THƯƠNG QUÁ MIỀN TRUNG

Ngày đăng: [Monday, October 04, 2010]
Tuổi thơ ở đâu quê hương ở đó. Câu nói này luôn đúng với mọi trường hợp. Dù xa quê đã gần 30 năm, nhưng mỗi lần có dịp trở lại quê nhà, lòng tôi luôn bồi hồi như đứa trẻ ngày nào xa quê lo chuyện công danh. Càng đau lòng khi mỗi mùa mưa bão đến hằng năm, cứ ngóng về miền đất nắng cháy đầu, mưa thúi đất với bão lụt như một chu kỳ tạo hóa hằng định trút lên đầu những con người cơ cực. Nhưng nếu con người hiểu biết hơn, có lẽ những cơn thịnh nộ thiên nhiên không ngày càng nhiều hơn như trong vòng một thập niên nay?

Qui luật tự nhiên và xã hội luôn bù trừ. Ở đâu thiên nhiên khắc nghiệt luôn sản sinh một cộng đồng xã hội biết đùm bọc, thương yêu hay thù hận đến mức cực đoan để tồn tại với kiếp mưu sinh. Để rồi từ cộng đồng xã hội ấy luôn là nơi đi đầu trong những lúc ly lọan. Bao đời nay đất Việt, hễ đến lúc lọan ly thì y như là mãnh đất lắm đau thương, cùng cực với nắng cháy đầu, mưa thúi đất luôn sản sinh ra những bậc hiền tài gầy dựng lại giang sơn. Những con người ở mãnh đất miền Trung khắc nghiệt, họ sống chân chất như đất, bao dung như mặt trời cho không bao giờ đòi hỏi. Nhưng họ sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiếu nhân bản bằng những tư duy tới hạn để giải quyết mọi vấn đề phức tạp nhất. Và ở nơi ấy, mọi cuộc cách mạng xã hội luôn xảy ra một cách triệt để, rất căn cơ, không nửa vời như những vùng đất khác của nước Việt.

Thời tao lọan là thế, hòa bình cũng lắm gian nan. Dãy Trường Sơn xuyên Việt và đâm ra biển Đông là lá chắn làm lượng nước mưa đổ sườn Tây, nhưng như thiêu đốt ở sườn Đông với những con gió Lào (Tây Nam) khô khốc, những vùng áp thấp nhiệt đới để hình thành những cơn bão hằng năm. Nhưng cũng vì đó, nó làm những bức tường thành giúp con người tiết kiệm, làm nên những đập thủy điện để cung cấp cho cả nước. Thủy điện, phong điện, điện mặt trời và nhiệt điện, bốn lọai điện này chỉ có phong điện và điện mặt trời là năng lượng xanh. Hai lọai còn lại gây nhiều hậu họa môi sinh.

Với thủy điện, thượng nguồn tích nước, nhưng hạ đập khô hạn. Chúng làm thay đổi môi trường sinh thái, hủy họai rừng giữ nước. Nên cứ đến hẹn lại lên mùa khô thiếu nước và điện lại ngồi chơi. Mùa mưa không rừng giữ nước gây nên lũ lụt triền miên. Mùa mưa năm nay chỉ mới bắt đầu, nhưng dân miền Trung lại chống chọi với những gì con người đã tạo ra vì tư duy chưa tới hạn, quy họach manh múm, chỉ nhìn chưa quá bước chân của mình.

Ấy thế nhưng, mới chỉ năm ngóai đập thủy điện A Vương xả lũ đã góp phần không nhỏ trong cảnh màn trời chiếu đất dân miền Trung. Nhưng vài tháng gần đây, người ta lại tiếp tục duyệt một dự án thủy điện Dak Mi 2, rồi Dak Mi 4, v.v... thủy điện ra đời ở miền Trung như nấm mọc sau mưa, đến nỗi một bài báo phải lên tiếng: Chi chít thủy điện ở miền Trung! Thế thì làm sao còn rừng để điều phối nước cho mùa khô và mùa mưa mà không phải bị Lũ hòanh hành miền Trung, nguy cơ vỡ đập?

Viết đến đây, không thể tiếp tục viết nữa vì vừa giận, vừa thương khi đọc bài viết Tổ Quốc như thế này chăng? Thôi thì xin đưa ra những bản nhạc sến và không sến của miền Trung để nghe mà thương, mà đau cùng đồng bào ở nơi thiệt thòi thua thiệt.





    


       

Còn một bản nhạc nữa có lời hay và thảm hơn nhiều với giọng ngâm thơ dạo đầu nhưng lâu quá không thể nhớ nó tên gì của ai. Ai nhớ nhắc dùm.

Tư gia, 21h26', ngày thứ Hai, 04/10/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét