NGÀNH Y VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI GÌ? PHẦN V: ĐÀO TẠO

Ngày đăng: [Wednesday, November 25, 2009]
Bài liên quan:
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quan niệm 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Mục tiêu 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Bảo hiểm y tế 
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Quản lý dược
+ Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì: Phân bổ và đãi ngộ 

Khi nói đến những thay đổi ngành y Việt Nam mà không nói đến sự cần thiết về thay đổi đào tạo là một thiếu sót lớn. Sự thay đổi đào tạo ngành y Việt Nam hiện tại không chỉ nằm ở bậc đại học mà còn cần quan niệm liên quan đến thay đổi ở bậc trung học, tuyển sinh và nguyên tắc đào tạo. Vì là bác sĩ y khoa không chỉ đơn thuần làm nghề y chữa bệnh mà còn là một nhà tâm lý để chữa tâm bệnh cho người bệnh. Có nhiều nguyên nhân bệnh lý mà cho tới hôm nay y học vẫn cho là nguyên nhân do chấn thương tinh thần (stress) gây ra.

Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả miền Nam Việt Nam trước 1975, không có trường y nào tuyển sinh từ học sinh phổ thông. Vì đã tốt nghiệp trường y là lấy tấm bằng sau đại học. Nên ở Mỹ và các nước tiên tiến, các trường y  (College of Medicine) được xếp vào loại Graduate School, tức là trường chỉ nhận những sinh viên đã có bằng cử nhân. Dù thí sinh đó đã tốt nghiệp bất kỳ một cử nhân nào và đã đi làm chưa không cần biết, nhưng miễn sao thí sinh trãi qua kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) và có đủ tiền đóng học phí (vì trường y ở Mỹ không có chuyện đào tạo chay, ngoại trừ thí sinh đó đủ sức thần đồng nộp hồ sơ để học chương trình double majors: MD/PhD cùng 1 lúc, thì học mới không tốn tiền), và 1 số yếu tố khác tùy trường y yêu cầu thì có quyền được nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường y. Càng không là thí sinh thuộc các ngành liên quan đến khoa học cơ sở cho y học thì càng dễ dàng được tuyển vào trường y, nếu bạn vượt qua kỳ thi MCAT và vòng interview của trường y. Ví dụ: giữa 1 thí sinh là cử nhân Piano hoặc kỹ sư  công nghệ thông tin ... và một thí sinh là cử nhân Sinh học cùng có số điểm thi MCAT bằng nhau khi nộp hồ sơ vào một trường y của Mỹ thì hội đồng tuyển sinh sẽ ưu ái nhận thí sinh cử nhân Piano hoặc kỹ sư CNTT hơn là nhận cử nhân Sinh học!!! Đó là một điều đặc biệt mà không phải ở nơi đâu cũng có như Mỹ. Đó là chưa nói đến chuyện để trỡ thành phẫu thuật viên, sinh viên trường y của Mỹ phải là hàng top ten của trường mới được chọn. Vì người Mỹ quan niệm, trước khi làm phẫu thuật viên (bác sĩ ngoại khoa) phải là người am hiểu nhất về nội khoa. Và còn nhiều điều mà ngành đào tạo y khoa Việt Nam cần phải học hỏi.

Còn đối với miền Nam trước 1975 thì cũng khác bây giờ trong tuyển sinh vào y khoa. Trước khi vào trường y thí sinh phải trải qua 1 năm học ở đại học khoa học để lấy chứng chỉ SPCN (Science, Physics, Chemisty, Natural) hoặc MPC (Mathematics, Physics, Chemistry). Sau khi lấy xong một trong hai chứng chỉ này rồi thí sinh mới nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường y. Có nghĩa là trường y không tuyển sinh thẳng những thí sinh từ phổ thông trung học lên. Để làm gì? Để chọn ra những thí sinh có đủ năng lực về khoa học tự nhiên và cả khoa học xã hội. Vì làm nghề y không chỉ chữa bệnh thể xác mà còn chữa cả bệnh về mặt tinh thần (tâm bệnh). Để thí sinh y khoa có cái nhìn toàn diện về khoa học cả tự nhiên và xã hội. Việc đào tạo thí sinh không chỉ dừng ở chỉ riêng một trường phái triết học như ở ta bây giờ ngay từ phổ thông hoặc ngay đại học là triết học Marx-Engels mà hầu hết cả 2 nhóm triết học Đông phương và triết học Tây phương đã được đào tạo từ lúc còn là năm lớp 12 (tú tài II), năm lớp 12 trước 1975, môn văn không cần học nữa mà thay bằng triết Đông và Tây. Nói đến điều này làm tôi nhớ đến khi đi thi môn Vi sinh học (Microbiology) hồi năm thứ hai trường y thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng. Ông giáo sư cho 1 câu trắc nghiệm như sau:
Khi các bạn đi thi môn này hôm nay, các bạn đã bước lên thang lầu vào phòng thi (trước cửa bộ môn có 1 cầu thang đi lên, vì bộ môn nằm ở tầng lầu 1), cầu thang ấy có bao nhiêu bậc (kể cả nhịp cuối cùng lên tầng lầu):
A. 19 bậc.
B. 20 bậc.
C. 21 bậc.
D. 22 bậc.
Hầu hết ai cũng làm sai, chỉ có một vài bạn trả lời đúng câu này. Khi sinh viên phản đối giáo sư bảo rằng: "Chúng tôi đang đào tạo các bạn trở thành những con người có óc quan sát, vì các bạn sẽ trỡ thành một nhà khoa học tương lai. Tại vì gạo bây giờ bán theo giá cửa hàng, nên tôi bỏ đi câu hỏi gạo hôm nay giá bao nhiêu. Gà hôm nay giá bao nhiêu 1 kg đấy các bạn." Nhưng rồi sau đó, kiểu câu hỏi này mỗi ngày mất đi ở trường y. Vì có một số cán bộ giảng trường y từ Bắc vào không đồng ý với loại câu hỏi như vậy mà chỉ được hỏi thuần túy về chuyên môn! Thực lòng tôi thấy tiếc cho việc này.

Một điều thứ hai mà tôi thấy tiếc là việc học y mà không được đào tạo Phân Tâm học của  Sigmund Freud và cả các trường phái triết học khác là một điều thiếu sót lớn. Vì trường phái triết học Marx-Engels chỉ đơn thuần có duy vật biện chứng là cần cho khoa học. Hai bộ phận còn lại Marx làm ra từ việc ngồi trong thư viện 20 năm, vợ nuôi và bắt đầu từ phát kiến từ "giá trị thặng dư" mà thời đó giới tư sản đã bóc lột sức lao động của người làm công một cách tàn bạo. Nên ở 2 bộ phận này Marx thuần túy cổ súy loài người là "muốn có hạnh phúc phải đấu tranh", điều này rất thiếu nhân bản. Làm nghề y, cần người thầy thuốc nhân bản hơn người bình thường. Nên cần phải đào tạo người thầy thuốc tương lai cái nhân bản cần có. Nên không thể một thầy thuốc mà chỉ có biết Marx-Engels được. Như thế là đi không bằng hai chân mà chỉ đi một chân, đi lệch. Không trách tại sao, thầy thuốc Việt Nam ngày càng yếu kiến thức và yếu cả đạo đức nghề nghiệp.

Có bạn quen bảo rằng thấy đau lòng khi nghe tôi kể một sinh viên bị tác dụng phụ của thuốc tự mua uống. Tôi bảo nhập viện điều trị không nghe và có thể mù lòa và suy thận mãn chạy thận nhân tạo suốt đời. Tôi bảo: giáo dục như vậy, pháp luật như vậy thì chỉ có thể tạo ra những thế hệ thiếu một trí tuệ mẫn tiệp và không thể có một sức khỏe cường tráng được. Chúng ta không thể trách các cháu, mà phải tự trách thế hệ chúng ta đã tạo ra con cháu chúng ta như thế.

Một điều quan trọng nữa là ngành y Việt Nam đã kéo dài quá lâu chương trình đào tạo chuyên tu. Tức là một học viên y tá có thể trỡ thành bác sĩ, nếu chịu học các chương trình chuyên tu mà nhà nước đã và đang áp dụng. Theo hiểu biết của tôi, chương trình chuyên tu là do ông Phạm Ngọc Thạch cổ súy vì thời đó chiến tranh, nước mình còn lạc hậu, thiếu người có học đến hết bậc phổ thông như bây giờ. Trong khi chiến trường thiếu người làm y tế. Nên đào tạo cấp tốc ở địa phương, rồi vào chiến trường vừa chiến đấu, vừa đào tạo để đáp ứng chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã qua hơn 1/3 thế kỷ chúng ta vẫn tiếp tục đào tạo chương trình này. Không biết vì lý do gì? Nếu vì lý do quản lý không có thành phần trung kiên với đảng, giữ chương trình này để kiếm cán bộ quản lý thì là một sai lầm đáng tiếc. Vì quản lý không cần phải hôc đến cái bằng bác sĩ, mà quản lý cần có bằng quản lý như tôi đã nói trong bài Năng lực khoa học và năng lực lãnh đạo. Và ngay cả bác sĩ chuyên tu như lâu nay cũng không thể có năng lực khoa học để chăm lo sức khỏe cho người dân. Vì chương trình học y sĩ không được học khoa học cơ bản trong ngành y đầy đủ, thì với cái nền không có móng làm sao xây được tòa nhà vững chắc? Chỉ có giết người thôi, biết gì mà chữa bệnh?

Theo hiểu biết của tôi, thì không có ở đâu trên thế giới này lại có cái chuyện đào tạo y tá rồi thủng thẳng học tiếp để mai sau thành bác sĩ như ở ta. Thế giới này chỉ có đủ năng lực thì học ra bác sĩ, không đủ thì học ra y sĩ, không đủ nữa thì ra y tá. Từ y tá không thể lên y sĩ và từ y sĩ không thể lên bác sĩ. Nếu y tá có muốn học nữa thì lấy cử nhân y tá, hoặc thạc sĩ y tá (bây giờ gọi là điều dưỡng) chứ muôn đời không có chuyện "tu nghiệp" để nâng cấp lên thành bác sĩ!!! Cũng giống như tôi đã viết trong bài Chuyện thầy tôi và chuyện nhân văn. Anh không có tú tài thì khi đi lính, anh suốt đời là thượng sĩ già. mà không thể thành sĩ quan! Và cũng vì thế mà ở nước ta tiến sĩ y khoa có nguồn gốc từ y tá 6 tháng cấp tốc được tu nghiệp ra đường đông như trấu. Có tiến sĩ còn phải hợp thức hóa cấp tốc từ y tá để chuẩn bị cơ cấu cán bộ nắm vận mệnh sức khỏe tòan dân.

Cũng chưa có nước nào có cái kiểu đào tạo kỳ quặc là đã tốt nghiệp bác sĩ rồi mà phải quay lại học thạc sĩ như ta. Câu chuyện này, phải nhớ đến "cái công" cải cách giáo dục theo kiểu giật gấu vá vai của cựu phó thủ tướng Nguyễn Khánh, của chính phủ thời cụ Võ Văn Kiệt, sau khi ông Khánh đi tham quan các universities của phương Tây về làm một một cuộc cải cách giáo dục vô tiền khoáng hậu, không giống ai. Tất cả mầm móng sai đường bắt đầu từ sự chóang ngợp của ông khi đi tham quan. Cần xem lại điều này nếu muốn y học nước nhà tốt đẹp hơn, khi ngày nay ai cũng khoe mình là thạc sĩ y khoa, tiến sĩ y khoa, nhưng không biết nghiên cứu, chỉ biết làm bậy và làm sai nhan nhãn trong đời sống xã hội.

Ba vấn đề nhức nhối trong đào tạo y khoa nước nhà có lẽ đã góp phần không nhỏ trả lời tại sao ngành y Việt Nam bây giờ lắm thợ mổ và thợ thuốc hơn là thầy phẫu thuật và thầy thuốc. Đồng thời nó cũng góp phần không nhỏ về việc tha hóa trong ngành y Việt Nam. Mong rằng các nhà vạch ra sách lược, chiến lược cần bổ sung cái cần bổ sung và cần dứt bỏ cái cần dứt bỏ càng sớm thì tội lỗi với dân tộc càng ít vậy. Tôi viết ngắn, mong hiểu nhiều, nếu muốn dân Việt có một tư duy mẫn tiệp và một sức vóc như Thánh Gióng trong tương lai.

Mong lắm,

Đăng nhận xét

0 Nhận xét