DỊCH MERS - MIDDLE EAST RESPIRATORY SYNDROME

Ngày đăng: [Sunday, June 07, 2015]
Dịch MERS là gì?

Dịch MERS, hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome: MERS) là một hội chứng  hô hấp do Coronavirus gây ra - cùng loại virus gây cảm lạnh thông thường - gọi là MERS-CoV. 

Coronavirus lớn nhất trong tất cả các virus RNA. Chúng được phân thành 4 chi:. Alphacoronavirus, betacoronavirus, gammacoronavirus, và deltacoronavirus. 

SARS-CoV thuộc betacoronavirus dòng B và chịu trách nhiệm về dịch SARS năm 2002-2003.

So với hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV, thì MERS có thể tác động lên các đại thực bào gây phóng thích cytokine làm gia tăng tình trạng viêm, tổn thương mô, dẫn đến viêm phổi nặng hơn và suy hô hấp. Tế bào nội mô mạch máu nằm trong mô kẽ phổi cũng có thể bị nhiễm MERS-CoV, và vì các cảm thụ DPP4 của MERS-CoV ở trong các tế bào của các mô khác nhau, nên nhiễm trùng đều có thể xảy ra . Điều này giải thích mức độ nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn ở những trường hợp nhiễm MERS-CoV so với nhiễm SARS-CoV.


MERS-CoV thuộc betacoronavirus dòng C mới được phát hiện lần đầu tiên ở Saudi Arabia năm 2012. Tính đến tháng 6 năm 2015, các trường hợp MERS-CoV đã được báo cáo tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Saudi Arabia, Jordan, Qatar, Ai Cập, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Oman, Algeria, Bangladesh, Indonesia, Áo , Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc (cả đại lục và Hồng Kông)… Hầu hết các trường hợp xảy ra ngoài Trung Đông đều liên quan đến Saudi Arabia. Sự bùng nổ gần đây nhất là ở Hàn Quốc với hơn 30 trường hợp được báo cáo, và hơn 1300 người bị cách ly. 


Nguồn gốc chính xác của coronavirus mới này vẫn chưa rõ. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng MERS-CoV có thể liên quan tới một loại virus tìm thấy ở loài dơi, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy virus liên quan gần với lạc đà. Tháng 10/ 2013, MERS-CoV được xác nhận trong mẫu phết mũi của 3 con lạc đà qua xét nghiệm RT-PCR . Cơ chế truyền bệnh từ động vật sang người vẫn chưa biết, nhưng sự truyền bệnh từ người sang người đã được chứng minh.

Tính đến ngày 12/5/2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận 536 trường hợp xét nghiệm khẳng định nhiễm MERS-CoV đã được báo cáo, trong đó có 145 trường hợp tử vong (tỷ lệ 30%). Tuy nhiên, số liệu cập nhật trong báo cáo của Saudi Arabia gần đây cho thấy số trường hợp mắc đã tăng lên đến 688 và tỉ lệ tử vong lên đến 40%. Tử vong cao do chẩn đoán chậm và thiếu phương pháp điều trị hiệu quả. Lớn tuổi, hệ thống miễn dịch suy yếu và các bệnh mãn tính đi kèm như tiểu đường, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh lý tim mạch và phổi mạn tính có liên quan đến tình trạng nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Biểu hiện bệnh ra sao?

Thời gian ủ bệnh trung bình 5.2 ngày, có trường hợp lên đến 12 ngày. 



Các biểu hiện ban đầu thường giống cúm, gồm sốt, ớn lạnh, chảy nước mũi (thường là mũi trong), mệt mỏi, và đau cơ. 

Nhịp tim nhanh, thường thứ phát do sốt.

Về hô hấp, ho và khó thở là triệu chứng nổi bật. Nghe phổi bình thường hoặc rale ngáy. Viêm phổi phổ biến. Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán xác định MERS đều trong bệnh cảnh hô hấp cấp. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp cần thông khí cơ học và Oxy hóa máu bằng kỹ thuật màng ngoài cơ thể (extracorporeal membrane oxygenation: ECMO). 

Triệu chứng tiêu hóa bao gồm chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. 

Một số trường hợp nặng suy thận cấp phải chạy thận nhân tạo, giảm bạch cầu lympho, giảm tiểu cầu, và / hoặc suy đa phủ tạng với rối loạn đông máu,.

Xét nghiệm xác định MERS-CoV chưa phổ biến, chỉ có xét nghiệm PCR tại các sở y tế nhà nước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh. Một số test nhanh chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt.

Chữa trị thế nào?

Không có điều trị đặc hiệu cho MERS-CoV.

Chủ yếu là điều trị hỗ trợ như nghỉ ngơi, bù dịch, hạ sốt, giảm đau, hỗ trợ hô hấp, kháng sinh nếu bội nhiễm vi khuẩn. Oxy cho trường hợp nặng.
Interferon alfa 2b kết hợp ribavirin có thể được xem xét vì thấy có hiệu quả ở khỉ nâu. Một nghiên cứu nhỏ gần đây với 5 bệnh nhân không cho thấy bất kỳ lợi ích nào của điều trị này. Tuy nhiên, các bệnh nhân này đều bị bệnh nặng và thở máy, và thời gian trung bình từ lúc nhập viện đến khi được điều trị này là 19 ngày, có lẽ là quá muộn để chứng minh bất kỳ lợi ích nào.

Vậy, bạn phải làm gì?

Không giống như cúm hoặc cảm lạnh thông thường, MERS-CoV dường như không thể lây lan qua tiếp xúc thông thường trong cộng đồng. Thay vào đó, MERS-CoV lây lan chủ yếu do tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như những người sống chung hoặc chăm sóc trực tiếp cho người bệnh.

Hiện tại không có thuốc chủng ngừa MERS-CoV.

Tuy nhiên, như các virus khác, bạn có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách chú ‎ý vấn đề vệ sinh:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây; nếu nước và xà phòng không có sẵn, sử dụng chất rửa tay chứa cồn.

Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã dùng vào thùng rác ngay lập tức, và sau đó rửa tay cẩn thận.

Tránh chạm tay vào mặt, miệng và mũi khi chưa rửa tay

Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, chẳng hạn như hôn. Tránh dùng chung ly chén, đồ dùng ăn uống, các  vật dụng khác của người bệnh.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường tiếp xúc, chẳng hạn như đồ chơi và tay nắm cửa

Thế đi du lịch thì sao?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh và Tổ chức Y tế Thế giới đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tất cả các nước thành viên được nhắc nhở kịp thời đánh giá và thông báo cho WHO về bất kỳ trường hợp mới nhiễm MERS-CoV, cùng với thông tin về phơi nhiễm tiềm năng mà có thể dẫn đến nhiễm trùng và một mô tả về diễn biến lâm sàng. 




Hiện chưa có khuyến cáo đề xuất thay đổi kế hoạch du lịch của bạn nếu bạn đang đi du lịch đến Trung Đông hay những nơi khác mà các virus đã được báo cáo.

Nếu du khách vừa ghé thăm các nước trong hoặc gần bán đảo Ả Rập nên liên hệ với cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng của MERS (tức là, sốt, ho, khó thở, đau cơ) trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về. Người nào đã tiếp xúc gần với họ cũng nên được xem xét tình trạng lây nhiễm. 



Tham khảo:
http://www.who.int/csr/don/2013_05_31_ncov/en/
http://emedicine.medscape.com/article/2218969-overview
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sars/expert-answers/what-is-mers-cov/faq-20094747

Asia Clinic, Chúa Nhựt 9:18', 06/6/2015

Đăng nhận xét

0 Nhận xét