TẢN MẠN BUỒN

Ngày đăng: [Thursday, November 05, 2009]

Mấy hôm nay quê tôi bão lớn. Khoảng 35 năm nay có 2 lần bão lớn như thế. Lần đầu trong 35 năm qua, là cơn bão năm 1978. Năm ấy tôi còn trẻ trung, thấy tôn bay sáng trời mà không biết sợ, cứ đứng ngoài trời xem và reo hò. Người ta bảo là phải trốn vào đâu đó, nếu không tôn chém là đứt đầu. Năm nay cơn bão số 11 lại đến với quê tôi. Không biết có gì giống nhau về tình hình kinh tế và chính trị của đất nước của 2 giai đoạn này? Khổ thân cho cái xứ "năm eo", eo cả địa hình và eo cả sự ban phát của đất trời. Nên con người miền tôi cực đoan. Cái đó làm cho miền quê tôi khó lòng giàu có dù có cần cù và chân chất.

Trong Phật học có 1 chân lý: "Duyên khởi thì tâm động, tâm mà động thì nghiệp chướng trùng trùng điệp điệp". Và tu tâm là tu đúng để nghiệp không còn đa mang. Khi nghiệp hết đa mang thì sẽ không còn quay lại cõi đời trần tục. Vì đời trần tục này theo nghĩa Phật học là: "Đời là bễ khổ mà tình là dây oan". Ngẫm ra cũng đúng, vì con người ta chỉ cất tiếng khóc chào đời chứ tôi chưa thấy ai ra đời mà cười bao giờ. Khi vào trường y, đến sinh viên năm thứ tư tôi đi thực tập sản khoa, mới thấy hết ý nghĩa của việc này. Vì theo lý thuyết, sau khi sinh ra em bé phải khóc để phổi nở ra và vòng tuần hòan lớn bé mới cùng hoạt động, để em bé tự sống mà không nhờ vả như khi còn trong bụng mẹ và em bé mới sống. Nên em bé khi sinh ra không khóc, hoặc chưa khóc thì phải đánh vào mông cho khóc.

Trong kinh dịch, có cộng nghiệp và cá nghiệp. Cá nghiệp là cho từng cá thể. Cộng nghiệp là cho cả cộng đồng. Có những cá nghiệp bao trùm cả cộng nghiệp. Cá thể có cá nghiệp đó sẽ làm lãnh đạo cộng đồng.

Điều đó nói lên khi một cộng nghiệp đang suy yếu thì sẽ có những cá thể lãnh đạo có cá nghiệp yếu. Khi cá nghiệp của lãnh đạo yếu và cộng nghiệp yếu thì thiên tai dịch họa liên tục xảy ra.

Muốn cộng nghiệp tốt lên thì con người ta phải sống bằng sự tu nhân tích đức. Cả cộng đồng và cả các cá nghiệp lãnh đạo đất nước phải sống có đức độ. Muốn thế, thì giáo dục phải đúng hướng, kinh tế phải hùng cường, minh bạch và chính trị phải vì quốc gia dân tộc. Chứ không chỉ làm đại lễ Phật Đản cúng cô hồn là yên.

Nên người ta bảo rằng, chỉ cần nhìn đất trời có mưa thuận gió hòa không thì biết ngay đạo đức xã hội và nền chính trị nước nhà có tốt hay không?

Nhưng theo tôi, cần có dự án phá dãy Trường Sơn để không còn tạo vùng áp thấp nhiệt đới do không khí quá nóng và loãng tạo nên những luồng gió từ chênh lệch áp suất không khí để ngăn ngừa bớt bão tố. Ngoài ra, khi mất đi dãy Trường Sơn, hơi nước từ Tây Trường Sơn sẽ phủ đầy phía Đông của Việt Nam làm cho đất vùng này màu mỡ hơn. Muốn thế, phải có một chương trình trồng rừng và bảo quản rừng thích hợp. Khi đó những thiên tai hạn hán và mất mùa ở nơi đây sẽ giảm đi tối thiểu.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét