàng trai du sinh cặp bồ và lấy gái Tây, do bất cập văn hóa, đuôi chuột quậy hũ mỡ cũng lắm gian nan.

Song có một vấn đề mà các du học sinh khi đến Hoa Kỳ ít quan tâm đến là, yếu tố quan hệ với cộng đồng. Đây là yếu tố thành bại của du sinh bất kỳ quốc gia nào đến Hoa Kỳ, kể cả dân di dân sang xứ Cờ Hoa. Yếu tố mà ngay cả trong xét tuyển vào bất kỳ cấp học nào ở Hoa Kỳ nó cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng - hoạt động ngoại khóa, làm việc tình nguyện và tạo sự liên lạc với giáo sư, nhà trường và cộng đồng. Hãy nghĩ mà xem, Bill Gates và Steve Jobs, Mark Zuckerberg, hay bất kỳ tỷ phú nào của Hoa Kỳ, họ giàu không phải chuyên môn, mà họ giàu nhờ vào yếu tố quan hệ cộng đồng - kỹ năng mềm - sau khi có ý tưởng mới của người khác, chứ không phải chính họ nghĩ ra!

Hương Mắm Ruốc và Mắm Thuyền Nan đang tạo nên tên tuổi Việt từ một du sinh Việt Nam trở về từ Úc. Ảnh của bà chủ trẻ Hương Mắm Ruốc.

Hãy chuẩn bị cho mình một hành trang, và mục tiêu chính xác, đầy đủ trước khi du học, dù bạn du học ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, chứ không riêng gì ở Hoa Kỳ. Chưa chắc bạn ở lại Hoa Kỳ đã là hay, và cũng chưa chắc bạn quay về quê hương đã là dở. Hãy nhìn xem có những Hương Mắm Ruốc đã từ bỏ Úc, quay về quê hương Quảng Trị cày lên sỏi đá để làm nên sự nghiệp và thương hiệu Việt Nam.

Asia Clinic, 9h34' ngày thứ Bảy, 08/3/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét