NÓI CHUYỆN TRIẾT HỌC CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO: MỞ ĐẦU

Ngày đăng: [Thursday, December 10, 2009]

 Loạt bài viết về triết học riêng tặng cho con trai và chung cho tất cả các bạn trẻ Việt đang đi theo con đường khoa học trong mọi lĩnh vực.

Là một người ngoại đạo của ngành triết học. Nhưng tôi quan tâm đến triết học như một khoa học. Kể ra đến giờ này, triết học đã giúp tôi rất nhiều trong học tập, làm việc và giữ cho mình 1 số kiến thức của nhân loại mà không bị quá tải. Như trong bài viết về Tư duy và cuộc sống, tôi có đề cập đến chuyện dân mình chưa được đánh thức đúng tầm và triết học chưa có vai trò tốt ở Việt Nam. Nên tôi có ý nguyện viết ra một cách bình dân, dễ hiểu về triết học. Bên cạnh những trường phái triết học khác, đặc biệt đối với Duy vật biện chứng của Engels, tôi xem nó là một công cụ khoa học để lý giải và giúp tôi hiểu một sự vật hiện tượng trong khoa học tự nhiên và xã hội mà không lầm lẫn. Hy vọng loạt bài này sẽ giúp cho tôi hệ thống lại tư duy khoa học bị mai một theo thời gian. Và nó cũng giúp được các bạn trẻ khi đọc có cái nhìn khoa học về triết học mà không dị ứng với nó là chính trị học, để lấy nó làm cơ sở nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhằm tìm ra các qui luật của các đối tượng nghiên cứu - như định nghĩa của nó.

Như trong bài Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì? phần III: Quản lý, tôi chỉ cần mang triết học duy vật biện chứng ra nhìn vấn đề quản lý vĩ mô nước nhà là thấy ra khuyết tật cơ bản của quản lý chúng ta hiện thời là không khoa học và sai nên mới có những bất cập cho toàn xã hội. Nên tôi muốn ghi lại công trạng Engels mà lâu nay bị bỏ quên và chỉ thấy nhắc đến Marx và Lenin. Những bài viết mà lâu nay tôi viết nó tản mạn khắp nơi, hôm nay tôi chỉ đúc kết lại ở đây, để khi cần dùng. Có thể nó sai trong quan niệm của tôi khi bạn khác nhìn vào, nếu có bạn nào thấy sai thì góp ý để tôi được tỏ tường hơn. Vì biển học là vô bờ mà khả năng của một con người là hữu hạn.

Tôi xin đề cập đến trường phái Engels-Marx trước. Các trường phái khác sẽ từ từ đụng đến sau. Theo hiểu biết của tôi, bộ phận có giá trị nhất trong trường phái triết học Engels-Marx (tôi xin phép ghi như thế, vì không có Engels thì không có Marx) là bộ phận Duy vật biện chứng của Engels. Nếu không có bộ phận duy vật biện chứng thì Marx không thể đẻ ra được "giá trị thặng dư" - một phát kiến làm đảo lộn tư tưởng nhân loại suốt hơn 150 năm qua. Từ giá trị thặng dư, Marx đã làm nên 2 bộ phận duy vật lịch sử (miền Nam trước 1975 dịch là duy vật sử quan) và chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Tôi không biết có sự "nhầm lẫn" trong việc cổ xúy hệ thống triết học Engels-Marx ở Việt Nam hay không? Nhưng, với duy vật lịch sử của Marx thì nó còn có thể xem là triết học. Nhưng khi đến chủ nghĩa cộng sản khoa học thì bộ phận này không còn là triết học nữa. Mà nó là chính trị học(Political science). Đây là đánh giá của tôi về mặt khoa học triết học. Vì triết học được định nghĩa là: môn khoa học chung nhất, nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, nhằm tìm ra các qui luật của các đối tượng nghiên cứu.

Tức là khi một tư duy của 1 chuyên ngành khoa học tạo ra thành quả thì thành quả ấy không phải là khoa học ấy nữa, mà là một sản phẩm của khoa học, sản phẩm ấy có thể là của một ngành khoa học khác với nó. Ví dụ khi phát hiện sóng siêu âm, thì đó là của khoa học vật lý. Nhưng khi ứng dụng sóng siêu âm làm ra máy siêu âm chẩn đoán hình ảnh trong y học thì cái máy đó là sản phẩm ứng dụng của khoa học vật lý. Nó thuộc về Vật lý y học (Medical Physics). Và cũng như thế, chủ nghĩa cộng sản khoa học của Marx là sản phẩm của bộ phận duy vật lịch sử. Nó là chính trị học chứ không là triết học như lâu nay chúng ta vẫn nghe, thấy, đào tạo và học trong nhà trường thì nó là triết học!!!

