NHÌN LẠI 2010

Ngày đăng: [Friday, December 31, 2010]
Tôi lấy tấm hình ông Nguyễn Quốc Triệu  - bộ trưởng y tế Việt Nam đương nhiệm - để làm biểu trưng cho bài viết tổng kết năm 2010 vì ông có tuổi con mèo (1951: Tân Mão) đại diện cho năm tới. Hai là nhìn ông như cụ Tểu trong dân gian Việt, nên xứng với bài viết này.

Ở đất nước Việt, con hổ là một biểu trưng của sức mạnh. Mèo lại là con vật không có gì đặc biệt ngoài câu tục ngữ nói lên tính biến hoá cho hợp thời vận của nó: "Chó theo chủ, mèo theo nhà". Năm ngoái tôi có tổng kết một bài nhìn lại 2009, bây giờ ngồi đọc lại, một cách tổng quát hầu như gần đúng 100%. Tuy vậy, đó là bài nhìn lại mà, chưa có nét rõ ràng cho việc nhìn tới phía trước của những dự đoán. Hôm nay những giờ phút sắp hết năm cũ Tây lịch, sắp sang năm con mèo, như thông lệ cũng làm một bài tổng kết và đưa ánh nhìn cho năm tới xem sao? 

Mèo không biểu dương sức mạnh như hổ, nhưng mèo an nhiên tự tại để có những cuộc đổi thay ngoạn mục. Tính từ lúc tôi sinh ra trên mãnh đất này, bao nhiêu sự kiện thay đổi từ năm con mèo cầm tinh, dù là chính thể  hay chính khách nào ngư trị trên ngai. 1963 (Quí Mão) là năm cụ Diệm bị truất phế và đệ nhị Cộng hoà ra đời ở miền Nam. 1975 (Ất Mão) là năm thể chế Cộng hoà miền Nam sụp đổ, một nền Cộng hoà theo cánh tả hình thành. Trải qua 36 năm, qua ba kỳ con mèo. 1987 (Đinh Mão) bắt đầu thực hiện cỡi trói cho kinh tế để thoát khỏi sụp đổ. 2011 (Tân Mão) hứa hẹn một cuộc "thay da đổi thịt".

Như câu tục ngữ ở trên, chó thì trung thành với chủ, nhưng qua đó cho thấy chó không đủ tự tin với môi trường tiếp xúc mới. Mèo không trung thành với chủ, mèo chỉ trung thành với mãnh đất nó lớn lên, là cội nguồn của sự sống. Mèo vẫn ung dung tự tại sống dù cho bất kỳ một sự thay đổi chủ nhân nào. Đó là điều mà ta cần nhìn lại 2010 để có một hướng đi cho cái riêng và cái chung cho năm Tân Mão 2011.

Như năm trước, năm nay tôi xin điểm gọn qua 6 vấn đề quan trọng đáng chú ý:

+ Về tư tưởng và lý luận chính trị: Nhìn qua không thấy có sự thay đổi gì trong năm 2010 đó là điều dĩ nhiên. Nhưng cho năm 2011, với dự thảo báo cáo chính trị đại hội đảng lần thứ XI, về cơ bản cũng không có gì thay đổi, nếu đứng nhìn trên quan điểm lý luận triết học. Trong mọi cuộc cách mạng xã hội, bao giờ cũng vậy, cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho lượng biến đổi thành chất. Mặc dù, tại hội nghị trung ương lần thứ XIV vừa kết thúc trong tháng này có sửa chữa, nhưng mọi sửa chữa chỉ mang tính hiện tượng và hình thức không đi vào nội dung và bản chất của vấn đề cần sửa đổi. Điều này sẽ thể hiện rõ những bất cập đang đón chờ trong năm Tân Mão.

Tôi chỉ mách nước cho các chính khách rằng: Dù có giữ nguyên hay không giữ nguyên hình thái chính trị hiện nay thì cũng phải trả lại bản chất thực của kinh tế thị trường đúng nghĩa dưới sự minh bạch của pháp luật, mà không có ý chí con người nhúng tay vào, thì mọi chuyện sẽ bớt rối ren như năm 2010. Rồi từ từ sẽ tính tiếp, đừng quá nóng vội và cũng đừng quá giữ cái văn hoá nông nghiệp trong cách ứng xử ở giai đoạn này.

