CÁC BƯỚC TƯ DUY VÀ TÂM SINH LÝ CỦA TRẺ BẬC PHỔ THÔNG

Ngày đăng: [Monday, December 14, 2015]

Nền giáo dục của nước Việt ở bậc phổ thông trước năm 1975 ở miền Bắc, và cả nước Việt trước thập niên 1990 là bản sao từ sách dịch chương trình giảng dạy của Liên Xô là chủ yếu, chỉ khác một số phần ở các môn khoa học xã hội vài nét chấm phá lịch sử, địa lý nước Việt về đảng cộng sản ở Việt Nam. 

Mặc dù, trong hệ thống giáo dục của nước Việt không thiếu người tài, nhưng dưới ánh sáng soi đường của đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, sách giáo khoa cho bậc phổ thông hoàn toàn sai với tư duy và tâm sinh lý phát triển về trí não trẻ, khi bộ giáo dục Việt Nam bắt đầu làm dự án "Cải cách sách giáo khoa" từ giữa thập niên 1990 trở về hôm nay.

Đây là mục tiêu của bài viết này nhằm để cho các nhà giáo dục Việt Nam hiểu thế nào về viết sách giáo khoa ở bậc phổ thông tối ưu nhất. Vì sách giáo khoa ở bậc học này là khó viết nhất, và là nền tảng để trẻ có thể đi xa, bay cao với những ước mơ, khát vọng và sáng tạo, chứ trẻ không kiệt sức khi vào đại học và tàn lụi sau khi được học bổng toàn phần du học ở phướng Tây, rồi mất hút giữa xã hội vì không có tư duy sáng tạo và tư duy phản biện.

BA BƯỚC TƯ DUY CỦA TRẺ

Tôi đã từng viết trên blog này vì sao bậc học phổ thông chia ra làm 3 cấp: tiểu học, trung học đệ nhất cấp - cấp 2, và trung học đệ nhị cấp - cấp 3. Vì đó là dựa vào sự phát triển tâm lý trí não trẻ, mà các nhà giáo dục, nhà tâm lý học, và các nhà y học đã nghiên cứu trong hàng trăm năm để có được. Nhưng nước Việt 25 năm qua đã làm sai hoàn toàn về vấn đề viết sách giáo khoa cho trẻ ở bậc học phổ thông. Vì sao?

Tư duy quan sát và ghi nhận: Về y học và tâm lý học, trẻ ở tuổi từ sơ sinh đến 11 tuổi là tuổi mà sự phát triển tâm lý và tư duy chỉ ở tư duy quan sát và ghi nhận - tư duy 1 bước. Trẻ ở tuổi này, là tờ giấy trắng, người lớn vẽ màu hồng, nó sẽ màu hồng; người lớn vẽ màu đen trẻ sẽ là trang giấy máu đen. Tất cả vàng, chì, thiên thần hay ác quỷ trẻ đều nhận. Vì chúng chỉ quan sát và ghi nhận, nên chúng không biết nói láo. Ông bà mình có câu tục ngữ: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" là vậy.

Ở lứa tuổi tư duy quan sát và ghi nhận là lứa tuổi mà toàn bộ 80% bộ nhớ của trẻ dùng để chứa tất cả những gì chúng quan sát và ghi nhận. Sau 11 tuổi trẻ chỉ còn đúng 20% bộ nhớ não bộ của mình để sử dụng cho phân tích và đưa ra giải pháp. 80% bộ nhớ đó, tùy theo hiện thực cuộc sống sau này, mà não bộ sẽ tự xóa bớt những dữ liệu thừa, rồi nhận những dữ liệu - files - cần thiết khác. Vì thế, trong y học và tâm lý học có cụm từ quên để mà nhớ- tức là quên cái cũ không hoặc ít dùng, ít ôn luyện để nhớ cái mới cần thiết hơn, nhưng khi cần thì biết chỗ mà tìm.

Chính vì thế ở lứa tuổi này, trẻ chỉ cần học để tiếp thu kiến thức khoa học thường thức, công dân giáo dục, văn để hoàn thiện ngôn ngữ, và toán chỉ ở toán số học, trẻ chưa thể nuốt trôi toán học có chữ số: a, b, c, x, y, z, ... - đại số. Giai đoạn này là giai đoạn trẻ tiếp thu ngôn ngữ thứ hai, thứ ba dễ dàng nhất. Bộ nhớ của não và các cơ quan phát âm của trẻ lúc này dành cho ngôn ngữ là thích hợp nhất. Vì sau 12 tuổi nó đã hoàn thiện cho mọi phát âm và nhét đầy dữ liệu, nên khó học ngôn ngữ hơn.

Một bài giảng toán lớp 3 trong chương trình cải cách giáo dục cho trẻ một tư duy nhai lại, mà không có tư duy phân tích và tư duy độc lập.

Chính vì hiểu sai tư duy và sự phát triển tâm lý của trẻ, nên sách giáo khoa sửa chữa từ thập niên 1990 đến nay bắt trẻ học đại số, biến trẻ thành loài nhai lại. Hơn 99% trẻ học một bài toán bậc nhất giải như cái máy, giải theo toán mẫu, theo dạng, mà trẻ không hiểu vì sao giải như thế? Trẻ làm sao hiểu biểu thức là gì, x là gì, tại sao phải nhân chia trước, cộng trừ sau? v.v... Trẻ học như con vẹt, trẻ không thành một trẻ sáng tạo. Nguy hiểm hơn, trẻ sẽ thành loại copy and paste thinking - tư duy sao chép - trong lúc trẻ đang sao chép cái khác cần sao chép hơn, người lớn lại bắt trẻ sao chép cái cần phân tích!

Chính vì điều này trẻ Việt 70 năm ở miền Bắc và 40 năm qua ở miền Nam cùng cả nước dù có giỏi đi du học đại học nước ngoài tiên tiến cũng bị mất hút trong rừng trẻ tài năng, sau đại học có hơn 9.000 giáo sư và 2 vạn tiến sĩ, nhưng không có phát minh, báo đăng nước ngoài thì lèo tèo vài mống, nông dân lại là những người có sáng kiến nhờ ít bị nền giáo dục này hãm hiếp trí não.

Bên cạnh dạy trẻ tư duy độc lập, giai đoạn này phụ huynh cần dạy trẻ biết sống độc lập, không để trẻ ngủ chung, dạy trẻ biết hỏi tại sao và lý giải cho trẻ như một người bạn.

Tư duy phân tích: Cũng từ nghiên cứu y học và tâm lý học cho thấy, đến tuổi 12 mà trẻ không hoặc chưa học ngoại ngữ thì học sẽ rất khó. Vì học ngôn ngữ cần phản xạ tập nhiễm, không cần phân tích. Nhưng đến lứa tuổi này tư duy trẻ đã chuyển sang tư duy 2 bước - tư duy phân tích: quan sát và ghi nhân để sau đó là phân tích sự kiện đã quan sát và ghi nhận.

Lứa tuổi này là lứa tuổi trẻ muốn khám phá, mạo hiểm và muốn chứng tỏ mình là người lớn - teenager - nên rất chướng. Bạo lực học đường bắt đầu từ lứa tuổi có tư duy phân tích này. Vì thế tiêu chuẩn dạy trẻ ngay từ lứa tuổi dưới 11, phụ huynh phải cần dạy cho trẻ theo 2 nguyên tắc sau:

1. Không gia trưởng khi trẻ đòi hỏi sai quấy, mà phải thuyết phục trẻ bằng cách giải thích có lý luận để như là một cách dạy trẻ phân tích đúng sai, có tư duy logic và độc lập.

2. Hoàn thiện ngôn ngữ thứ nhất và thứ 2 qua đọc và viết, sau khi đã hoàn thiện 2 kỹ năng nghe và nói tự nhiên ít nhất 2 ngôn ngữ ở lứa tuổi dưới 11.

Nếu phụ huynh dạy con theo cách gia trưởng cấm đoán trẻ làm cái này, và trẻ phải làm theo bố mẹ, mà không phân tích cho trẻ biết tại sao phải làm cho đúng ngay từ ấu thơ đến lứa tuổi này, thì chắc chắn con của bạn sẽ không là bạn của bạn. Trẻ sẽ không dám thổ lộ và chia sẻ điều chúng nghĩ. Trẻ sẽ đem những thầm kín này đi xả ở quán cà phê, tiệm internet, hoặc bạo lực học đường, thậm chí cả việc nghiện heroin và cướp của giết người, khi mà nhà trường không đủ sân chơi cho trẻ.

Trẻ lúc này mới bước sang loại toán có chữ số - đại số. Việc dạy đại số và các môn học khác thì, không nên dạy trẻ trở thành loại copy and paste thinking - tư duy sao chép - như 70 năm qua, mà phải dạy cho trẻ cách tư duy tại sao có đại số? Tại sao có lịch sử? tại sao có văn học? v.v... Tự trẻ sẽ hình thành tư duy độc lập sau những chữ tại sao, và trẻ sẽ nhìn vấn đề từ gốc rễ, hơn là chỉ biết giải bài văn mẫu, bài toán mẫu và trở thành thợ toán, thợ văn, thợ học thuộc lòng, chứ không thể là thầy, không thể là nhà phát minh!

Làm cha mẹ, và làm giáo dục ở lứa tuổi này là đặc biệt quan trọng trong việc tập dần cho trẻ có tư duy phản biện. Trẻ phải luôn biết hỏi loại câu hỏi 5ws: tại sao, thế nào, ai, ở đâu, cái gì? để chuẩn bị cho một thời kỳ tư duy sau tư duy phản biện.

Bên cạnh giáo dục tư duy, ở 2 giai đoạn này phụ huynh cần cho trẻ học kỹ năng sống, khoa học thường thức của những khoa học cơ bản có thực hành, thực nghiệm kèm theo. Giúp trẻ sinh hoạt cộng đồng, đưa trẻ hội nhập các nền văn hóa mới, để tư duy của trẻ là tư duy của một công dân toàn cầu dần thể hiện. Phụ huynh không nên chờ đợi đến đại học trẻ mới bắt đầu học các nền văn hóa khác trên thế giới, và sinh hoạt cộng đồng mà phải ngay lúc này. Đó là nền tảng để trẻ thành công sau này, vì không ai có thể thành công khi chỉ là một thần đồng đơn lẻ trong thời đại nền kinh tế tri thức như hôm nay.

Tư duy phản biện: Bắt đầu sang cấp 3 phổ thông, sau khi trẻ đã được giáo dục qua 2 loại tư duy quan sát ghi nhận và tư duy phân tích, thì trẻ vào một giai đoạn tư duy mới. Đó là tư duy phản biện.

Tư duy phản biện là một loại tư duy độc lập gồm 3 bước: quan sát ghi nhận sự vật hiện tượng, phân tích chúng, và sau đó đưa ra không chỉ 1 mà là nhiều giải pháp để giải quyết sự vật hiện tượng xảy ra với cuộc sống quanh trẻ.

Nếu ở 2 giai đoạn tư duy trước trẻ được trang bị tốt tư duy quan sát và ghi nhận trung thực, sau đó phân tích đúng sự việc hiện tượng. Và phụ huynh biết dạy trẻ suy luận có logic và giảng giải trẻ đầy đủ theo cốt lõi chân thiện mỹ thì giai đoạn này trẻ bắt đầu trở thành một công dân có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đưa ra giải pháp đúng với hiện thực sinh động cuộc sống trẻ đang sống là bài toán giải quyết mọi vấn đề trong môi trường sống của trẻ, nhằm trẻ dễ hội nhập vào cuộc sống dù rất gian khó, nhưng trên nền tảng nhân bản và khai phóng, chứ không bị cái xấu lôi cuốn, và tha hóa.

Từ tư duy phản biện có sẵn, chương trình phổ thông lúc này cũng đã hoàn thiện các môn xã hội học như lịch sử, địa lý, văn học, v.v... chương trình năm cuối cấp 3, xã hội học chỉ dành cho trẻ học Triết học - khoa học của tất cả khoa học. Nó là nền tảng để chuẩn bị cho trẻ đi đến tư duy sáng tạo cho những phát minh khi ở tuổi học trò, và sau này.

Tư duy sáng tạo và gầy dựng: Giai đoạn này là giai đoạn đỉnh cao của các bước tư duy. Các giải pháp được tư duy phản biện đưa ra sẽ làm ra những phát minh, những dự án khả thi, và làm được nhiều điều có ích cho bản thân, gia đình và nhân loại.

LUẬN

Trên thế giới, ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, chúng ta dễ dàng tìm thấy những thần đồng trở thành giáo sư ở tuổi vị thành niên cũng là nhờ vào giáo dục đúng với tâm lý phát triển của lứa tuổi, chứ không chạy tắt, đón đầu, nhồi trẻ học gạo, học vẹt, học bài mẫu để trẻ trở thành loại tư duy sao chép - copy and paste thinking.

Bà Lê Duy Loan sinh năm 1962, vượt biển sang Hoa Kỳ tháng 9/1975 và được xem là bộ não của Texas Instruments đang nói chuyện tại Stafford High School, Stafford Texas, để tạo lửa cho các thế hệ học sinh ở đây vào ngày 03/6/2010

Và người Việt trên thế giới cũng không thiếu những con người thần đồng trong gian khó. Tôi xin đơn cửa tấm gương của một nhà khoa học, nhà lãnh đạo của tập đoàn Texas Instruments đáng kính - Bà Lê Duy Loan. Bà đến nước Mỹ năm 13 tuổi, tiếng Anh một chữ không biết, nhưng đến 16 tuổi bà đã tốt nghiệp trung học với thứ hạng 1/336. Sau cử nhân ở University of Texas at Austin, bà đã làm việc cho tập đoàn và có 21 bằng sáng chế cấp quốc gia Hoa Kỳ, trong đó có 5 bằng có giá trị muôn đời. Bà Lê Duy Loan đã lập ra Sunflower Mission để về Việt Nam xây dựng giáo dục cho trẻ em nghèo. "Trong 10 năm, Sunflower Mission sẽ xây được 100 lớp học, tạo 10.000 học bổng cho học sinh Việt Nam từ tiểu học đến đại học". Và chỉ trong 4 năm thành lập, Sunflower Mission đã xây được 50 lớp học và tặng 2.200 học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo.

KẾT

Để có những học sinh đoạt giải như những người thợ trong toán, lý, hóa, sinh học Olympic hay những nhạc công như Đặng Thái Sơn cho Việt Nam trong tương lai không khó, nhưng để có một Lê Duy Loan cho Việt Nam trong tương lai, thì nền giáo dục Việt và người dân Việt phải hiểu rằng giáo dục không phải tạo ra bộ nhai lại, mà phải tạo ra những bộ óc có tư duy sáng tạo và gầy dựng.

Go West FoundationKhuyến Học Việt đang gầy dựng một thế hệ qua dự án Ươm mầm tài năng Việt và Trung tâm giáo dục trẻ có tư duy theo chương trình giáo dục hiện đại nhất. Hy vọng nó sẽ thành hiện thực trong năm 2016 với những sự chung tay của những phụ huynh có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục con em mình.

Khuyến Học Việt, 13h26' ngày thứ Hai, 14/12/2015

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. Hoàn toán đúng ,vn muốn phát triển thì phải hiểu giáo dục là gì mới khá nỗi .sống đâu chỉ có xe hơi nhà lầu là sang

    Trả lờiXóa