Nói về duy vật biện chứng của Engels, người có công đúc kết lại từ 2 trường phái chính: trường phái chủ nghĩa duy vật do Ludwig Andreas Feuerbach và trường phái phép biện chứng của Geoge Wilhelm Friedrich Hegel - là bộ phận có giá trị về mặt lý luận đưa đến thành công cho mọi người chứ không chỉ cho Marx. Nhờ nó mà Marx mới có thành quả cho mình. Thực ra, trong bộ phận này của Engels cũng có góp nhặt ý tưởng của ngài Tất Đạt Đa, khi ở đó có cặp phạm trù Nhân-Quả. Vì Feuerbach và Hegel sinh sau để muộn hơn ngài Tất Đạt Đa những hơn 2.000 năm!

Xét về mặt duy tâm và duy vật thì với tôi: trong tâm có vật và trong vật có tâm. Không có trường phái thuần duy tâm và cũng không có trường phái thuần duy vật. Nó cũng giống như câu thơ trong nhạc Trịnh: "Làm sao em biết bia đá không đau?". Đất cũng có phần hồn của đất. Nó cũng có sinh và có tử, cho nên ngày nay thiên hạ lo lắng 4 vấn đề cấp bách cho trái đất tại hội nghị Copenhagen. Nên với tôi, gán cho nó chữ duy vật luận(Materialism) hay chữ duy tâm luận(Idealism) cũng chỉ là một hình thức có tính phân loại hơn là khoa học.

Nói đến triết học thì không thể quên mục đích của nó. Như định nghĩa đã cho thấy triết học là gì? Thì mục đích của triết học là giải quyết các vấn đề cơ bản về bản thế luậnnhận thức luận.

Ngài Tất Đạt Đa có câu nói rất minh triết: "Duyên khởi thì tâm động, Tâm động thì nghiệp chướng trùng trùng điệp điệp". Thực chất của bản thể luận là triết học nghiên cứu bản chất của sự tồn tại. Bản thể luận không có gì là ghê gớm như những gì ta đọc trong triết học mà nó chỉ là một giai đoạn trong quá trình lý luận triết học để đi tìm sự tồn tại. Và nó gói gọn trong câu nói đơn giản của René Decartes: "Tôi tư duy, tôi tồn tại".  Nó cũng giống như cái vế thứ nhất của ngài Tất Đạt Đa đã nói: "Duyên khởi thì tâm động." Có nghĩa là khi anh tư duy thì anh mới biết có anh tồn tại và thế giới xung quanh tồn tại. Còn sự tồn tại ấy như thế nào thì anh sẽ dùng nhận thức để lý luận tìm ra. Và mới có nhận thức luận cho sự vật hiện tượng. Phần còn lại của bản thể luận chỉ là phần thiết lập những ngôn ngữ và khái niệm của triết học.

Còn nhận thức luận là triết học nghiên cứu bản chất, nguồn gốc và phạm vi của tri thức con người. Tức là khi ta dùng triết học để lý giải một vấn đề để ta tìm ra bản chất, nguồn gốc và phạm vi của vấn đề là ta đang đi vào nhận thức luận để hiểu vấn đề đó. Giống như vế thứ hai của ngài Tất Đạt Đa đã nói: "Tâm động thì nghiệp chướng trùng trùng, điệp điệp". Ví dụ như khi ông Marx dùng duy vật biện chứng của ông Engels để làm nền tảng lý luận thì mới nhận thức ra cái mới của vấn đề là:"giá trị thặng dư". Tất cả những kết quả trên đều có tính tương đối khi cái mốc tư tưởng được đặt ở vị trí và góc độ nào của vấn đề. Nhưng nếu biết dùng triết học để nhìn nhận sự vật hiện tượng theo đúng nghĩa triết học thì sẽ thấy vấn đề đúng hơn và biện chứng hơn.

Tôi sẽ còn quay lại vấn đề nói chuyện triết học một cách bình dân nhất, dễ hiểu nhất theo hiểu biết của tôi khi ứng dụng vào khoa học và cuộc sống sinh động đang diễn ra xung quanh chúng ta, trong những bài viết sau. Hôm nay nhiều tâm trạng sau một đêm bí tỉ với bạn bè, nên viết không được cô đọng và xúc tích lắm. Mong mọi người thông cảm.


Đón đọc phần II: Triết học trong nghiên cứu khoa học


Asia Clinic, 12h30' 11/12/2009

Đăng nhận xét

0 Nhận xét