+ Về kinh tế: Trong kinh tế chính trị học của hệ thống Marxist có một câu rất nổi tiếng: "Nền kinh tế là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng chính trị. Và kiến trúc thượng tầng tác động trở lại cơ sở hạ tầng". Với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như đảng đã vạch ra, bản thân nó không phải là kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà là một nền kinh tế thị trường có bàn tay hữu hình tác động vào theo ý chí của con người sai quy luật. Nên kiến trúc thượng tầng không có gì thay đổi so với thời kỳ bao cấp. và nó là nguyên nhân chủ yếu góp phần cho kinh tế rơi vào suy thóai lần 2 trong 3 năm qua. Biểu hiện sai trái của nó qua việc năm 2010 là năm ngã ngựa của hàng loạt doanh nhân Việt. Với việc tái cơ cấu lại Vinashin như hiện nay, về mặt bản chất không có gì thay đổi so với Vinashin của trước khi nó sụp đổ. Như vậy, việc đón chờ những sụp đổ mới là không tránh khỏi. Lạm phát gia tăng là do lý luận đường lối chưa đúng ngay từ đầu đã đẩy kinh tế vào một cuộc suy thóai lần thứ hai, trong khi các nước trên thế giới bắt đầu phục hồi. Suy thóai năm nay biểu hiện qua ngân hàng tăng lãi suất kịch trần vì thiếu thanh khỏan đến nỗi chính phủ phải cảnh cáo.

Suy thóai còn biểu hiện qua lạm phát đến nỗi mà không dám tính tỷ lệ lạm phát mà chỉ dám tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Consumer Price Index) không thể đại diện cho lạm phát, nhưng cũng đã lên đến 11.75%. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế chỉ đến 6.78%, Nếu nhìn góc độ một người dân có tiền dư thừa để bỏ ngân hàng trong 12 tháng thì lãi suất âm, vì 9 tháng đầu năm lãi suất ngân hàng chỉ 8%! Hậu quả của suy thóai không chỉ là lạm phát mà di chứng của nó sẽ là thiểu triển, vì với lãi suất kịch trần của ngân hàng như hiện nay không có bất kỳ doanh nghiệp nào dám đầu tư sản xuất kinh doanh, mà phải thu gọn lại doanh nghiệp để chống chọi với việc phá sản. Biểu hiện rõ nét cho lạm phát năm 2010 là hàng ngàn mặt hàng phải tăng giá.

Trong khi đô la Mỹ lại bị mất giá trên trường thế giới để đẩy giá vàng tăng đến 29% trong năm 2010,  làm trong nước tăng giá vàng SJC là 26.700.000VNĐ/lượng đã tăng lên đến 36.100.000VNĐ/lượng cho thấy rằng tỷ lệ tăng của vàng trong nước là 35.2% trong năm qua. Chỉ cần so tỷ lệ giá vàng thế giới  tăng so với đồng USD và giá vàng trong nước tăng so với đồng tiền Việt là 29% và 35.2%, ta đủ thấy hết sức yếu của nền kinh tế Việt qua sức khỏe của đồng tiền Việt. Trong khi đồng USD mất giá trên tòan cầu thì tại Việt Nam đồng USD lại tăng giá. Tuy vậy, nếu làm một so sánh, năm 2009 đồng tiền Việt mất giá so với đồng USD là  12.8%, thì đồng Việt Nam mất giá năm 2010 so với đô la Mỹ là 8.2% từ giá 19.400VNĐ/USD vào ngày 31/12/2009 trên thị trường chợ đen, nhưng hôm nay trên thị trường chợ đen là 21.000NVĐ/USD. Nếu năm 2009 đồng Việt mất giá 2.200VNĐ/USD thì năm 2010 đồng Việt chỉ mất giá 1.600VNĐ/USD. Đây là một cố gắng lớn của hệ thống điều hành tỷ giá tiền tệ trong năm qua.

Một vấn đề vô cùng quan trọng là đã hơn 20 năm đổi mới, nhưng tình trạng nhập siêu ngày càng tăng, chính nó là chỉ điểm cho nền kinh tế ta không có tính ổn định và vững bền. Chính nó cũng là chỉ điểm tình trạng mất giá đồng tiền Việt so với đô la Mỹ trở thành một bệnh mạn tính không chữa được.

Người dân không cần biết kinh tế nước nhà tăng trưởng bao nhiêu. Người dân chỉ biết lương của một công nhân bình thường mỗi tháng hồi đầu năm 2008 mua được 400 tô phở, thì bây giờ chỉ còn 100 tổ phở các leaders Việt có hiểu không?

Tất cả những điều trên thể hiện một năm con mèo sẽ rất bi đát về tình hình thất nghiệp cho tầng lớp nhân dân lao động, về tình trạng thiểu triển và các vấn nạn xã hội khác kèm theo là hậu quả của kinh tế suy thóai 2010. Hay nói cách khác, kinh tế Việt nam chưa ra khỏi nền kinh tế bao cấp thì một tương lai khó khăn là điều tất nhiên.

+ Về ngoại giao và an ninh quốc phòng: Đây là điểm son của Việt Nam trong năm tài khoá giữ chức chủ tịch hiệp hội Asean. Trong khi năm 2009, với việc cho rằng tư tưởng Tôn Tử phải được áp dụng cho ngoại giao của nước Việt xuyên suốt hành trình tương lai. Từ một nước yếu thế trên trường ngọai giao với Trung Quốc qua việc họ bắt bớ, tra khảo ngư dân ta, đến nay tình trạng đó hầu như không còn. Với vai trò chủ tịch hiệp hội các nước Đông nam Á, vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường thế giới có nâng lên thấy rõ. Với ngọai giao và an ninh quốc phòng như năm nay, chúng ta có thể cho dân chúng và thế giới thấy rằng Việt nam là mãnh đất có an ninh ổn định để đầu tư lâu dài. Ngọai trừ, một điểm đau vào cuối năm khi Thụy Điển - người bạn lớn của ta từ hơn 4 thập kỷ qua - đóng cửa đại sứ quán, không hiểu vì đâu?

+ Về môi trường và quy họach phát triễn đô thị: Trong hơn 20 năm qua chúng ta đã không khác gì với anh bạn phương Bắc về việc bán tài nguyên môi trường để tăng doanh số GDP, mà chưa có một sức mạnh thực sự về nhân lực và vật lực. Những con số biết nói mà tôi đã liệt kê ra ở phần kinh tế đã nói lên chúng ta chạy theo số lượng với một cái túi rỗng. Hậu quả về môi trường là bây giờ sáng sớm thức dậy tìm một cánh chim, một tiếng hót hay gà gáy an bình thật khó. Các dòng sông thì ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước sẽ là một vấn đề nan giải mà chúng ta phải tính đến trong thập kỷ kế tiếp. Nhưng để giải quyết môi trường còn khó gấp trăm lần giải quyết vấn đề kinh tế. Tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể: để làm một nhà máy sản xuất giấy thì trang thiết bị và xây dựng cơ bản chỉ chiếm 40% vốn đầu tư, nhưng nhà máy xử lý rác cho nhà náy giấy chiếm đến 60% còn lại. Và chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường Việt Nam có lẽ đã là quá tầm với của Việt Nam chăng?

Bên cạnh việc chúng ta chấp nhận đầu tư FDI bằng mọi giá và quy họach đô thị sai để tăng GDP, chúng ta đã hủy họai môi sinh, thì việc quy họach đô thị và khu công nghiệp của chúng ta đã tạo ra rất nhiều bất cập: Các thành phố lớn được người Pháp quy họach rất tốt ngày nay chỉ còn là hình ảnh những thửa ruộng nham nhở nhìn từ trên cao. Ở các nước tiên tiến không bao giờ quy họach khu công nghiệp ở các thành phố và thủ đô có tính biểu trưng về chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng ở ta thì ngược lại. Nó chính là nguyên nhân của các bất cập về lưu thông, về an tòan xã hội và phát triển kinh tế cũng như ô nhiễm môi sinh. tất cả chỉ vì chạy theo GDP, nên quy họach gần đô thị để làm tăng giá đất, giá nhà. Nhưng hậu quả của việc này là bong bóng bất động sản đang treo lơ lửng trên đầu nền kinh tế Việt. Một bài tóan khó như phóng lao phải theo lao.

+ Về văn hoá giáo dục: Năm 2010 quả là một năm với việc moi ra cây kim để lâu trong bọc của một thực trạng giáo dục Việt Nam vì cái văn hoá nông nghiệp háo danh và mua quyền bán chức đã lòi ra. Nhưng dường như đây là một chủ trương "hợp thức hoá" bằng cấp cho dàn khung các leaders của chính quyền. Nên dù báo chí và xã hội lên án, nhưng bộ giáo dục, cơ quan đại diện của chính quyền về giáo dục không thấy có biện pháp mạnh tay với vấn đề này? Hậu quả của việc này sẽ còn di hại nhiều thập kỷ về sau chứ không chỉ ảnh hưởng đến năm 2011 mà thôi. Song vấn đề cơ bản của giáo dục Việt Nam trong nửa thế kỷ qua là do chưa có một tư duy giáo dục ở bậc phổ thôngbậc đại học, do bàn tay vô hình từ kiến trúc thượng tầng xã hội nhúng tay vào chứ không phải con người Việt nam không đủ trí tuệ. Nên không hy vọng gì chỉ trong 1 năm con mèo có thể làm thay đổi được, mà giáo dục và văn hóa Việt phải cần đến nhiều thập kỷ để có cái dáng đi thẳng đứng của lòai người.

+ Về y tế và an sinh xã hội: Vẫn như cũ không có gì đổi mới. Lời hứa của ông bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khi nhận chức đầu nhiệm kỳ 2005-2010 là: Ông sẽ làm hết nạn quá tải giường bệnh trong vòng 2-3 năm. Nhưng trước khi lựa chọn lại nhân sự cho nhiệm kỳ 2010-2015 sắp tới cho kỳ đại hội đảng lần thứ XI sẽ diễn ra vào đầu tháng 01/2011 này thì ông bảo rằng: Ông chưa bao giờ "hứa". Cho nên, trong năm qua hầu như tôi ít viết về y tế vĩ mô, mà chỉ viết về bệnh học cho cộng đồng, vì đã viết nó hồi năm 2009. Với cung cách làm việc của an sinh xã hội và y tế như lâu nay thì không hy vọng gì đến ngành y Việt nam bây giờ có thể sánh bằng ngành y của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Hồi tháng 11/2010, tôi có tâm tình với một người bạn đồng khóa y khoa Sài Gòn, bây giờ là hiệu phó phụ trách đối ngọai, anh ta có nhờ tôi liên hệ với một trường đại học bên Mỹ để đỡ đầu trong đào tạo. Trường thì dễ, nhưng vấn đề không phải là trường mà là sự hỗ trợ ở cấp quốc gia. Vì y học không đơn giản như các ngành học xã hội và engineering.

Dù y tế và giáo dục là 2 mục tôi để cuối cùng trong bài tổng kết này, vì nó là 2 ngành phi lợi nhuận của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng nó là phần hồn cho sức mạnh của một quốc gia. Muốn biết được sức mạnh của một gia đình hay một đất nước không phải nhìn thấy được nền kinh tế ở đó thừa tiền bạc, mà phải thấy được ở đó vấn đề giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội có tốt hay không? nhưng ở nước ta, nói như một trí thức thì 2 bộ yếm thế nhất là bộ y tế và giáo dục.

Tối qua xem chương trình truyền hình trên VTV1 tòan những hình ảnh thật sáng sủa từ hầu hết tất cả các ngành. Sáng nay hòan thành bài viết tổng kết sơ bộ năm 2010 hầu hết là những con số u ám mà nguyên do là từ kiến trúc thượng tầng làm nên. Hai hình ảnh trái ngược nhau là hai vấn đề cần suy nghĩ cho thập niên mới sắp đến. Dám nhìn cái xấu để sửa mình hay là tự sướng để ru ngủ mình đó là tùy theo cách nhìn của mỗi công dân có trách nhiệm với quốc gia dân tộc. Chỉ mong một điều duy nhất là mọi công dân từ những think tanks đến thường dân cần biết mình là ai và phải làm gì để cho quốc gia dân tộc đi đến hùng cường.

Chúc mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng và chúc cho nước nhà năm mới thóat cảnh lạm phát, thiểu triển, ô nhiễm môi sinh, học giả bằng giả, văn hóa suy đồi để có tầm nhìn xa cho nước nhà.

Asia Clinic, 9h38', ngày thứ Sáu, 31/12/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét